Các ứng dụng tin nhắn (messaging apps) sẽ sớm làm thay đổi cách thức tiếp thị. Nhưng có thể cách thức thay đổi đó không giống như bạn hình dung. Trong một thế giới phủ đầy công nghệ, các ứng dụng tin nhắn có thể lại đưa tiếp thị trở về với những điều cơ bản nhất trong thương mại và quản lý quan hệ khách hàng.
Chỉ trong vài năm qua, các ứng dụng tin nhắn đã bùng nổ nhanh chóng về mức độ phổ biến. Facebook Messenger đang có 900 triệu người dùng hằng tháng và còn WhatsApp, Snapchat, Kik và nhiều ứng dụng nữa đã trở thành một phần của cuộc sống chúng ta. Các nhà tiếp thị cần chú ý, bởi những ứng dụng này đang phát triển thành các nền tảng và sẽ làm biến đổi cách thức mà các thương hiệu quản trị thương mại điện tử, quản trị thông tin, quảng cáo và dịch vụ khách hàng?.
Hiện có 650 triệu người Trung Quốc sử dụng WeChat mỗi tháng để làm mọi thứ, từ chia sẻ hình ảnh, gọi taxi hay chuyển tiền. Và có đến 8 triệu doanh nghiệp giao dịch thương mại điện tử qua WeChat. Các công ty Mỹ đang bắt đầu nhìn theo doanh nghiệp Trung Quốc và nhận ra mức độ thịnh hành của “các cỗ máy truyền tin” này. Hình thức tương tác tin trực tiếp này có thể đưa chúng ta trở lại thời kỳ mà thương mại và quan hệ khách hàng được cắm rễ bằng cách đối thoại trực tiếp.
Tiếp thị sẽ thật sự mang tính tương tác cá nhân
Trong những thập niên qua, các hình thức bán lẻ hiện đại đã phát triển rất nhanh với những trung tâm mua sắm, chuỗi cửa hàng tiện lợi v.v… Dù mang lại nhiều tiện ích nhưng các hình thức bán buôn này vẫn không thể so sánh với những “nhà buôn truyền thống”, buôn bán nhỏ lẻ tại địa phương về mặt “tương tác cá nhân”. Điều này cũng giống như chúng ta vẫn thích đi chợ gần nhà và nói chuyện với chị bán rau quen thuộc hay đến một cửa hàng mà chúng ta đã thân quen.
- Xem thêm: Tiếp thị hiệu quả bằng tin nhắn
Khi thời đại thương mại điện tử xuất hiện, “những Amazon” liên tục nỗ lực để cải thiện mô hình kinh doanh. Qua những nhận xét về sản phẩm hay những tương tác trực tuyến khác, những người khổng lồ về thương mại điện tử này đã cố gắng mang lại sự tiện lợi và trải nghiệm cá nhân cho người mua sắm trực tuyến. Thế nhưng, các nỗ lực cải thiện dựa trên “từ khóa” và lịch sử mua sắm này không thể so sánh với việc “trò chuyện trực tiếp với một người bán hàng” thân thiện.
Và trong một tương lai rất gần, các ứng dụng truyền tin qua thiết bị di động và mạng xã hội sẽ hội tụ và kết hợp mua sắm “offline” với “online”. Như thế, các thương hiệu có thể gắn kết với khách hàng bằng những cuộc trò chuyện trực tiếp qua điện thoại thông minh, một cách rất cá nhân, đúng nhu cầu, như những “trợ lý bán hàng thông minh”.
Tiếp thị “từ con người đến với con người”
Các mẫu quảng cáo qua sóng truyền hình, phát thanh và internet đã đóng vai trò chủ chốt trong hàng thập niên qua. Trong thời đại của các ứng dụng truyền tin, các ý tưởng sáng tạo sẽ ưu tiên cho nghệ thuật trò chuyện. Lời quảng cáo, thiết kế đồ họa và video có thể giúp củng cố thông điệp nhưng tương lai của marketing nằm trong khả năng trò chuyện theo ngữ cảnh của thương hiệu, qua đó họ có thể bán sản phẩm và xây dựng quan hệ lâu dài với khách hàng.
Thương hiệu phải học cách phản ứng, hành động như một con người thật và sống động. Ngoài ra, các thương hiệu còn được mong đợi sẽ tạo điều kiện cho sự tương tác giữa khách hàng và bất cứ ai có cái nhìn thấu hiểu để mang lại lợi ích cho khách hàng, đó có thể là sự kết nối từ các chuyên gia trong ngành đến người mua hàng.
Đối với các công ty lữ hành, đó có thể là sự kết nối giữa du khách và những chỉ dẫn địa phương. Với các cửa hàng thời thượng, đó có thể là những tín đồ thời trang nhận được hướng dẫn về “style” từ các nhà thiết kế và cửa hàng với sự tham gia của những người bạn cùng yêu thời trang như họ.
Các nhà tiếp thị sẽ mời khách hàng cùng tham gia
Mọi người dùng các ứng dụng truyền tin để giao tiếp, chia sẻ, chơi và học hỏi. Nếu các thương hiệu tấn công khách hàng bằng những thông điệp tiếp thị kiểu các mẫu quảng cáo thì khách hàng sẽ tháo lui hoặc thậm chí “block” (khóa) họ.
Hãy quên các ý tưởng truyền thống dành cho “product placement”: các ứng dụng giúp người làm tiếp thị mang đến những cảm nhận thật và sự gắn bó qua tương tác, trò chuyện. Khi mà thế giới thật và thế giới trực tuyến diễn ra đồng thời và tích hợp một cách liên tục thì sẽ không thiếu nội dung để chia sẻ, không thiếu trò chơi để vui và luôn có những cuộc phiêu lưu để tiến hành và liên tục tạo nên những cuộc phiêu lưu mới.
Trong một bối cảnh truyền thông ngày càng bị phân cắt, người tiêu dùng có quá nhiều sự chọn lựa sẽ dễ dàng quay mặt với các kỹ thuật tiếp thị và quảng cáo đại chúng. Những thương hiệu thông minh sẽ xem tiếp thị là kênh truyền thông mang tính đối thoại, hợp tác và “sống động như chính cuộc sống”. Trong khi đó, các ứng dụng truyền tin này luôn sát cánh mọi nơi cùng khách hàng qua smartphone nên ranh giới giữa thế giới thật và ảo sẽ bị xóa nhòa.