“Gần” – triển lãm cá nhân của họa sĩ Mạc Hoàng Thượng tại gallery Cactus (17/12 Nguyễn Huy Tưởng, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh từ 8-6 đến 22-6-2012) là một cuộc chơi nghệ thuật hiếm thấy ở phạm vi cả nước.
Hiếm thấy bởi triển lãm chỉ gồm những bức tranh vẽ chì trên giấy và trên vải bố, hầu hết đều có kích thước lớn, có bức rất lớn như Ván cờ (1,2 x 2,4m), Ơn người (1,4 x 2,2m). Vẽ bằng bút chì thật chi tiết và với kích thước tranh cỡ đó thì chỉ có Mạc Hoàng Thượng làm được như nhiều người từng nói về kỹ năng cũng “hiếm thấy” ở anh.
Năm ngoái, tại triển lãm “Dấu thăng” ở Nhà triển lãm Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh của bảy họa sĩ (Bùi Tiến Tuấn, Nguyễn Sơn, Lương Lưu Biên, Mạc Hoàng Thượng, Phương Quốc Trí, Lã Huy và Duy Đôn), Mạc Hoàng Thượng đã gây chú ý với một bộ tranh chân dung vẽ chì khổ lớn – một số bức được bày lại trong triển lãm “Gần” – cho thấy không chỉ tay nghề điêu luyện về hình họa của anh mà các chân dung dù chỉ được vẽ thật giản dị bằng chì nhưng đầy cảm xúc, thể hiện qua từng ánh mắt, bờ môi, nếp nhăn… trên mặt. Tên các bức tranh như Thiên khôi, Thiên thần, Hữu bật, Hóa khoa… hàm ý các chân dung người mẫu được vẽ đều mang “thiện căn” như những nét chì tinh khôi, không “màu mè” che giấu, như trẻ thơ hồn nhiên vẽ những nét đầu đời bằng bút chì nguệch ngoạc.
Đến triển lãm “Gần” thì Mạc Hoàng Thượng mới bộc lộ hết những “tuyệt chiêu” của anh, một họa sĩ – giảng viên trẻ được sinh viên Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh yêu mến vì những gì anh đã trao truyền để các bạn trẻ có thể sống với hội họa lâu dài. Không lạ khi phòng tranh trong ngày khai mạc có rất đông sinh viên – học trò của tác giả; những người xem chăm chú hơn ai hết các tác phẩm của thầy mình.
“Gần” bởi hầu hết những gì Mạc Hoàng Thượng đều thật gần gũi với anh: vợ con, người thân trong gia đình, bạn bè… và cả những phần cơ thể sống động của anh (hay của con người nói chung) như đôi bàn tay, đôi bàn chân mà khi được diễn tả thật chi tiết và thật lớn bằng chì mới thấy chúng cũng có “hồn vía” như những bức chân dung. “Gần” còn là sự gần gũi của chất liệu: chỉ cần chiếc bút chì học trò thay vì phải có những tuýp màu “xịn” và bộ cọ vẽ đắt tiền, hoàn toàn có thể đem đến những xúc cảm mạnh cho người xem. Nhưng để làm được điều đó thì lại cần đến sự khổ luyện – như nhà phê bình họa sĩ Nguyễn Quân nhận định khi xem triển lãm “Gần”: “Xem tranh của Mạc Hoàng Thượng mới thấy con đường nghệ thuật thật là cam go, gian khổ”.
Vượt lên lối vẽ truyền thần, vượt lên những bài hình họa trường quy, tranh vẽ chì của Mạc Hoàng Thượng là một thế giới của hai sắc độ đen – trắng tương phản mà hòa hợp, ở đó những thân phận người hiện ra rõ nét hơn bao giờ hết. Hay nói như họa sĩ Lương Lưu Biên khi viết trong vựng tập triển lãm của đồng nghiệp cũng là bạn thân của mình: “Ta như có thể nghe được tiếng sột soạt của chì trên giấy trắng đều đều kể lại câu chuyện của đời người bằng ngôn ngữ của những đường nét trau chuốt, cẩn thận và trôi chảy…”.
- Như Hoa