Hiện có khoảng 34% doanh nghiệp thừa nhận họ phải chịu phí “bôi trơn” khi tiếp xúc với cơ quan thuế để tránh bị bắt bẻ, làm khó trong các thủ tục quyết toán, thanh kiểm tra thuế. Tỷ lệ doanh nghiệp cảm thấy phiền hà trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính thuế lên đến 41%, trong đó, nhóm gặp phiền hà nhiều nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp dân doanh. Tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong nhóm doanh nghiệp dân doanh là 33%, còn trong doanh nghiệp FDI là 44%. Đây là kết quả khảo sát Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016, thực hiện trên gần 3.500 doanh nghiệp trên cả nước.
“Bôi trơn” để thông quan hồ sơ thuế
Những phiền hà mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình thực hành chính sách thuế rất đa dạng. Có 53% doanh nghiệp cho biết họ bị cơ quan thuế yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ nhiều lần, 39% doanh nghiệp thì cho rằng thủ tục thuế luôn bị kéo dài ngày này qua tháng khác. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế của VCCI cho biết khi thực hiện khảo sát, có doanh nghiệp cho biết do chính sách thuế thay đổi quá nhiều lần trong một năm, doanh nghiệp chưa kịp thông suốt thông tư, nghị định này thì đã có thông tư, nghị định khác xuất hiện. Ngoài ra còn có quá nhiều công văn hướng dẫn đi kèm, khiến doanh nghiệp không biết do đó sai sót là khó tránh khỏi.
Số liệu khảo sát cũng cho thấy những doanh nghiệp mới thành lập có mức độ lo ngại càng cao nếu họ không chi các khoản chi phí không chính thức, có 42% doanh nghiệp thành lập từ năm 2010 trở lại đây cho rằng họ sẽ bị phân biệt đối xử nếu không… chịu chi, trong khi con số này ở những doanh nghiệp thành lập trước năm 1990 chỉ khoảng 26%. Những nội dung gây nhiều phiền hà nhất cho các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính thuế là biểu mẫu hay thay đổi (63%), thời gian giải quyết thủ tục quá dài (33%) và doanh nghiệp thường bị yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ (33%). Ngoài ra, doanh nghiệp còn than phiền về thái độ kém văn minh, lịch sự của cán bộ thuế, thậm chí có cả những suy diễn quy định thuế bất lợi cho doanh nghiệp…
Thủ tục hoàn thuế tuy có được cải thiện so với năm trước nhưng doanh nghiệp vẫn “than thở” khá nhiều. Chỉ có khoảng 16% doanh nghiệp được thực hiện hoàn thuế nhưng hành trình nhận tiền hoàn thuế của doanh nghiệp rất gian nan. Những hồ sơ thuế thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau là 15 ngày, còn kiểm tra trước hoàn thuế sau là 30 ngày. Ngay cả khi có quyết định hoàn thuế rồi thì cũng phải mất bảy ngày doanh nghiệp mới nhận được tiền hoàn thuế. Đó là chưa kể đến chuyện bị yêu cầu bổ sung hồ sơ hoàn thuế trung bình mà phải đi lại khoảng hai lần, cá biệt có đơn vị phải đi lại mười lần. Với trường hợp kiểm tra trước hoàn thuế sau thì doanh nghiệp phải đi lại tới 20 lần. “Đi lại nhiều thấm mệt nên buộc chúng tôi đành phải chọn cách “bôi trơn” để hồ sơ được thông quan nhanh hơn. Sau đó, dù đã có quyết định hoàn thuế thì con đường nhận tiền cũng không dễ dàng, có khi phải mất đến ba tháng, thậm chí có trường hợp mất cả năm trời mới nhận được tiền hoàn thuế”, đại diện một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
“Trà nước” cho đoàn thanh tra thuế
Cũng theo khảo sát nói trên, có hơn 50% doanh nghiệp “than phiền” chuyện phải tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra về thuế quá nhiều. Một số doanh nghiệp phản ảnh trước đây trung bình hai năm mới bị kiểm tra một lần, nay mỗi năm bị kiểm tra một lần. Trong khi đó, “hiện có quá nhiều cơ quan có quyền thanh tra các vấn đề về thuế”.
Doanh nghiệp có doanh thu càng lớn thì phải đón tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra thuế nhiều. Thông thường các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tiếp đón một, hai cuộc thanh kiểm tra trong năm. Với các doanh nghiệp quy mô lớn, con số này là khoảng ba cuộc. Tính toán chung, có 18% doanh nghiệp siêu nhỏ, 24% doanh nghiệp nhỏ và 43% doanh nghiệp quy mô vừa đón tiếp ít nhất ba đoàn thanh kiểm tra doanh nghiệp trong năm gần nhất, trong khi con số này là 50% đối với doanh nghiệp quy mô lớn. Đáng lưu ý, thanh tra, kiểm tra chưa có sự phối hợp tốt giữa các cấp, ngành. Điều này thể hiện qua tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh về tình trạng trùng lặp về nội dung thanh tra, kiểm tra giữa các đoàn đến doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy 25% doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và 30% doanh nghiệp vừa cho biết nội dung thanh kiểm tra của các đoàn bị trùng lặp. Với các doanh nghiệp quy mô lớn, con số này lên tới 32%.
Không ít doanh nghiệp cho rằng thanh tra, kiểm tra thuế nhiều khi không phải là hướng dẫn doanh nghiệp chấp hành tốt hơn thủ tục, chính sách thuế mà là để bắt lỗi, hoặc suy diễn theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp… Và trong những lần đón tiếp đoàn thanh tra thì không tránh khỏi chi phí “trà nước”. Ông Đậu Anh Tuấn nhận định đây là dấu hiệu đáng ngại, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Vì tư duy “truyền thống” của một số cán bộ là kiểm tra không ra kết quả thì cảm thấy không hoàn thành nhiệm vụ.
Cũng theo phản ánh của doanh nghiệp, nhiều lúc, cơ quan thuế không trả lời thắc mắc qua điện thoại mà yêu cầu doanh nghiệp trực tiếp đến cơ quan thuế, mặc dù đó chỉ là thắc mắc nhỏ. Việc nộp thuế điện tử có tới 64% doanh nghiệp cho biết hệ thống đường truyền dữ liệu thường xuyên bị tắc nghẽn, 8% cho rằng tốn chi phí để sử dụng chữ ký… Hệ thống thuế điện tử vẫn còn gây một số khó khăn cho doanh nghiệp như đối với việc khai thuế điện tử, 12% doanh nghiệp vẫn còn gặp vướng mắc trong việc đăng ký sử dụng dịch vụ nộp hồ sơ khai thuế qua mạng lần đầu.
Những phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy những kỳ vọng đối với việc ngành thuế trong triển khai công tác thanh, kiểm tra thuế cũng cần có thêm nhiều cải thiện. Có khoảng 81% doanh nghiệp cho rằng phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cần tăng tính minh bạch và giải quyết tốt hơn nữa những thắc mắc của doanh nghiệp về thuế để giảm thiểu gánh nặng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.