Cho dù “thất bại là mẹ của thành công” thì cũng không thể phủ nhận chúng ta không thích đâm đầu vào thất bại.
Thế nhưng từ tập tự truyện Cuộc đấu tranh của tôi (My Struggle) liên tiếp những bất hạnh đời thực của nhà văn Karl Ove Knausgård (Na Uy) cho tới Cứ việc thất bại: Những điều tôi học được từ sai lầm (How to Fail: Everything I’ve Ever Learned from Things Going Wrong) của tiểu thuyết gia Anh Elizabeth Day đều được người đọc đam mê. Chưa hết, sự thất bại trong các tác phẩm văn chương đương đại còn không mở ra cánh cửa thành công cho nhân vật. Vậy mà chúng vẫn được độc giả say mê điên cuồng. Tại sao?
Samuel Beckett (1906-1989), nhà văn Ireland đoạt giải Nobel Văn học năm 1969, từng viết: “Cứ thất bại. Thất bại hơn nữa”. Rất nhanh, câu văn ấy trở thành “thần chú” của những người khởi nghiệp. Bởi vì “thất bại là mẹ của thành công” nên càng thất bại và thất bại “đẹp”, người ta càng rút ra được nhiều kinh nghiệm, từ đó học hỏi được cách thức kinh doanh, vận hành tốt, cuối cùng bước lên nấc thang thành đạt.
- Xem thêm: Tái chế văn chương
Những năm gần đây, văn học hình như cũng thấm nghịch lý này. Từ mảng tự truyện, cái vốn toàn trải nghiệm cá nhân của chính tác giả cho đến tiểu thuyết và phi hư cấu, tất cả đều trà đầy những chua chát, suy sụp, đến nỗi các nhà phê bình phải ngờ ngợ: có phải viết về thất bại cũng là một kiểu thành công?
Thất bại: Bài học chấp nhận thực tiễn
Thực tế thì Karl Ove Knausgård (1968) không phải người đầu tiên viết về những thất bại vụn vặt trong đời thường, nhưng ông chính là người khởi xướng xu hướng viết về những sai lầm từng gặp trong thực tiễn ngày nay.
6 tập Cuộc đấu tranh của tôi của ông là “những chuyện không dám kể và nhục nhã” của cả bản thân lẫn thân nhân, khiến không ít người mếch lòng, thậm chí dọa kiện cáo. Song với người đọc, nó lại vừa khéo “gãi đúng chỗ ngứa”. Chỉ riêng ở Na Uy, bộ tự truyện này đã bán được nửa triệu bản. Trên thế giới, nó được dịch ra 35 thứ tiếng, trở thành cơn sốt toàn cầu.
Sau Cuộc đấu tranh của tôi của Knausgård là sự mê hoặc khó cưỡng từ Cứ việc thất bại: Những điều tôi học được từ sai lầm của Elizabeth Day (1978). Bằng những câu chuyện dở khóc dở cười hết sức trung thực từ thuở ngây thơ cho đến khi trưởng thành, trở thành một nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp được biết đến rộng khắp, cô chứng minh “viết về thất bại là thành công” là có thật.
Trong mắt mọi người, Elizabeth là một phụ nữ thành đạt. Đó là một điều đáng tự hào song với cô, nó có chút… thiếu. Đời tư của Elizabeth không đầy ánh hào quang mà nhuốm nỗi đau ly hôn, sảy thai, không có con. Cứ việc thất bại: Những điều tôi học được từ sai lầm bao gồm toàn bộ trải nghiệm thật, tường thuật mọi hoạt động và cảm xúc cá nhân của Elizabeth từ yêu đương, công việc, thể thao đến giao hảo, mối quan hệ gia đình, sự tức giận, nỗi đau đớn… Tuy nhiên khác với giới kinh doanh, Elizabeth không thất bại để thành công. Cô thất bại để biết chấp nhận. “Không có con là một điều đáng buồn”, Elizabeth bộc bạch. “Nhưng tôi vẫn có thể sống với nó”.
Có một điểm chung giữa những cá nhân thành công là sự điềm tĩnh. Họ thoải mái nhìn nhận thất bại đã qua, thừa nhận con đường sự nghiệp của mình không hề suôn sẻ. Thất bại không phải cái gì đó tốt đẹp, nhưng cũng chưa hẳn là thứ xấu xa. Nó có ích hay vô dụng hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ đối diện của mỗi người.
Cuộc sống có buồn có vui. Vui thì tốt rồi, nhưng với các trường hợp biết “biến đau thương thành động lực” thì buồn cũng không hẳn quá tệ. “Tôi đã có được nhiều hơn khi lầm lạc so với lúc luôn làm đúng”, Elizabeth khẳng định. Chính nhờ cứ đi sai, cô mới học được cách bình thản trước các biến động trong cuộc đời, biết làm thế nào cân bằng cảm xúc, vượt qua khủng hoảng và phục hồi.
Thất bại: Lách quan niệm cố hữu
Trong khi ai nấy an ủi nhau: “Thất bại là chìa khóa của thành công”, nhà văn kiêm học giả Paul Dolan của Anh lại bảo: “Tôi nghi ngờ điều ấy”. Con người là sinh vật sống có mục đích. Chúng ta luôn đặt ra mục tiêu và cho rằng, những vấp ngã trên con đường đến đích chỉ là thử thách. Phấn đấu và phấn đấu không ngừng, mọi người hay khích lệ nhau như thế.
“Nhưng đôi khi, chúng ta cũng nên biết dừng lại”, Dolan nói. Ông lấy ví dụ một mối quan hệ tốt đẹp đã kéo dài suốt 15 năm. Thường thì chúng ta sẽ vì 15 năm ấy mà nỗ lực khiến nó tiếp diễn. Còn Dolan lại bảo cho dù phải chấm dứt ở cái mốc 15 năm, thì đó cũng không có nghĩa là “mối quan hệ thất bại”.
Với Sau mãi mãi: Thoát khỏi khái niệm cố hữu về cuộc sống hoàn hảo (Ever After: Escaping the Myth of the Perfect Life), Dolan phân tích các mặt trái phải của quan niệm hạnh phúc, lập luận rằng ngoại trừ việc tuân theo những quy ước bất thành văn vốn có vẫn còn con đường khác để sở hữu cuộc sống như mơ lâu dài. Hãy cùng nhìn lại con đường hạnh phúc chung mà hầu hết mọi người đều leo lên: lập gia đình, có con cái, mở rộng sự nghiệp.
Chúng ta có xu hướng ngưỡng mộ những cá nhân tập hợp đủ các “điều kiện” này, tin tưởng họ mới là những người thành công, hạnh phúc nhất. Song theo số liệu thống kê xã hội thì nhóm người vui vẻ nhất lại là những phụ nữ chưa kết hôn và chưa có con. Ngay cả trong thống kê về tuổi tác, những phụ nữ không chồng con cũng sống thọ hơn.
Vượt qua nghịch cảnh là chiến thắng. Chúng ta chỉ ăn mừng khi thành công chứ chẳng bao giờ ăn mừng vì thất bại. Ấy thế nhưng Emilie McMeekan và Annabel Rivkin (2 nữ nhà văn Anh) lại mang tới cho độc giả một quan niệm hoàn toàn trái ngược. Qua cuốn sách Tôi là nhất: Kim chỉ nam cho phụ nữ không hoàn hảo (I’m Absolutely Fine: A Manual for Imperfect Women), họ hướng chị em vào lối sống biết yêu quý với bản thân. Thay vì cố gắng để trở thành người phụ nữ lý tưởng, mọi người chỉ cần hài lòng với những gì mà họ đang có.
Mỗi lần thất bại là một lần đáng để tổ chức tiệc ăn mừng. Mỗi cá nhân là một cá thể riêng và đều có quyền tìm cho mình một cuộc sống như mong muốn. Nói như nhà văn được ví là chuyên gia tâm lý của Anh Bryony Gordon thì chúng ta không nên so sánh bản thân với người khác. “So sánh là kẻ đánh cắp niềm vui”, cô viết trong Bạn có cái này (You Got This). Chấp nhận giới hạn không phải là thất bại. Trái lại, cứ đâm đầu đuổi theo mục đích không thể đạt mới là ngược đãi, đánh mất hạnh phúc của bản thân.
Thất bại: Cái không hoàn hảo xinh đẹp
Kỳ thực thì những câu chuyện vượt qua nghịch cảnh không có sức ghi khắc lớn bằng thất bại. Chúng ta nhanh chóng quên tên những nhân vật thành công trong thần thoại, nhưng nhớ mãi cái chết của Icarus, chàng trai cố chấp bay lên mặt trời bằng đôi cánh và cuối cùng bị đốt cháy thành tro. Chúng ta cũng không quên nỗi tuyệt vọng vô tận của Sisyphus khi cứ vừa đẩy được tảng đá trừng phạt lên đến đỉnh núi thì nó lại lăn trở xuống.
Từ rất lâu trước Knausgård, văn chương xoay quay đề tài thất bại đã tìm được chỗ đứng trong lòng người đọc. Sau thần thoại Hy Lạp là đến Shakespeare (1564-1616) với hàng loạt tác phẩm bi kịch sống mãi với thời gian. Các nhân vật của Shakespeare, từ chính đến phụ, đều thống khổ vì vấp ngã, sụp đổ, tuyệt vọng. Dường như trong thất bại luôn ẩn chứa một cái gì đó đẹp đẽ, đến mức đủ để đảm đương vai trò là một chủ đề thẩm mỹ trong văn chương.
Tại Nhật Bản, có một cụm từ cực kỳ thích hợp để đại diện cho sự thất bại trong văn học: Wabi-sabi (cái đẹp không hoàn hảo). Trong Seiobo ở đây (Seiobo There Below), László Krasnznahorkai, nhà văn Hungary đoạt giải Man Booker năm 2015, thể hiện rõ nét lập luận khó lý giải này.
Và ngoài bi kịch, thất bại còn là mảnh đất màu mỡ “trồng” hài kịch. Mặc dù chúng là hai thể loại khác nhau, nhưng đều chung một cái gốc là sai lầm. Một khi con người chệch khỏi chính đạo, sự sa ngã sẽ mở ra hai con đường bi và hài. Bạn có thể tìm thấy vô số những tình tiết cười đau bụng trong văn chương khi nhân vật sa cơ lỡ vận.
Hiện tại thì nhà văn Mỹ Sam Lipsyte (1968) được xem là tác giả xuất sắc nhất trong việc tạo ra những tường thuật hài hước về sự không hoàn hảo của con người. Nghe này (Hark), cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông là sự mâu thuẫn nội tâm đầy trào phúng, làm người đọc tắm trong những tràng cười bất tận.
Thất bại là một phần của cuộc sống. Xuyên suốt Nghe này là cảm giác thỏa hiệp, sự “lầy lội” và ma mãnh. Chúng ta cứ chắc mẩm mình là người cương trực, nhưng sự thực thì dễ ngược lại lắm. Cái gọi là “thỏa hiệp” cũng tương tự như thất bại, bảo xấu thì xấu mà nói là đẹp cũng… đẹp. Cuộc sống hiện đại đầy những thỏa hiệp. Chúng ta thỏa hiệp với bản thân, với hàng xóm, đồng nghiệp, cấp trên, với phối ngẫu… và được đáp trả bằng “chín sự lành”. Chí ít thì sự thỏa hiệp cũng giúp đôi lứa yêu nhau giữ được quan hệ bền vững.
- Xem thêm: Khi người người viết sách
Nhiều người quan niệm thất bại thì tốt hơn thành công bởi chúng ta học hỏi được nhiều thứ hơn từ nó. Kỳ thực thì thành công cũng cho lượng bài học tương đương. Chúng ta nhớ thất bại hơn đơn giản vì nó là đau đớn và cay đắng. Không so sánh bản thân với người khác chỉ dễ nói chứ chẳng dễ làm. Con người là sinh vật phức tạp.
Tuy bảo biết hài lòng, giới hạn là hạnh phúc, nhưng cũng không thể khẳng định bất chấp theo đuổi mục tiêu là bất hạnh. Chúng ta sống trọn vẹn nhất khi có lý tưởng. Và dù yêu thích những câu chuyện về sự thất bại thảm hại, song mọi người lại được “truyền lửa” từ những nhân vật đạp bằng mọi thử thách, chông gai.
Thật khó để “chắc như đinh đóng cột” rằng thất bại hay thành công thì tốt hơn, nhưng có thể chắc bạn chỉ yêu một hay yêu cả hai cũng đều được. Xét cho cùng, chẳng phải phần lớn chúng ta đều đồng ý thế giới là nhị nguyên hay sao?