Từ thế kỷ XII, ở Pháp, đã có những tòa tháp đặt đèn, về chức năng tương tự như những cây đèn đường ngày nay.
Thế nhưng, chúng thường nằm bên cạnh các nghĩa trang, và được xem là một nguồn sáng của linh hồn dẫn dắt người quá cố đến thiên đường. Trong tiếng Pháp, những công trình này có tên là La Lanternes Des Morts, nghĩa là cây đèn của người chết.
Là đèn cũng là tháp, mỗi tháp đèn ở đây đều rất to lớn, có khi cao tới cả chục mét, rộng hàng mét. Nói chung, đây là một kiến trúc vững chãi, rỗng ruột, có thể trú ngụ và được làm bằng đá dưới dạng cột trụ, chòi canh hoặc tháp nhỏ hình tròn, lục giác, bát giác có chóp nhọn/ hình nón, trên cùng gắn thánh giá.
Tại gần đỉnh hay lưng chừng tháp có các ô để đèn, và ở dưới chân tháp là lối vào với các bậc thang xoắn ốc hoặc hệ thống ròng rọc kéo và hạ đèn tùy ý.
Hằng ngày, người ta sẽ leo cầu thang bộ lên đây thắp đèn, và nếu lối đi hẹp thì đặt đèn lên ròng rọc, đưa lên đưa xuống. Cùng những vân hoa và màu đá kỳ thú, nhiều công trình còn được trang trí bằng các mảng phù điêu, cột kèo, mái vẩy hết sức trang nhã.
Tại sao người xưa lại xây dựng những tháp đèn cao như vậy, và không chỉ cao mà còn đẹp, tới nay vẫn chưa có lời lý giải thấu đáo.
- Xem thêm: Hoành tráng long xà kiều
Song dựa trên tên gọi và vị trí của chúng, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, mỗi công trình đều đóng vai trò quan trọng như là một ngọn hải đăng của linh hồn, đưa người đã khuất băng qua bóng tối để tới nơi họ được phán xét và cứu rỗi. Dọc đường đi, nó cũng bảo vệ họ khỏi những nanh vuốt của quỷ dữ và sự tha hóa.
Mỗi tháp đèn vì vậy là biểu tượng của ánh sáng thần thánh Lux Divina, mà theo kinh Sáng Thế Ký có thể chế ngự bóng tối, đem tới sự thông thái và bất tử cùng một cuộc sống an lành. Phần lớn những tháp đèn ở đây đều xuất hiện từ thời Trung Cổ là một thời kỳ vô cùng đen tối trong lịch sử.
Người dân trong thời này phải chịu rất nhiều cuộc chiến, dịch bệnh và những ngọn “hải đăng” trên (mặc dù không gần với biển) vẫn có tác dụng như một làn gió mát đưa họ đi xa, thoát khỏi hoàn cảnh hoặc là một vị thuốc chữa lành vết thương trong tâm hồn.
Là một nguồn sáng kiên định trong đêm, không chỉ giúp người chết an nghỉ, không quay về quấy nhiễu thân quyến, chúng còn giúp dân gian đi lại dễ dàng trong bóng tối, như là một loại đèn đường công cộng, nhất là ở vùng có dịch, và cần phải tránh nhau nhằm giảm thiểu sự phát tán của bệnh.
Cũng có người cho rằng, nhiều tháp đèn trên không hề có liên quan gì đến người chết, mà ngược lại là những kiến trúc để tưởng nhớ tới các sự kiện trọng đại, các bậc vĩ nhân hoặc là một phần trong các tháp canh của cung điện, thánh đường.
Họ tin rằng, La Lanternes Des Morts vốn không có nghĩa là đèn của người chết, mà đơn giản chỉ là đèn của người Ma Rốc.
Đây là một dân tộc theo đạo Hồi, luôn có truyền thống hành hương lâu đời, đặc biệt là về các thánh địa, công trình tôn giáo nổi tiếng. Người Ma Rốc thường xây dựng dọc đường những cái đèn nhỏ, vừa để chiếu sáng vừa để đánh dấu những tuyến đường hành hương.
Khi tên của họ được nói bằng tiếng Pháp, thì do đồng âm chữ người Ma Rốc Maures đã bị đọc nhầm sang chữ người chết Morts, và dẫn tới tên cây đèn hôm nay.
Vì thế, về nguồn gốc, đây không phải là đèn soi đường cho người quá cố mà là du khách. Nhiều tháp đèn cũng gắn liền với các cuộc thập tự chinh nhằm vinh danh Chúa và giáo hội.
Ví dụ như tháp đèn ở Sarlat-la-Caneda, miền Nam nước Pháp là một công trình nhằm kỷ niệm chuyến ghé thăm của thánh Bernard Clairvaux, nhà lãnh đạo trong cuộc Thập tự chinh lần 2, khi đến thăm nơi này.
Người ta cũng tìm thấy một tháp đèn ở Vergeze, miền Nam nước Pháp có dạng những ống khói của cung điện Bakhchisaray, và còn có tên khác là ống khói Saracen, một từ cổ trong tiếng Ả Rập.
Ngay từ Bakhchisaray cũng là một từ của người Muslim, và đây là một cung điện, thánh thất Hồi giáo. Điều ấy cho thấy tháp đèn rất có thể là một kiểu trang trí cung điện.
Từ hàng trăm cây đèn của người chết, đến nay sau cuộc Cách mạng Pháp, chỉ còn khoảng trăm công trình còn sót lại, và tập trung chủ yếu ở miền Trung và Tây Nam Pháp, mà đẹp nhất là tháp đèn của thị trấn Cellefrouin-Charente theo phong cách Romanesque cuối thế kỷ XII, cao hơn 12m chưa kể phần bục.
Về đại thể, nó là một tòa tháp, gồm 8 cột trụ hình bán nguyệt bám vào nhau và ở trên cùng đỡ một bộ mái hình nón được chạm trổ thành những phiến đá hình tam giác, tạo nên một cảm giác về một quả thông khổng lồ.
Đẹp không kém là tháp đèn của Fenioux, Saintonge cũng ra đời trong thế kỷ XII, và là một tháp cao, có đến 11 cột trụ giao nhau với 2 tầng có nhiều hoa văn điêu khắc đầu cột và một bộ mái hình kim tự tháp và 38 bậc cầu thang uyển chuyển bên trong.
Đồ sộ nhất và là viên ngọc trong cảnh quan thiên nhiên Sarlat-la-Caneda là tháp đèn cùng tên, nằm ẩn sau nhà thờ Saint Sacerdos, Dordogne.
Đây là một chốn rất linh thiêng, từ thời Trung cổ đã lừng danh với phong tục thắp sáng một ngọn nến và giữ nó cháy mãi cho đến khi chôn cất xong xuôi thi thể người quá cố, nhằm giữ cho linh hồn người ấy được nguyên vẹn.
Tháp đèn này có một điểm đặc biệt là nó có hình dạng như một con ốc đá với những đường xoắn rất cân đối và nhẹ nhàng theo phong cách Islamic.
Là cây đèn cổ nhất trong 50 tháp đèn ở phía tây đất nước, đèn Ciron- Indre là một bằng chứng sống hãy còn duy trì đến nay của truyền thống Xentơ tại Pháp.
Tọa lạc giữa một nghĩa trang cổ, tháp cao 5m, với đường kính 0,85m và đứng trên một đế đá cao 2,2m, trên đầu cột trổ 6 ô cửa hình cung kép, và từ đó tỏa ra 6 luồng ánh sáng đi về các hướng Đông-Tây-Nam-Bắc.
Trước đây, ở đỉnh có một cây thập tự, song đến năm 1875 đã được thay bằng một cụm hoa. Vừa đẹp vừa cao nhất là tháp đèn của Saint-Pierre-d,Oleron, Charente hình bát giác xây theo lối Plantagenet cao gần 24m, trong khi những công trình khác trong khu vực chỉ cao từ sáu đến 10m. Có thể nói nó là một cây kim đâm lên bầu trời.
Ngoài ra, đẹp hấp dẫn còn phải kể tới những tháp đèn ở Ciron, Creuse, Antigny, Journet, Pranzac, Rancon, Chateau-Larcher, Coussac-Bonneval, Cognac-la-Foret, Fontevraud-l,Abbaye, Oradour-Saint-Genest, Saint-Agnant-de-Versillat… Bên cạnh đèn cổ, cũng có một số đèn mới tráng lệ như đèn của Notre Dame de Lorette, Ablain- Saint- Nazaire và Douaumont Ossuary, Meuse.