Khi hàng xuất khẩu của mỗi quốc gia bị ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới, thì kích thích cầu tiêu dùng nội địa là giải pháp được các chính phủ hướng đến. Dù cũng có giai đoạn, chính sách thắt lưng buộc bụng được ưu tiên để giảm tỷ lệ nợ công, nhưng rồi sự đình trệ kinh tế kéo dài, thất nghiệp gia tăng đã buộc các nhà điều hành phải thay đổi cách tiếp cận chính sách. ViệtNamcũng không phải là ngoại lệ. Cũng là giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng với những khó khăn đặc thù của nền kinh tế dẫn đến việc lựa chọn chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất được đẩy lên cao nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng hệ quả là hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản hoặc phải thu hẹp sản xuất, số người mất việc làm gia tăng. Rồi dự cảm khó khăn khiến người dân thắt chặt chi tiêu, tổng cầu suy giảm, hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất ra không tiêu thụ được, một vòng luẩn quẩn khiến kinh tế tăng trưởng không như kỳ vọng.
Để giải quyết tình trạng này, từ nhiều tháng nay, Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã đưa ra rất nhiều giải pháp, từ chính sách tiền tệ như hạ dần lãi suất huy động và cho vay, đến nỗ lực đưa ra các gói hỗ trợ cho nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng kích cầu bất động sản đối với nhà ở xã hội, thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia,… Việc can thiệp vào thị trường một cách tích cực như vậy dĩ nhiên là cần thiết, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cũng lưu ý rằng điều quan trọng là can thiệp như thế nào và việc thực hiện phải ra sao. Làm phục hồi một nền kinh tế với nhiều tồn tại trong bối cảnh thế giới như hiện nay là điều không đơn giản, không thể gói gọn trong một số chính sách hỗ trợ mà cần rất nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ, trên cơ sở một chiến lược nhất quán.
Sự đình trệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và tình trạng bất ổn của nền kinh tế thời gian qua có nguyên nhân từ giai đoạn tăng trưởng tín dụng quá nóng, đặc biệt là việc các tổ chức tín dụng cho khu vực doanh nghiệp quốc doanh vay một cách khá hào phóng để đầu tư ngoài ngành, dẫn đến nợ xấu. Sau một thời gian dài bị siết tín dụng, nay được nới lỏng, nếu không được giám sát, quản lý chặt chẽ, dẫn đến việc lãng phí và kém hiệu quả trong đầu tư công thì nền kinh tế rất dễ rơi trở lại vào khủng hoảng. Bài học về gói kích cầu “bù lãi suất” mấy năm trước vẫn còn nguyên vẹn. Khi ấy, “gói kích cầu” này hầu như chỉ giúp một số doanh nghiệp quốc doanh “sống mòn” và hệ quả là tạo gánh nặng sau đó cho nền kinh tế.
Dù “chậm còn hơn không”, nhưng dường như sự chậm trễ của các nhà điều hành trong việc đưa ra các giải pháp kích thích tiêu dùng, ưu tiên tăng trưởng, đã khiến cho việc vực dậy nền kinh tế trở nên khó khăn hơn. Chính vì vậy, mới đây Ngân hàng HSBC đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 của nước ta từ mức 5,5% xuống còn 5,1%, do tiêu dùng, đầu tư kém và tăng trưởng tín dụng yếu.
Vậy nên, bên cạnh việc xử lý có hiệu quả nợ xấu, thì đẩy mạnh tiêu dùng là một giải pháp quan trọng giúp kinh tế phục hồi nhanh chóng. Khi người tiêu dùng mở hầu bao, doanh nghiệp bán được hàng, phục hồi và mở rộng quy mô sản xuất, vay vốn ngân hàng, thuê mướn thêm lao động, dòng tiền lưu thông nhanh chóng…, tất cả sẽ giúp cho nền kinh tế tăng trưởng.
Minh Hằng