Ba tuần rồi, chuyện chính quyền ra tay dọn dẹp vỉa hè để trả lại cho người đi bộ vẫn chưa hết nóng trên các mặt báo. Tuy mỗi địa phương có một cách làm khác nhau nhưng có thể thấy đằng sau đó đều hé lộ những vấn đề về mặt quản lý nhà nước.
Khi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội công khai khẳng định 87% cơ sở kinh doanh bia hơi đang lấn chiếm vỉa hè đều có công an “chống lưng” hay khi ông đặt câu hỏi “Có mặt công an phường, các bí thư quận, chủ tịch quận ở đây, các đồng chí có dám cam kết với tôi là các điểm giữ xe không có người nhà của các đồng chí không?”, dư luận cho rằng ông đã điểm đúng huyệt của căn bệnh nhờn pháp luật hiện nay. Là từ chính những người thi hành pháp luật! Cũng vì bài toán lợi ích chằng chịt nhau trong nội bộ như vậy, mà dư luận tỏ ra hoài nghi về khả năng chữa bệnh, nếu chỉ với toa thuốc “các đồng chí về giáo dục, tuyên truyền mọi người kinh doanh” hay “về nói với người nhà thôi” như ông bước đầu đưa ra.
Trước câu hỏi vì sao phải trực tiếp đi dọn dẹp vỉa hè mà không giao cho cấp dưới, Phó chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM trả lời: “Đã giao nhưng chuyển biến chậm, các chủ tịch, phó chủ tịch phải trực tiếp xuống chỉ đạo như vậy mới ra vấn đề, chứ không ngồi bàn giấy được!”. Sự xông xáo có thể là bất đắc dĩ của ông cho đến tận đầu tuần này đã phần nào bộc lộ sức ỳ của hệ thống! Cũng không dễ gì ngày một, ngày hai khắc phục.
Quan trọng không kém lo ngại đợt ra quân rầm rộ này sẽ rơi vào cảnh bắt cóc bỏ dĩa như nhiều đợt khác, liệu chúng ta có nên lắng lại với suy nghĩ giả sử tất cả các vỉa hè đều được dọn dẹp thông thoáng thì chuyện gì sẽ xảy ra.
Thì phép nước nghiêm minh, thì người dân – người đi bộ sẽ hoan nghênh chứ sao nữa!
Thật ra bài toán hài hòa lợi ích trong chuyện này không chỉ đặt ra giữa người đi bộ – với quyền đi bộ và người dân nghèo (không phải là đối tượng được “chống lưng” nói trên) – với quyền con người mưu sinh, mà còn liên quan đến đề bài đảm bảo nhu cầu thiết yếu của số đông người dân khác, như nhu cầu có chỗ giữ xe thuận tiện trong điều kiện đường sá, hạ tầng đô thị chật hẹp, thiếu thốn như hiện nay.
Có vẻ như trước tình trạng lấn chiếm quá đáng, chúng ta mong muốn một sự lập lại trật tự triệt để để trả lại công năng lý thuyết cho vỉa hè. Nhưng chúng ta, và nhất là cơ quan công quyền, có lúc nào chợt nhớ lại các chính sách với vỉa hè qua các thời kỳ.
Không nói đâu xa tới thời “Quản lý vỉa hè xưa ở Hà Nội” của người Pháp, vài năm trở lại đây, chuyện “cho thuê vỉa hè” để làm nơi buôn bán, làm bãi giữ xe đã được chính quyền các thành phố lớn trên cả nước áp dụng cả chính thức lẫn thí điểm và cho đến nay vẫn còn thực hiện trong phạm vi địa bàn cơ sở. Khác với việc công an “chống lưng” nói trên, tiền cho thuê vỉa hè theo… quy định có lẽ vào ngân sách dưới khoản mục nào đó dù quy định về việc giám sát có thể chưa chặt chẽ.
Chuyện “cho thuê vỉa hè” cũng đã được luật hóa trong Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ đầu năm nay. Theo đó, luật cho phép thu phí tạm thời vỉa hè, lòng đường và phí này do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định. Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua luật này, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách vào lúc đó cho rằng: “Việc sử dụng lòng đường, hè phố là nhu cầu thực tế, cần thiết ở tất cả các đô thị, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới và là nguồn thu ngân sách nhà nước khá lớn của nhiều đô thị”.
Lập lại trật tự lòng lề đường xong cũng nên khảo sát nhu cầu sử dụng và thực tế có thể đáp ứng của vỉa hè nhằm đưa ra một danh sách có thể cho thuê hoặc không thể cho thuê trong quá trình sắp xếp lại chuyện mưu sinh cho dân nghèo đang sống dựa vào vỉa hè.
Như vậy, bức tranh vỉa hè đô thị sẽ rõ ràng hơn, lằn ranh giữa vỉa hè được “chống lưng” hay bị lấn chiếm tự phát với vỉa hè thuộc quyền cho thuê của Nhà nước sẽ rõ ràng hơn. Khi đó, mới chấm dứt được tình trạng “Ở đây muôn sự của chung/Ai khéo vẫy vùng thì được của riêng” và bài toán hài hòa lợi ích có thêm một bên nữa là Nhà nước.