Giàu chất chống oxy hóa, chất chống viêm, chống nhiễm trùng, gia vị còn có thể giúp ngăn ngừa ung thư. Tác dụng phòng và trị bệnh của gia vị là vô số. Sau đây là bảy loại gia vị nổi bật góp phần cho cuộc sống của bạn khỏe mạnh và dễ chịu hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà người Ấn sử dụng nhiều gia vị trong nấu ăn, mà nhằm mục đích chữa trị bệnh. Ngoài chất lượng hương vị thơm ngon và tính năng bảo quản, gia vị còn có rất nhiều tính năng dược liệu rất thú vị.
Amandine Geers, tác giả quyển sách Nêm gia vị các món ăn của tôi (J’épice ma cuisine), nhà xuất bản Terre Vivante, khuyên nên nêm gia vị trong tất cả các bữa ăn. Theo cô, “đây là chuyện bình thường giúp cho bạn khỏe mạnh. Tiêu thụ gia vị hằng ngày mang đến cho bạn nhiều lợi ích không thể phủ nhận”.
Amandine Geers cũng khuyên nên mua gia vị “tươi, nguyên vẹn, sinh học”, còn nguyên hạt và mang về tự xay. Giống như rau sống, các đặc tính của gia vị tươi được bảo đảm nguyên vẹn, trong khi “công dụng của gia vị đã xay sẵn bị hạn chế ở mức nhất định”. Tác dụng trị liệu của gia vị đã qua chế biến công nghiệp bị giới hạn đáng kể.
1. Củ nghệ
Amandine Geers giải thích: “Nghệ có các tính năng rất mạnh mẽ trong phòng chống viêm và oxy hóa. Nó bảo vệ và giúp các tế bào chống lại quá trình oxy hóa, và nhờ đó, giúp điều trị nhiều bệnh như Alzheimer hay ung thư. Trong quyển sách Anticancer, Tiến sĩ David Servan-Schreiber xếp nghệ vào loại thức ăn chống ung thư đạt hiệu quả cao.
Trong quyển sách 22 gia vị bảo vệ sức khỏe (22 épices pour préserver la santé), nhà xuất bản Terre Vivante, bác sĩ Guy Avril bổ sung thêm: “Nghệ có các tính năng kích hoạt, khử độc máu, làm lành các vết sẹo, kháng khuẩn, giảm đau, kích thích tình dục. Nghệ cũng rất nổi tiếng với tính năng kích thích tiêu hóa”. Nghệ cũng rất hiệu quả trong điều trị dị ứng và thấp khớp. Ngoài ra, nó còn giúp máu tuần hoàn máu thông suốt, hỗ trợ chống bệnh tiểu đường, giảm lo âu, giúp cơ thể duy trì và cải thiện sự mềm dẻo, và có tác dụng giảm cân, giảm béo. Vì vậy, tuy có vị hơi cay đắng, nghệ vẫn được nhiều người tiêu thụ.
Nghệ là một gia vị rất tốt cho sức khỏe. Nếu pha trộn thêm với tiêu, các tính năng trị liệu của nó sẽ được tăng cường đáng kể. Đối với tất cả các gia vị thuộc họ gừng trong đó bao gồm cả nghệ và gừng, “công dụng của các hoạt chất chính được tăng lên đáng kể bằng cách tăng thêm một lượng nhỏ tiêu”, Amandine Geers giải thích.
Nghệ được sử dụng trong hầu hết các món ăn Ấn Độ, món ragu, rau, xúp, thịt.
2. Quế
Quế cũng giàu chất chống chống oxy hóa. Bạn đừng ngần ngại hay chần chừ rắc quế vào thức ăn điểm tâm hay món tráng miệng của bạn.
Quế ư? Hương vị của nó quyến rũ hơn nhiều so với nghệ. Ngoài ưu điểm về hương vị, quế còn có nhiều đặc tính ưu việt. Amandine Geers cho biết: “Quế chống co thắt, kích thích chức năng tiêu hóa và tuần hoàn. Nó còn giúp điều hòa lượng đường trong máu. Giàu chất chống oxy hóa, quế giúp loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Nó còn làm giảm tiêu chảy, thấp khớp và viêm họng. Cuối cùng, theo một nghiên cứu thực hiện tại Hoa Kỳ vừa được công bố trong tập san Journal of Neuroimmune Pharmacology, quế còn giúp cải thiện trí nhớ.
Quế được dùng trong các món tráng miệng, sữa chua, bánh ngọt, bánh mì và các món mặn.
3. Gừng
Gừng có tính năng kích thích và kích dục. Gừng có hương vị đậm, nồng và mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Là chất kích thích, gừng được dùng khá hiệu quả trong trường hợp mệt nhẹ thoáng qua. Hỗ trợ tiêu hóa và chống co thắt, gừng còn giúp chống lại các triệu chứng như buồn nôn, táo bón và các bệnh về dạ dày. Gừng cũng rất hiệu quả trong điều trị ho.
Trong tác phẩm của mình, Guy Avril giải thích: “Kháng viêm, quế làm nhẹ cơn đau khớp và cứng cơ. Gia vị này còn giúp cải thiện tuần hoàng máu và làm giảm lượng cholesterol trong máu”. Cuối cùng không nên bỏ qua tính năng kích dục của gia vị này. Gừng được sử dụng ướp thịt, cá, gạo và các món rau trộn giấm, gừng.
4. Hạt đậu khấu
Cùng họ với nghệ và gừng, hạt đậu khấu được bao bọc bởi lớp vỏ màu xanh và hương vị thoảng thoảng mùi chanh, chia sẻ các đặc tính của nghệ và gừng. Với tính năng kích thích và kích dục mạnh, hạt đậu khấu có nhiều tác dụng trị liệu. Trong quyển 22 gia vị bảo vệ sức khỏe của Guy Avril có ghi rõ: “Hạt đậu khấu được chỉ định để trị chứng khó tiêu, rối loạn dạ dày-ruột, mất vị giác, viêm phế quản, rối loạn tiết niệu, rất hiệu quả trong điều trị nấc cụt nơi trẻ em, trĩ, liệt dương, căng thẳng, mệt mỏi…”.
Hạt đậu khấu được sử dụng trong các món tráng miệng, các món mứt, bánh chocolate.
5. Thìa là
Trong quyển sách của mình, Guy Avril viết: “Bất kỳ vấn đề về tiêu hóa nào như đau dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy… cũng có thể chữa trị bằng thìa là”. Còn Amandine thì khuyên: “Thật là thú vị khi thêm thìa là vào thức ăn khó tiêu hóa như bắp cải… Ngoài ra, thìa là cũng rất hữu ích trong tuần hoàn máu”. Bên cạnh đó, gia vị này còn rất hiệu quả trong ngăn ngừa loãng xương và cũng rất tốt cho trí nhớ.
Thìa là được dùng để rắc lên rau sống, rau khô.
6. Hạt nhục đậu khấu
Amandine Geers cho biết: “Hạt nhục đậu khấu được các bà cụ cao tuổi sử dụng làm thuốc ngăn ngừa say tàu xe”. Amandine đề nghị ngửi hạt nhục đậu khấu trước và trong chuyến đi xa. Với tính năng làm dịu, hạt nhục đậu khấu có thể giúp vượt qua tình huống căng thẳng. Hạt nhục đậu khấu cũng kích thích tiêu hóa, làm dịu tiêu chảy và kích thích tình dục.
Hạt nhục đậu khấu được sử dụng trong các loại nước xốt, các món cá và khoai tây nghiền.
7. Nghệ tây
Theo nhiều nghiên cứu, tiêu thụ nghệ tây giúp làm giảm đáng kể các triệu chứng trầm cảm. Guy Avril cho biết: “Nó giúp bạn lấy lại trạng thái bình thường và trở nên vui vẻ. Nó còn làm sạch máu và tẩy độc gan”. Amandine Geers cho biết: “Cuối cùng, cần lưu ý khía cạnh kích thích tình dục của cây gia vị này”.
Nghệ tây được dùng trong các món cơm rang và các món tráng miệng có chocolate.
– Tổng hợp