Ba Được mồ côi cha từ sớm. Lúc tía mất, Ba Được chưa tròn tháng tuổi, còn Hai Đặng – anh của Ba Được – cũng mới chỉ tròm trèm lên bốn. Má Ba – người mẹ trẻ, góa chồng sớm, lại một nách hai đứa con mọn mà đứa lớn bị sốt bại liệt từ nhỏ để lại di chứng chưn phải ngắn hơn chưn trái khiến thằng nhỏ đi đứng khập khiễng rất khó khăn – mang hai đứa nhỏ về quê.
Ba mẹ con nương tựa người em gái – dì Tư – vẫn giữ gìn mảnh đất hương hỏa của cha ông, bấy giờ cũng chưa lập gia đình riêng. Tuy được em gái giúp đỡ nhiều, nhưng phần thì sức khỏe kém do vất vả trong những năm cùng chồng bươn chải xa quê, phần tủi phận góa bụa, chỉ vài năm sau thì má Ba lìa đời trong cơn bạo bệnh, để lại hai đứa con còn nhỏ. Thương cháu, từ đó dì Tư ở vậy nuôi hai đứa cháu, trở thành người mẹ; Hai Đặng và Ba Được gọi dì bằng má, Má Tư.
Nhà có ba miệng ăn mà vốn liếng chỉ có vài công đất, nghe nói hồi xưa là đất vườn trồng cau nay đã đổi sang trồng quýt đường. Má Tư lớn tuổi còn anh Hai Đặng thì tật nguyền, việc làm vườn từ chiết cành trồng cây tới thu hoạch mang bán đều một tay Ba Được. Gần đây, thương lái thu mua trái cây tận vườn có đủ chiêu trò để ép giá khiến cuộc sống đã khó càng khó thêm. Ba Được nhiều lần nghĩ về việc mưu sinh mà cứ lúng túng như gà mắc tóc, vô kế khả thi.
Quê ngoại Ba Được hồi xưa vốn là vùng đất trồng cau nổi tiếng; chẳng vậy mà nơi này có tên Lai Vung. Tới chừng lớn lên Ba Được mới biết, thưở trước đất nầy được người Khmer gọi là Sla tamvun, có nghĩa là cau chín khô trên cây; khi người mình tới khai phá, nhân tên gọi đó mà nói trại ra thành Lai Vung.
Có lần má Tư kể cho anh em Hai Đặng, Ba Được nghe về gốc tích đất này:
– Má vẫn nghe cụ Bảy là người cao niên nhứt ở đây nói rằng dân mình lưu lạc tới vùng đất Tân Lộc này là theo đường nước từ sông Hậu. Hồi đó, cau ở đây được trồng bạt ngàn, có một bến chợ Lai Vung là nơi tập trung xuồng ghe chở cau đi bán buôn tứ xứ; nhờ vậy mà cau Lai Vung nổi tiếng khắp bình nguyên Nam Kỳ.
Ba Được hỏi xen vào:
– Con có thấy cây cau ở hóc bà tó nào đâu mà má nói tới cau Lai Vung. Bây giờ ở đâu cũng chỉ toàn là quýt. Con cũng thắc mắc vì sao mà mỗi dịp tết năm mới, ngoài chợ Lai Vung người ta chơi lô tô lại cứ đọc thiệu về cây cau trái cau um trời um đất.
Má Tư thủng thẳng trả lời:
– Thì má chỉ nghe nói lại, chớ má cũng còn là phường hậu sanh. Cụ Bảy có nói khoảng hơn trăm năm trước, cây cau đã mất dần trên đất Tân Lộc này rồi. Ngay đất vườn nhà cụ Bảy cũng đã trồng quýt từ hồi nào. Lúc trước, cụ Bảy sở hữu vườn quýt đường lớn nhứt làng.
Ngừng một lúc lâu, má Tư nói tiếp:
– Tụi bây sanh sau đẻ muộn nên không biết. Chớ ngay cây quýt đường nầy cũng từng trải qua một thời nguy khốn, tưởng chừng tuyệt chủng trên đất Lai Vung rồi, chớ có yên đâu.
Hai Đặng háo hức hỏi:
– Chuyện ra sao vậy má? Sao mà cây quýt lại có thể tuyệt chủng?
Má Tư ngồi trầm ngâm một lát, rồi bắt đầu thuật lại tóm tắt câu chuyện xảy ra vài chục năm trước:
– Hồi đó đương mùa quýt trổ bông ra trái giữa lúc lúa gạo ở nhiều địa phương khác trong vùng châu thổ sông Cửu Long bị thất thu. Mấy ông phụ trách lương thực thực phẩm và nông nghiệp ở trên bàn tới bàn lui rồi ra quyết định là đất Lai Vung nầy nên chặt hết cây quýt để lấy đất trồng bo bo, có vậy thì bà con mới sớm có đủ lương thực để được cứu đói. Khi quyết định đó được đưa về tới xã, mấy ông làm việc nước kêu dân họp tới họp lui, truyền đạt quyết định của trên là “tất cả cho lương thực”. Mấy ổng nói đây là ý tốt, chỉ mong dân có đủ các loại hạt mà ăn cho ấm bụng. Má nghe nói là cụ Bảy phản ứng dữ lắm. Cụ nói đất này thích hợp trồng cây ăn trái, mà cây quýt đang mùa ra bông, chặt cây quýt làm sao được. Rồi rủi trồng bo bo không hợp thì có phải mất cả chì lẫn chài không. Ý của cụ Bảy được nhiều người ủng hộ nhưng mấy ông làm việc nhà nước không chịu nghe…
- Xem thêm: Bến chờ
Quá bức xúc, Ba Được vội vàng xen ngang:
– Vậy là làng mình chặt hết quýt để trồng bo bo hả má?
– Chặt sao được mà chặt. Nếu, ngày đó chặt cây quýt, thì ngày nay lấy quýt ở đâu ra để làm rạng danh xứ Lai Vung? Cũng may, trước mất cái danh cau; sau được cái danh quýt hồng quýt đường… Nghĩ lại, thì cũng đã thiệt!
Má Tư kể tiếp:
– Nhà mình hồi đó, chỉ có mấy công đất thì nhằm nhò gì so với thiên hạ. Vì là người có vườn quýt lớn nhứt vùng, cụ Bảy chơn tình phân tích thiệt hơn việc phá quýt trồng cây lương thực nên bà con ủng hộ giữ vườn quýt. Rồi, người trồng quýt dùng thẳng phản ứng từ mềm dẻo tới gay gắt; riết rồi ở trên cũng nhận ra quyết định của mình là chưa hợp thời – hợp lợi – hợp hòa, đành để cho người trồng quýt giữ lại vườn quýt.
Câu chuyện má Tư kể có phần làm cho Ba Được ngại ngùng, không dám nói rõ ý mình với má Tư; vì Ba Được từ lâu đã nghĩ rằng chỉ có cách bán hay cầm cố đất vườn rồi ra chợ mở tiệm buôn bán cho dễ có đồng ra đồng vô mà đỡ cực. Một hôm Ba Được nói huỵch toẹt với má Tư:
– Con thấy nhà mình tuy chỉ có ba miệng ăn, nhưng má thì già, còn anh hai thì chưn cẳng như vậy, mấy công vườn nhà mình cáng đáng coi bộ không nổi. Hay là má cầm cố hoặc là bán đất vườn đi, rồi ra chợ kiếm một cửa tiệm mua bán, có khi đỡ hơn nhiều!
Học lóm ở đâu đó, Ba Được còn đưa ra câu tục ngữ phi thương bất phú để củng cố lập luận của mình.
Nghe vậy, má Tư rầy Ba Được một trận nên thân. Sau đó má nói thêm:
– Tuy nhà mình chỉ vỏn vẹn có mấy công vườn quýt, nhưng đã bao đời ông bà, cha mẹ nhờ đó mà sống, nhờ đó mà sanh con đẻ cái nối dõi tông đường… Má không thể cầm cố hoặc bán đi… Cầm cố đất cho người, mai nầy lấy chi chuộc lại? Bán đất cho người, mai nầy con cháu tụi bây lấy đất đâu để ở và có nơi chốn đi về?
Má Tư nói cặn kẽ:
– Má con mình không thể là dân kẻ chợ, vì mình mẩy lẫn tâm hồn má con mình còn dính khắng những hạt phù sa châu thổ…
Rồi bà dứt khoát:
– Người có bỏ đất chớ đất không bỏ người!
Ba Được thấm thía và dần hiểu từng câu chuyện về cây cau, cây quýt quê nhà. Lại nhớ, hàng năm má Tư chỉ cúng giỗ bốn người, đó là ông ngoại bà ngoại của hai anh em, tức là tía má của má Tư, và tía má của Ba Được, tức là anh rể và chị ruột của má Tư. Những lần cúng giỗ đó, cụ Bảy và bà Út nhà ở cạnh rào lúc nào cũng có mặt. Má Tư hay nói, “Hàng xóm thâm niên là ruột rà của mình”. Cũng trong những dịp như vậy mà Ba Được thường ngồi hóng chuyện người lớn để biết tới gốc tích làng quê. Nhờ vậy mà Ba Được thương những con người dù là chưn quê, song nhơn cách sống trong vắt chẳng khác nước ruột cau, hay ngọt lịm chẳng khác múi quýt đường.
Ngẫm cảnh nhà, Ba Được suy nghĩ rất lung: “Ba người cùng bám vào mảnh vườn quýt chỉ bằng bụm tay nầy thì tương lai cả gia đình sẽ ra sao? Mà quả là bán đất vườn đi thì lấy đất đâu cho con cái sau này có chỗ cắm dùi. Còn cầm cố, lỡ ra làm ăn thất bát, có khác gì mất đất!”.
Bỗng dưng, Ba Được liên tưởng tới hình ảnh cây cau mọc trên đất quê, những hàng cây vươn mình đứng thẳng thớm giữa trời cao, bất chấp bão giông, mưa nắng. Thân gánh bẹ, dù bẹ để sẹo vĩnh viễn trên thân. Với Ba Được, đó là sự hy sinh thầm lặng! Người đời vẫn thường coi cây cau là biểu tượng của sự thanh cao. Với Ba Được, cây cau là đặc trưng của lòng cao thượng! Từ tuổi thơ, Ba Được rất thích nghe chuyện về cây cau xứ sở vào dịp có những ngày giỗ trong nhà là vậy!
Cụ Bảy rồi bà Út, những người hàng xóm thâm niên ngày cũ đã lần lượt ra đi. Má Tư sống cô quạnh. Còn Ba Được, giờ chẳng khác nào chim đủ lông đủ cánh, lòng luôn háo hức muốn vỗ cánh bay vào trời rộng bao la. Má Tư hiểu, mà Hai Đặng cũng hiểu, nỗi niềm mong muốn của Ba Được.
Đôi lần, Ba Được tính thưa chuyện với má Tư và anh Hai về việc xin phép đi mần ăn xa. Nhưng mỗi lần dợm nói thì Ba Được nghẹn lời, bởi ánh mắt má Tư toát lên nỗi buồn xa xăm quá!
– Thằng Ba! Có gì muốn nói thì con cứ nói!
Phản xạ theo quán tính, Ba Được định nói: “Má ơi! Con không có chuyện để nói…”, nhưng cũng may là kịp kềm lại.
– Nói thiệt với má đi, đừng giấu nữa em!
Anh Hai Đặng động viên.
Vườn quýt lao xao lá và tiếng chim kêu ríu rít gọi bầy.
– Má Tư hỏi em là hỏi vậy thôi, chớ má đã biết và cũng đã bàn với cậu Chín việc em đi theo cậu trồng bắp mướn ở đầu nguồn sông Hậu rồi.
Không ỡm ờ, anh Hai nói huỵch toẹt.
Ba Được rướm mồ hôi lưng, rịn mồ hôi trán, thình lình chạy tới ôm má Tư chặt cứng vào lòng.
– Lớn tồng ngồng rồi, con đi lập thân là phải!
Mươi ngày sau, lúc ghe vừa tách bến. Má Tư nói vói theo:
– Tui gởi thằng ba cho cậu nha, cậu Chín!
Ba Được rời quê lúc quýt đường lỉu oằn cành, quýt hồng đang độ ửng màu vỏ.
***
Nước sông chảy xiết! Phía sau lái ghe, cậu Chín nhắc nhở Ba Được:
– Cột dây mũi ghe chặt vô gốc sộp đi cháu!
Nhánh sông Hậu bắt nguồn từ dòng Mê Kông tại điểm Khánh An. Thiên hạ vẫn nói: “Nơi đây, đất nước vừa đẹp vừa an lành”. Thường khi, trên đường về căn chòi canh rẫy, Ba Được hay đứng ngắm con sông Hậu lượn mình tạo thành vòng cung dài xa tít chân trời. Những hột phù sa sóng sánh dưới ánh nắng chiều bình nguyên, gợi trong lòng Ba Được nỗi nhớ quê nhà. Phù sa kết tụ tạo đất bồi, nhưng đất bồi không giữ nước nên cây lúa chỉ èo ọt trong khi cây bắp thì sống khỏe, sống tốt tươi.
Cậu Chín và Ba Được làm rẫy mướn cho Hội đồng Sâm ở giồng Cây Da chỉ cách đất Campuchia một dòng sông. Cây da chẳng biết có tự bao giờ, nó bự tổ chảng – bự đến nỗi áng chừng trên chục người nối tay nhau ôm mới giáp vòng thân – đứng sừng sững và uy nghi như vị thần bảo an cương vực.
– Đã ba mùa bắp rồi nghe, cậu Chín!
Rót rượu tràn ly, Ba Được nhắc đếm thời gian.
– Nhớ nhà… phải hôn?
Cậu Chín hỏi Ba Được như tự hỏi mình.
Lúc mới tới ở mướn cho Hội đồng Sâm, hai cậu cháu đã ký giao kèo “bán sức non” lấy tiền trước hai mùa bắp, dù phải chấp nhận chịu thiệt phân nửa số tiền công. Cánh đồng bắp bạt ngàn đã lấy đi bao sức lực của hai cậu cháu: từ tưới tiêu, bơm xịt thuốc cho tới diệt cỏ, dưỡng hột… đều chỉ do dức của hai người. Nhớ hồi chưa thạo việc, đi xịt thuốc dưỡng hột bắp, hai cậu cháu hít phải thuốc xịt nên bị ngất xỉu giữa cánh đồng; cũng may, có người phát giác kịp thời cứu chữa. Nếu không, cả hai đã tiêu sanh mạng. Cụ già ở xóm giồng Cây Da sau khi cứu hai cậu cháu đã tận tình dặn dò chỉ vẽ:
– Bắp trổ trái có hột đầy đặn thì cây đã cao khỏi đầu người. Muốn xịt thuốc dưỡng hột, em với cháu phải đi thụt lùi để tránh thuốc bay vô người, nhiễm độc. Qua thương tình, chỉ cho hai đứa!
Mấy năm cơ cực nơi quê người là mấy năm Ba Được nhớ má Tư, nhớ anh Hai và nhớ những ngày chăm sóc cây quýt vườn nhà. Cây quýt đường trồng hai năm thì cho trái quanh năm. Còn giống quýt hồng phải mất ba năm trồng mới cho trái mà trái mỗi năm chỉ được một vụ nhưng lại phải chăm sóc suốt năm. Đời cây, dù đường hay hồng, thì cũng chừng mười năm mà thôi. Má Tư biểu anh em Ba Được trồng quýt đường xen kẽ quýt hồng. Hỏi tại sao thì má Tư nói: “Con nhà nghèo, vườn đất hổng có bao nhiêu, nên phải tùy cơ ứng biến mà lấy ngắn nuôi dài”. Má Tư còn dặn hai anh em: “Đừng chăm bẵm một việc, có khi làm hư những việc khác!”.
Thương lắm mùi vị da thịt của quýt, nhứt là mùi vị da thịt đó khai mở đầu mùa trước Tết Nguyên đán bằng một tuần trăng tháng Chạp. Nhiều đêm, Ba Được tự hỏi: “Phải chăng sự quyến rũ của cây trái đã kích hoạt tình yêu đất nồng nàn trong trái tim của con người”.
– Cậu Chín! Như vậy, Hội đồng Sâm còn nợ tiền cậu cháu mình trọn mùa bắp?
– Phải rồi, vậy chớ sao!
– Để sớm mai, cháu sẽ tới nhà Hội đồng Sâm thưa chuyện.
– Ý! Không được đâu nha cháu!
Hồi lâu, cậu Chín thấp giọng nói nhỏ:
– Người ta giàu có lại mạnh thế lực trong vùng, cháu đừng chộn rộn mà rắc rối.
– Nợ thì trả, không trả thì đòi… có gì mà chộn rộn với rắc rối?
Ba Được bực bội.
Y như điều cậu Chín dự đoán, Hội đồng Sâm chẳng những không đếm xỉa gì tiền nợ mà còn hoán đổi công việc của hai cậu cháu: “Nghỉ chăm sóc cây bắp tới búng Bình Thiên làm nghề hạ bạc”.
- Xem thêm: Nắng chiều
Tháng sáu, mưa lất phất bay. Cậu cháu giã từ giồng Cây Da giữa lúc phù sa đỏ đục ngầu trên sông Hậu cuồn cuộn đổ về, nước nổi ngập mênh mông những cánh đồng. Nơi Bình Thiên, Ba Được ngỡ búng là biển cả vì nó rộng bao la, rộng quá sức tưởng tượng. Búng Bình Thiên là hồ Nước Trời chăng? Sương và khói sóng làm mờ mặt búng, làm mù mù tăm tăm chẳng nhìn thấy rặng cây xóm nhỏ của người Chăm bên kia bờ búng. Gió lồng lộng, gió rượt sóng chạy khắp mặt hồ tạo ra âm thanh rì rào, thì thầm nhung nhớ…
Tự dưng, Ba Được muốn quay về vườn quýt cũ, như con nước trong búng muốn quay về sông!
– Không được bỏ đi lúc nầy!
Cậu Chín nghiêm giọng nói.
– Bộ cậu tiếc tiền công Hội đồng Sâm còn đang nợ?
Tức mình, Ba Được nói hỗn.
Cậu Chín không giận thằng cháu tánh ngang bướng. Giận là giận mình chọn lầm chỗ ở đợ bán sức non.
– Ngoài sông, sóng to gió lớn, nước đang chảy hơn cắt; ghe của mình không đủ sức cỡi sóng mùa nước nổi để về tới Lai Vung.
– Thôi thì, cậu nói vậy, con hay vậy!
Ba Được nhoẻn miệng cười giả lả.
Thiệt bụng, Ba Được nghĩ: “Cậu nói vậy, con hay vậy; nhưng vậy mà không phải vậy”. Ba Được âm thầm tính toán, và tìm cách thực hiện sự tính toán đó đạt kết quả.
– Cá chạch lấu nướng lửa than, rượu nếp than do người Chăm nấu cất tuyệt ngon! Cậu cháu mình bữa nay nhậu quắc cần câu cho đã cái đời người xa xứ!
Lời Ba Được mở lòng sành sỏi, không khác gì kẻ từng trải sông hồ.
Cậu Chín ngạc nhiên, nhưng nỗi ngạc nhiên chưa đủ lực đi tới nghi ngờ. Cậu dùng dằng:
– Đổi rượu nếp than, uống rượu đế trắng.
– Mồi ngon, rượu ngon thì mới đối xứng, mới đúng điệu. Giờ này uống rượu ngắm chiều tàn trên mặt hồ thì mới thiệt là thi vị.
Ba Được dùng lời lẽ cố thuyết phục cậu Chín.
Cậu Chín thoáng nghĩ: “Uống rượu đế trắng tuy say hỗn nhưng cũng nhờ say hỗn mà người uống rượu biết dừng kịp lúc. Uống rượu nếp than vị ngọt, say đầm, mà say rất lâu, người uống rượu không biết đâu mà dừng”. Nhưng rồi cả nể nhiệt tình của thằng cháu, cậu Chín vui vẻ uống rượu nếp than.
Hai cậu cháu lúc trầm ngâm nhâm nhi, lúc rôm rả ực một hơi cạn chung rượu. Rồi thì cậu nói chuyện đời, cháu nói chuyện người; cháu nói chuyện nhà, cậu nói chuyện quê… Cứ vậy, rượu un khói thời gian hết ngày!
– Má Tư của cháu nói: “Người bỏ đất, chớ đất không bỏ người”. Càng nghiệm, cháu càng nhận ra lời má Tư nói quá đúng!
Mắt Ba Được ngân ngấn.
– Cháu không muốn mình là người bỏ đất.
Chim chiều chao cánh bay qua mặt hồ.
Cậu Chín lè nhè, líu lưỡi, hình như hoàng hôn trong mắt cậu mang màu tím than. Phút chốc, cậu nằm sải lai dưới sàn ghe và ngáy ngủ như sấm dậy!
Ba Được lẹ hơn tép, chèo ghe dắt mũi quay gấp gáp ra sông Hậu.
Trời tối thui, những vệt sáng mặt nước sông nhập nhoạng hắt lên ghe; chiếc ghe chỉ như chiếc lá tre dập dềnh giữa dòng sông hung tợn chảy. Nước cuốn, sóng nhồi gãy mái chèo, ghe trôi mất phương hướng. Ba Được hoàn toàn bất lực! Đến lúc nầy cậu Chín mới giựt mình tỉnh rượu. Tiếng gió, tiếng nước át hẳn tiếng gọi thất thanh của cậu.
– Rầm! R…ầ…m! R…ầ…m!
Đụng cột đáy, ghe vướng đáy rồi chìm. Ba Được văng xuống sông, cậu Chín thời may quơ tay nắm dây giăng đáy.
***
Sông Hậu bình minh!
Đêm qua, chủ đáy kịp cứu, và vớt được cậu Chín lên xuồng. Ba Được trôi theo dòng nước dữ.
Những hột phù sa dính da người ửng đỏ dưới nắng mai. Nước mắt hòa lẫn nước sông ướt đẫm mặt cậu Chín. Bất giác, cậu Chín úp mặt xuống nước gào thét và ngửa mặt lên trời, kêu tiếng kêu thảng thốt:
– Trời ơi!