Theo thông tin từ Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (Jetro), trong ba năm trở lại đây, đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam vẫn tăng trưởng khá đều, tuy nhiên xu hướng đầu tư đang có sự thay đổi.
Thống kê của Jetro cho thấy, trong hai năm 2017-2018 số dự án mới cấp phép trong lĩnh vực chế tạo chỉ chiếm 24 – 25% tổng số dự án, còn lại là các lĩnh vực lưu thông bán lẻ, dịch vụ tư vấn, IT, xây dựng, vận tải kho bãi… Con số này cho thấy sự sụt giảm khá rõ so với giai đoạn trước đây, khi số dự án trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo luôn chiếm tỷ lệ hơn 50%. Đặc biệt, nếu xét theo số vốn cấp phép, vốn Nhật rót vào lĩnh vực hạ tầng đời sống chiếm tới 70% tổng vốn đầu tư mới trong năm 2017; lĩnh vực bất động sản chiếm tới 66% trong năm 2018.
- Xem thêm: Thu hút vốn ngoại: mong chờ bước đột phá
Ngoài ra, các dự án quy mô dưới 5 triệu USD chiếm tới khoảng 90%; và từ đầu năm 2016 đến nay không có dự án trị giá lên đến tỉ USD của Nhật đổ vào lĩnh vực chế biến, chế tạo mà chỉ rót vào năng lượng, bất động sản, cơ sở hạ tầng… Một số chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài nhận định: Việc nhà đầu tư Nhật Bản mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, thương mại sẽ là xu hướng chung trong vài năm tới, do nhiều công ty sản xuất lớn của Nhật Bản đã rót vốn vào Việt Nam ở giai đoạn trước. Hiện tại thị trường tiêu dùng trực tiếp tại Việt Nam đang rất hấp dẫn các công ty dịch vụ và thương mại nước ngoài.
Ông Shinichiro Shimizu, Giám đốc Japan Airlines cho biết doanh thu từ thị trường Việt Nam của hãng hiện đang đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan. Cùng với vận chuyển hành khách, các hãng hàng không Nhật Bản đang đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa tới Việt Nam. Nếu như trước đây các chuyến bay xuất phát từ Nhật Bản chủ yếu chuyên chở các mặt hàng nguyên liệu vải, phụ kiện may mặc, linh kiện điện tử… mà phía Việt Nam chưa sản xuất được thì gần đây nhu cầu hàng hóa đã có nhiều thay đổi.
Các hãng hàng không Nhật Bản cho rằng sắp tới đây, nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. “Cùng với CPTPP, nhu cầu vận chuyển sẽ ngày càng gia tăng nhờ sự phát triển của thị trường nội địa Việt Nam, với sự tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm hàng tiêu dùng, thực phẩm tươi sống từ Nhật Bản” – ông Shinichiro Shimizu kỳ vọng.
Ngoài hàng không, các doanh nghiệp Nhật thuộc các lĩnh vực thương mại, ngân hàng, xây dựng, thực phẩm, đồ điện gia dụng, tư vấn… xâm nhập vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều. Theo ông Kitagawa Hironobu, Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản sau khi sản xuất tại Việt Nam có sản phẩm tiêu thụ ngay tại thị trường nội địa đang ngày càng tăng lên.
Cũng theo số liệu từ Jetro, tính đến hết năm 2018 có tới 27,6% doanh nghiệp Nhật Bản có sản phẩm tiêu thụ 100% tại thị trường nội địa. Cùng với đó, hình thức xuất khẩu 100% đang thu hẹp và tiến gần hơn sang hình thức cung ứng nội địa. Chỉ có 25,3% doanh nghiệp Nhật Bản có doanh thu hoàn toàn từ hoạt động xuất khẩu, giảm 27,2% so với con số của năm 2017.