Đặc biệt là ĐBSCL nằm ở tận cùng lưu vực sông Mekông nên chịu một tác động kép từ nước ở thượng nguồn đổ về và từ biển dâng lên.
Kè lấn biển tại Cà Mau cũng đã có kế hoạch được bê tông hóa
Đối mặt với thiên tai
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng được dựa trên ước tính về phát thải khí nhà kính toàn cầu, gồm các mức độ thấp, trung bình và cao. Nếu đúng theo mức cao nhất thì đến cuối thế kỷ XXI, ảnh hưởng nặng nề nhất là khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang sẽ có mực nước biển tăng cao nhất, đến 105cm. Các chuyên gia khoa học cảnh báo rằng nếu nước biển dâng cao, an ninh lương thực quốc gia sẽ bị đe dọa, đời sống nông dân nghèo trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Làm thế nào để giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân, hạn chế những tác động xấu đến môi trường là vấn đề được đặt ra hàng đầu trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu cho ĐBSCL.
GS-TSKH Lê Huy Bá cho biết, biến đổi khí hậu sẽ gây nhiều hiện tượng thời tiết thất thường như bão, nắng nóng làm cho ngập lụt, hạn hán và trực tiếp ảnh hưởng rất lớn đến nguồn tài nguyên nước, ảnh hưởng đến dòng chảy, lưu lượng đỉnh lũ… Theo dự báo, nếu không chủ động ứng phó, đến cuối thế kỷ này, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng tới một mét thì các dòng sông của ĐBSCL sẽ bị nhiễm mặn và làm cho gần 40% diện tích ĐBSCL bị ngập (Bến Tre sẽ ngập khoảng 50% diện tích, Long An ngập 49%, Cần Thơ ngập 25%).
Thảm thực vật ngập mặn như rừng đước, mắm… là vành đai chắn sóng biển rất hiệu quả nhưng chưa được quan tâm đúng mức
Theo đó, đất đai bị bạc màu, nhiễm mặn khiến sản xuất nông nghiệp thêm khó khăn. Nhiệt độ không khí tăng, hạn hán bất thường, lũ lụt thường xuyên xảy ra kéo theo nhiều dịch bệnh. Các thế mạnh của ĐBSCL như lúa gạo, thủy sản, trái cây cũng đứng trước nguy cơ giảm sút nghiêm trọng. Sản xuất công nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng, tốn kém hơn do nguồn nước ngọt cung cấp cho các khu công nghiệp ở ĐBSCL sẽ khan hiếm, lại còn phải đầu tư cho những công trình tôn nền chống ngập. Bên cạnh đó biến đổi khí hậu còn có những tác động lên cơ sở hạ tầng đô thị, dân cư…
Biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, nhiều loài có giá trị kinh tế hoặc ý nghĩa khoa học sẽ bị chết hoặc phải di cư. TS Vũ Ngọc Long – Phó giám đốc Viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM cho biết rằng Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) được công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 2.000 của thế giới nay đang là phần sinh cảnh tự nhiên hiếm hoi còn lại của vùng Đồng Tháp Mười. Đây là một trong những vùng di trú quan trọng của loài sếu đầu đỏ và một số loài chim đang hoặc gần bị đe dọa tuyệt chủng cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Trước đây, sếu đầu đỏ từng về rừng Tràm Chim với số lượng lớn, có khi lên đến cả ngàn con, nhưng gần đây bị suy giảm đáng kể. Nguyên nhân do mùa nước thay đổi, mùa lũ kéo dài làm cỏ năng – thức ăn chính của sếu – bị chết nhiều.
Vành đai đê biển – biện pháp tình thế
Trước diễn biến ngày càng phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các tỉnh ĐBSCL đã có những động thái để ứng phó, phần lớn là triển khai các dự án đê chắn sóng ở những vùng ven biển. Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, để nâng cấp hệ thống đê biển và đê cửa sông tại ĐBSCL nhằm ứng phó với tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu, cần số tiền đầu tư lên đến 2.310 tỉ đồng, trong đó kinh phí đầu tư nâng cấp đê biển chiếm hơn 1.420 tỉ đồng, nâng cấp đê cửa sông cần gần 890 tỉ đồng. Cũng theo quy hoạch, có gần 620km đê biển và hơn 740km đê cửa sông tại vùng ĐBSCL sẽ được nâng cấp hoặc xây dựng mới theo chiều rộng đê 6m để kết hợp giao thông.
Kiên Giang là tỉnh có bờ biển dài nhất khu vực ĐBSCL (khoảng 205km), dọc theo bờ biển có trên 5.000ha rừng ngập mặn, hình thành một dãy hành lang xanh. Để kiên cố hóa hệ thống đê, tỉnh đã lên kế hoạch và đang thực hiện dự án đê chắn sóng, nạo vét luồng cửa sông Dương Đông (huyện đảo Phú Quốc) với tổng vốn đầu tư hơn 111 tỉ đồng.
Còn tại Cà Mau, đê biển cũng được xây dựng từ khu vực vàm Chung Kiết (huyện Đầm Dơi) đến sông Bảy Háp (huyện Năm Căn) với tổng chiều dài gần 80km. Tuy có rừng phòng hộ nhưng trong thời gian qua, nhiều khu vực bị sạt lở lấn sâu vào đất liền. Khi được xây dựng vào năm 2000, toàn tuyến đê Biển Tây của Cà Mau dài gần 93km, mặt đê rộng 6m, nằm khuất sâu trong dãy rừng phòng hộ, nhưng đến nay nhiều nơi đã không còn rừng, thân đê bị sóng biển tàn phá, đang bị hư hại nặng.
Trong khi đó, độ cao, sức chịu đựng của hệ thống tuyến đê biển tại ĐBSCL hiện chưa đáp ứng yêu cầu ngăn nước biển dâng và sức tàn phá của sóng biển với cường độ mạnh. Tại Cà Mau, có gần 20 điểm đê biển sạt lở, nhiều đoạn đê biển đã bị xói lở nghiêm trọng như đoạn thuộc huyện U Minh, Trần Văn Thời. Đê biển tỉnh Sóc Trăng dài hơn 70km nhưng nước biển đã cuốn trôi nhiều đoạn thuộc các huyện Vĩnh Châu, Cù Lao Dung. Tuyến đê phòng hộ ven biển Kiên Giang dài gần 100km (từ huyện An Minh đến huyện Kiên Lương) có trên 60 điểm bị sạt lở, có nơi đê bị đứt đoạn rộng 6 – 10m.
TS Vũ Ngọc Long cho rằng làm đê biển bằng bê tông như ở Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và các địa phương ven biển là trái với quy luật bảo vệ bền vững, sẽ không hiệu quả khi nước biển dâng, việc sụt lún chắc chắn xảy ra. Đây là vùng sinh thái nhạy cảm, cần có sự giao lưu giữa biển với đất liền để tạo điều kiện cho các loài cộng sinh phát triển. TS Long băn khoăn: Phải chăng do đầu tư xây dựng cơ bản thu hút vốn dễ hơn, cải thiện cơ sở hạ tầng để nhìn vào có vẻ như kinh tế địa phương đang phát triển nên đã xảy ra tình trạng bê tông hóa đê biển? Lẽ ra, nên chọn giải pháp đơn giản, hiệu quả, thuận theo tự nhiên, giảm bớt công trình, lại xây dựng được vành đai vùng đệm khá hữu hiệu bằng cách trồng rừng ngập mặn ở vùng duyên hải và mở rộng dần vào đất liền.
Biện pháp ứng phó phải hướng đến bền vững
Thời gian qua, dù đã có nhiều chương trình hành động chống biến đổi khí hậu tại ĐBSCL nhưng không ít chương trình còn mờ nhạt, chưa hướng vào mục đích cụ thể. Việc phân tích kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng xem ra cũng chưa sâu sắc. Khá nhiều giải pháp đã được đề ra và triển khai, nhưng việc áp dụng còn bị động vì chưa có được một đội ngũ khoa học kỹ thuật chuyên sâu, quản lý điều hành cũng chưa đồng bộ, kết quả và hiệu quả không rõ. Dường như nhận thức của chính những cơ quan có trách nhiệm và nói chung của người dân về hậu quả của biến đổi khí hậu vẫn chưa đúng mức.
Một buổi hội thảo về biến đối khí hậu được tổ chức tại Cần Thơ vào năm 2011
Mỗi khu vực trên trái đất chịu một mức ảnh hưởng biến đổi khí hậu khác nhau, diễn biến khí hậu trên toàn cầu trong tương lai không theo các quy luật tự nhiên, mà sẽ có nhiều biến động. Vì thế, ngoài việc điều chỉnh, bổ sung, nâng cao các phương pháp truyền thống trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, khâu hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và các quốc gia có trình độ công nghệ cao về đê biển phải được xúc tiến nhanh hơn, hiệu quả hơn. Có vậy chúng ta mới chủ động tránh được những thiệt hại to lớn đã được dự báo trong tương lai không xa ở ĐBSCL nói riêng, vùng ven biển cả nước nói chung.
- Thanh An – Thanh Hà