Một tín hiệu tích cực trong việc mua sắm công sản đã được phát đi khi ngày 30-3 vừa qua, Bộ Tài chính cho biết từ nay việc mua sắm xe công sẽ giảm từ hàng chục ngàn đầu mối xuống còn 170 đầu mối (gồm hai đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia cùng các đầu mối của bộ, cơ quan trung ương, cơ quan địa phương). Điều này có nghĩa là sẽ chấm dứt tình trạng mua sắm xe công một cách tự phát gây lãng phí ngân sách vốn thường xuyên bội chi và những khoản nợ công chồng chất.
Xe công là câu chuyện dài đã được mổ xẻ trên nhiều diễn đàn từ Quốc hội đến những hội thảo chuyên đề nhưng nói và làm hoàn toàn khác nhau. Lần này Bộ Tài chính tỏ ra cương quyết: chậm nhất đến ngày 30-5, các bộ, các cơ quan và các tỉnh thành trực thuộc trung ương phải tổng hợp nhu cầu mua sắm xe gửi về bộ để thực hiện cơ chế mua sắm tập trung. Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu được gửi về sẽ rà soát, tập hợp các trường hợp mua sắm đúng tiêu chuẩn và chọn nhà thầu cung cấp để đơn vị trực tiếp ký hợp đồng mua bán, thanh toán.
Thông tin từ Cục Quản lý công sản cho biết gần 1 tỉ USD tài sản nhà nước là xe công với gần 40.000 xe chưa kể đến xe của các đơn vị vũ trang và doanh nghiệp nhà nước. Bộ Tài chính tính toán chi phí sử dụng mỗi chiếc khoảng 320 triệu đồng một năm, như vậy ngân sách nhà nước phải chi đến 12.800 tỉ đồng mỗi năm.
Xe công chỉ chiếm một phần trong số 200.000 tỉ đồng nhà nước chi cho mua sắm công sản, như vậy nếu tất cả công sản được thực hiện dưới hình thức mua sắm tập trung thì ngân sách quốc gia sẽ tiết kiệm được một số tiền vô cùng lớn. Bởi nhờ đó mà bộ máy và biên chế trong mua sắm công sẽ được tinh giản, tiết kiệm chi tiêu ngân sách do giảm giá mua, giảm chi phí liên quan đến đấu thầu, khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức và nhu cầu sử dụng thực tế, hạn chế tiêu cực cấp trung gian.
Thật ra việc tập trung mua sắm công sản không hề mới, hầu hết các nước đã làm từ lâu. Ở nước ta vấn đề này cũng đã được mổ xẻ mấy chục năm trước qua nhiều bài báo của các chuyên gia trên Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần cũng như các báo khác, nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm. Phải chăng bây giờ, tình trạng thu chi ngân sách quá căng thẳng, vấn đề mới được khơi dậy cùng với một dự thảo Luật Quản lý sử dụng tài sản công đang được chuẩn bị cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được cho thuê tài sản chưa hết công suất.
Gia Trí (DNSGCT)