Cuộc tọa đàm ngày 15-10 tại TP. Hồ Chí Minh về vấn đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế về kinh tế” do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tổ chức . Cuộc tọa đàm có sự tham gia góp ý của nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế trong nước đã làm nổi bật một số vấn đề đáng lưu ý.
Thứ nhất, một số chuyên gia cho rằng tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, vì nhiều lý do, đã không mang lại những kết quả như mong muốn ban đầu. Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định rằng sau sáu năm gia nhập WTO, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm so với thời kỳ trước, bất ổn vĩ mô tăng (lạm phát, suy thoái nối đuôi nhau), nhiều doanh nghiệp trong nước đóng cửa, nền kinh tế rơi vào điểm nghẽn và xu hướng tụt hậu xa hơn lộ rõ. Thứ hai, nhiều diễn giả cũng đặt lại vấn đề là phải chăng hội nhập kinh tế đang làm giảm tự chủ kinh tế quốc gia, khi mà các nguồn ngoại lực đang ngày càng lấn chiếm vị trí chủ lực trong nền kinh tế?
Về vấn đề thứ nhất, quyết sách Đổi mới và Mở cửa, được thực thi từ đầu thập niên 1990, đã đưa nền kinh tế nước ta gia nhập vào dòng chảy thương mại thế giới và mang lại những thành tựu kinh tế vượt trội so với thời kỳ bao cấp là điều không cần bàn cãi. Từ khi bắt đầu mở cửa cho đến khi gia nhập WTO vào năm 2007, nền kinh tế nước ta đã tiến một bước dài, từ vị trí một trong mười nước thu nhập thấp nhất thế giới lên hàng ngũ những nước có thu nhập trung bình với những kết quả rất đáng khích lệ. GDP và thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần, xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng mạnh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt tổng giá trị GDP, cho thấy ảnh hưởng rất tích cực của hội nhập quốc tế đối với nền kinh tế quốc dân. Nhưng điều không may là chỉ hơn một năm sau khi gia nhập WTO, nền kinh tế thế giới lại lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và đã có những tác động tiêu cực khó tránh vào nền kinh tế nước ta, khiến cho việc đánh giá ảnh hưởng hậu WTO không khỏi bị nhiễu động. Những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế nước ta sau WTO là có thật như ghi nhận của ông Trần Đình Thiên, nhưng phần lớn xuất phát từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu hơn là từ những luật chơi khắt khe của WTO. Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam nhận xét: “Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài tác động không nhỏ vào nền kinh tế non yếu của ta, càng làm sâu sắc thêm các khó khăn và nguy cơ… và nguyên nhân chính là ở chủ quan của chúng ta”.
Vấn đề thứ hai về tự chủ kinh tế thật ra là chủ đề chính. Tuy nhiên, nếu mọi người dễ dàng đồng thuận về sự cần thiết phải duy trì quyền tự chủ quốc gia về kinh tế trong hội nhập toàn cầu thì một định nghĩa rõ ràng thế nào là tự chủ kinh tế, mục tiêu hướng đến của tự chủ kinh tế là gì mới chính là những đề mục then chốt và mang lại những cuộc tranh luận thú vị, hào hứng.
Thật ra trong bối cảnh một thế giới ngày càng trở nên gần gũi hơn, phẳng hơn, theo cách nói của Thomas Friedman, khi mà các đường ranh giữa các nền kinh tế đang dần được xóa bỏ, khái niệm độc lập kinh tế hiểu theo nghĩa đứng tách biệt ra ngoài sinh hoạt kinh tế toàn cầu để tự mình quyết định lấy vận mệnh kinh tế đất nước bằng cách chỉ sử dụng các nguồn lực của riêng mình chắc chắn không còn hợp thời, nếu không nói là nguy hiểm. Độc lập kinh tế phải được hiểu là liên lập, không phải là cô lập. Tuy nhiên, cũng không thể cho rằng trong tiến trình toàn cầu hóa, vai trò của Nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia bị suy giảm, và tự chủ kinh tế chỉ còn là một ngôn từ đẹp đẽở đầu môi chót lưỡi của các chính khách mà không tồn tại trong dòng chảy sinh động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, đầu tư, tín dụng, góp vốn… vượt biên giới quốc gia của nền kinh tế thế giới.
Tiến trình toàn cầu hóa chủ yếu dựa vào khái niệm phân công lao động quốc tế mới mà tính ưu việt được cho là sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trên toàn cầu do giảm chi phí và nâng cao năng suất lao động, nhờ sự phát triển hạ tầng cơ sở giao thông, viễn thông, internet trên toàn cầu, sự phổ biến rộng rãi tri thức trên toàn thế giới, sự chuyển dịch tự do các yếu tố sản xuất (nguồn vốn, lao động) đến nơi sử dụng có hiệu quả nhất. Nhiều nhà phân tích đã nhìn nhận rằng chính nhờ tiến trình toàn cầu hóa mà các trung tâm sản xuất công nghiệp và công nghệ hiện đại đã chuyển dịch từ Âu sang Á, từ các nước công nghiệp sang các nước đang phát triển, đồng thời làm giảm chênh lệch giàu nghèo Bắc – Nam. Trong bối cảnh đó, tự chủ kinh tế của một quốc gia gắn liền với trách nhiệm của Nhà nước đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước thông qua các hoạt động của doanh nghiệp trên đất nước mình, giành được lợi ích xứng đáng cho quốc gia trên đấu trường cạnh tranh phân công quốc tế.
Như vậy, khái niệm tự chủ kinh tế như một mục tiêu quốc gia cần được hiểu theo một nghĩa rộng hơn và khả thi hơn dựa trên các kết quả cụ thể mang lại cho đất nước, cho cộng đồng dân tộc. Chẳng hạn, mức độ tự chủ kinh tế sẽ được đánh giá dựa trên những kết quả định lượng: tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn, tỷ trọng đầu tư trong nước trên GDP tăng cao, việc sử dụng nguồn vốn đầu tư trong nước hiệu quả hơn được đo bằng chỉ số ICOR, số lượng doanh nghiệp trong nước được thành lập ngày càng nhiều, doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng tăng với lợi nhuận ngày càng cao hơn, tỷ suất tái đầu tư mở rộng gia tăng, số lượng công ăn việc làm cho người dân được tạo ra nhiều hơn với mức lương ngày càng cao hơn, mức thu nhập và mức thụ hưởng hạnh phúc vật chất tinh thần của người dân được nâng cao hơn… Các kết quả định lượng này cần được đặt trong tương quan so sánh với các nước khác và các nền kinh tế khác để đánh giá sự tiến bộ của nền kinh tế và sự thăng hạng quốc gia trên mọi lĩnh vực.
Trong việc giữ gìn tự chủ kinh tế quốc gia, vai trò Nhà nước có tính chất quyết định. Tiến trình toàn cầu hóa kinh tế là một tiến trình không thể đảo ngược và chỉ có Nhà nước, hành động vì lợi ích chung của cộng đồng dân tộc, mới có khả năng làm cho nền kinh tế đất nước thích nghi và lớn mạnh trong toàn cầu hóa, giúp cho các doanh nghiệp của mình có thể tồn tại và phát triển trong cạnh tranh toàn cầu. Cạnh tranh toàn cầu hóa, về thực chất, chính là cạnh tranh giữa các quốc gia. Và cạnh tranh quốc gia, về thực chất, chính là nỗ lực của chính phủ xây dựng cho đất nước mình một nền kinh tế có tiềm lực cạnh tranh mạnh hơn, cho các doanh nghiệp mình có một vị thế cạnh tranh tốt hơn. Toàn cầu hóa hiện nay đã làm bộc lộ một vấn đề có tính quyết định: Chỉ khi nào các quốc gia cạnh tranh tốt hơn, các doanh nghiệp của chúng mới có thể cạnh tranh tốt hơn.
Chúng ta phải nhận thức rõ hơn rằng con đường đi đến giàu có thịnh vượng, với chất lượng cuộc sống tốt hơn, với công ăn việc làm có thu nhập cao hơn dành cho mọi người dân trong độ tuổi lao động của một cộng đồng dân tộc, là một con đường đầy chông gai của nước ta trong toàn cầu hóa. Nước ta là một nước nghèo, đang mong muốn làm giàu, do đó doanh nghiệp, người dân phải tiết kiệm để có vốn đầu tư cho phát triển. Nhưng một mức tiết kiệm cao chỉ có thể đạt được khi Nhà nước có cơ chế khuyến khích và bảo vệ đồng tiền tiết kiệm của người dân bằng cách nêu gương tiết kiệm với việc giảm công chi, thực thi một chính sách thuế hợp lý hướng vào mục tiêu bồi dưỡng sức dân và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, áp dụng một chính sách tiền tệ hiệu quả vừa kích thích được tăng trưởng kinh tế vừa kiểm soát được lạm phát ở mức không làm suy yếu hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp nước ta sẽ không thể cạnh tranh với các đồng nghiệp nước ngoài của họ nếu phải vay vốn cho sản xuất kinh doanh với một lãi suất cao hơn. Nhưng để có được một mức lãi suất thấp, hệ thống ngân hàng thương mại phải huy động được các nguồn tiền có lãi suất thấp, một Ngân hàng Nhà nước có chính sách tín dụng tích cực tài trợ công nông nghiệp, không phân biệt đối xử giữa quốc doanh hay tư nhân. Chúng ta cũng cần một chính sách tốt về tỷ giá để hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu.
Mặt khác, doanh nghiệp và người dân cũng cần được công nhận và bảo vệ quyền sở hữu tài sản để họ có thể yên tâm cùng với đất nước đặt cược tất cả đồng vốn của họ vào việc xây dựng một tương lai thịnh vượng cho họ và cho đất nước. Họ cũng cần một môi trường pháp lý thuận lợi, một bộ máy hành chính nhiệt tình và chân thành giúp đỡ với càng ít tham nhũng càng tốt, một sân chơi cạnh tranh bình đẳng trong nước làm bệ phóng cho họ trong nỗ lực cạnh tranh với bên ngoài, một lực lượng lao động được giáo dục đào tạo theo tầm cỡ quốc tế, siêng năng, làm việc sáng tạo và hiệu quả để đạt năng suất cao. Tất cả những điều đó sẽ trở thành hiện thực với một Nhà nước hoạt động hiệu quả và trong sạch, áp dụng thành công các chính sách vĩ mô về kinh tế xã hội, văn hóa giáo dục.
Vai trò quan trọng giữ gìn tự chủ kinh tế của Nhà nước trong toàn cầu hóa, không chỉ dừng lại ở đó. Nhà nước là người có thể và có trách nhiệm khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, kết nối và huy động sức mạnh vĩ đại của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt, biến nó thành nguồn năng lượng, nguồn động lực mạnh mẽ vô song đưa đất nước tiến nhanh đến bến bờ thịnh vượng.
Huỳnh Bửu Sơn