Thành nhà Hồ, một công trình được các nhà nghiên cứu lịch sử quốc tế cho là một đột khởi “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử xây dựng đô thành Việt Nam bởi nó không chỉ là nơi tập trung quyền lực của chính thể mà còn là một pháo đài quân sự bất khả xâm phạm.
Ở Đông Nam Á và Đông Á, trước và sau Thành nhà Hồ chưa có một tòa Hoàng thành nào bằng đá tương tự. Bất cứ người nào được tận mắt nhìn thấy, hẳn phải ngạc nhiên trước một tòa thành cao sừng sững 10 mét, được xếp bằng các khối đá có kích thước trung bình 2,2m x 1,5m x 1,2m, cá biệt có khối lên tới 4,2m x 1,7m x 1,5m… được xẻ và đẽo gọt nhẵn phẳng dường như là không thể với cách làm thủ công từ những năm cuối của thế kỷ XIV.
Tất cả những điều đó làm nên những giá trị khác biệt và nổi bật mang tính toàn cầu của Thành nhà Hồ và đấy cũng là lý do để cách đây một năm (ngày 27-6), tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Với việc công nhận này Thanh Hóa đang đứng trước một cơ hội và thách thức lớn. Cùng với các di sản văn hóa và các khu du lịch như: Hồ Tây – Sông Ngọc, Núi và đền Đồng cổ, khu di tích Lam Kinh, khu du lịch Hàm Rồng, bãi biển Sầm Sơn… Thành nhà Hồ sẽ trở thành một trong các lý do quan trọng để du khách trong và ngoài nước đến với Thanh Hóa.
Sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, du khách đến tham quan quần thể di tích Thành nhà Hồ ngày một tăng. Trong sáu tháng đầu năm, nơi đây đã đón hơn 11.000 lượt khách (so với 16.000 lượt khách năm 2011). Để có được kết quả trên, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư khoảng 30 tỉ đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, điều đó không thấm tháp gì so với những việc mà tỉnh cần phải làm để biến Thành nhà Hồ thực sự là một trong những nơi mà du khách, đặc biệt là du khách quốc tế không thể không tới khi đã đến ViệtNam.
Một danh mục các dự án kêu gọi, hỗ trợ giúp đỡ tôn tạo và phát huy di sản Thành nhà Hồ cũng như các danh lam thắng cảnh khác trên địa bàn đã được Sở VHTTDL xây dựng trình UBND tỉnh với số vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng.
Tuy nhiên, để phát huy di sản một cách hiệu quả nhất, ngoài vấn đề tài chính, những nhà hoạch định chính sách phải có cái nhìn “văn hóa di sản”. Trao bằng và phát biểu tại buổi lễ, Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức UNESCO Eric Falt cho rằng: “Di sản sẽ được gìn giữ khi người dân – những chủ thể của di sản có tình yêu, niềm tự hào về giá trị của nó trong đời sống… Chúng tôi hy vọng, cộng đồng địa phương – những người sinh sống trên mảnh đất đầy tính nhân văn này sẽ là đối tượng chính được hưởng lợi từ di sản thông qua việc phát triển du lịch, khôi phục các làng nghề truyền thống, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Có như vậy, di sản mới được bảo tồn, khai thác một cách bền vững”.
Chúng ta cùng hy vọng, cùng với cố đô Huế, Hoàng thành Thăng Long, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và các di sản thiên nhiên khác đã được công nhận là di sản Văn hóa Thế giới, Thành nhà Hồ sẽ phát huy tốt giá trị của mình, góp phần quan trọng làm cho thế giới biết đến Việt Nam như một quốc gia tươi đẹp và giàu có về lịch sử, văn hóa.