Thật khó dự đoán được phản ứng của thị trường chứng khoán, đặc biệt với những thị trường mà sự lên xuống của chỉ số đôi khi phụ thuộc vào một ít cổ phiếu vốn hóa lớn như của nước ta. Sẽ có những cú tăng hoặc giảm điểm mà không hề đồng điệu với những diễn biến tích cực hay tiêu cực của nền kinh tế. Sau “cú sốc cần thiết” cùng với thị trường thế giới khi nước Anh quyết định rời EU, VN-Index từ vùng giá 620 điểm bất ngờ đi lên một mạch và chính thức chinh phục mốc 640 điểm trong ngày đầu tháng 7, trong sự ngỡ ngàng của cả giới chuyên môn lẫn các nhà đầu tư.
Có thể lý giải theo trường phái kỹ thuật rằng đây là “hiệu ứng ngược” của sự kiện Brexit, khi một thông tin rất xấu nhưng không thể khiến thị trường giảm sâu nhiều ngày, phá các ngưỡng cản mạnh, thì dòng tiền lại có khuynh hướng chảy vào mạnh hơn trước, do nhiều nhà đầu tư cho rằng tin xấu như vậy mà không thể khiến thị trường sụp đổ chứng tỏ xu thế tăng của thị trường sẽ còn kéo dài. Ngoài ra, với đặc thù của thị trường nước ta, việc VN-Index tăng 5-7 điểm mỗi phiên (tương đương khoảng 1%) nghe có vẻ nhiều nhưng chỉ cần một số mã cổ phiếu lớn như VNM, GAS, VCB hay MSN tăng là đủ. Với diễn tiến như vậy, nếu VN-Index tiếp tục vượt mốc 640 để hướng đến những ngưỡng mới, cũng không khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Trong quá khứ cũng từng có những giai đoạn tương tự, khi một số nhà đầu tư lớn tập trung tiền vào nhóm cổ phiếu bluechip nhằm “kéo” chỉ số. Sẽ có một số cổ phiếu tăng trưởng nóng, nhưng nếu không kèm theo đó là câu chuyện hiệu quả kinh doanh, thì cuối cùng cũng chỉ đem đến rủi ro cho những nhà đầu tư mua vào ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng giá.
Thực ra, cũng có những thông tin hỗ trợ cho thị trường, đến từ tình hình kinh tế trong nước, như chỉ số nhà quản trị ngành sản xuất (PMI) đạt mức cao, tăng trưởng tín dụng tăng mạnh, hay các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có xu hướng tiếp tục mua vào và nắm giữ cổ phiếu. Tháng 7 là mùa công bố lợi nhuận quý II của các đơn vị niêm yết và các doanh nghiệp đầu ngành dự báo có được mức tăng trưởng tốt. Ngoài ra, còn có những hỗ trợ từ bên ngoài với việc dòng vốn quốc tế vẫn hướng về các thị trường mới nổi (trong đó có nước ta) do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định chưa tăng lãi suất USD, sự hồi phục giá dầu và hàng loạt nguyên liệu cơ bản trên toàn thế giới…
Dù sao thì khả năng VN-Index vẫn tiếp tục tăng mạnh trong những ngày tới là không cao, vì đà tăng đã quá mạnh trong quãng thời gian ngắn. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ dòng tiền đổ vào thị trường thời gian qua là tiền vay (margin) từ các công ty chứng khoán, đặc biệt là trong những phiên thanh khoản tăng đột biến (hơn 6.000 tỉ đồng trong phiên 24-6). Dù đây không phải là điều đáng lo ngại với các công ty chứng khoán, do nguồn tiền cho vay của các đơn vị này vẫn rất dồi dào, nhưng việc một lượng lớn tiền vay được đổ vào thị trường – vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và cả những cổ phiếu tăng trưởng nóng – là một con dao hai lưỡi. Trong giai đoạn nhà đầu tư đang hưng phấn và cho rằng không có lý do gì mà những cổ phiếu này có thể giảm giá, cứ mỗi khi thị trường yếu đi hoặc tâm lý nhà đầu tư dao động thì sẽ có những “tay chơi lớn” mua vào bluechip để giữ nhịp thị trường. Nhưng không có gì là mãi mãi, vị thế giá của nhiều cổ phiếu đã tăng trưởng ở mức cao (từ 30 – 50% so với mức đáy), nên sẽ dễ dàng đảo chiều một khi các chuyên gia “đẩy giá” đã thoát hết hàng. Thận trọng với sự đảo chiều sẽ không bao giờ là thừa cả.
Ngọc Khang (DNSGCT)