Chiếc ghe chở gánh xiếc Hương Tràm cập bến ủy ban xã, đám trẻ con xóm Mù Cưa í ới gọi nhau chỉ chỉ trỏ trỏ mấy con khỉ được nhốt trong cái chuồng chật ních.
Thằng nhóc con trên ghe có vẻ không hài lòng với điệu bộ của lũ trẻ trên bờ, như để khắng định với lũ trẻ nhà quê không có quyền xem báu vật của nó. Thằng bé nhảy tót lên bờ cắm sào buộc dây ghe rồi nó lấy vải che hết mấy cái lồng khỉ lại. Đám trẻ trên bờ tiếc hùi hụi, thằng Minh giận bụng lấy cục đất chọi xuống sông cái bủm, nước không đủ làm ướt mặt thằng nhóc trên ghe nhưng cái nhìn khiêu khích của thằng Minh càng làm thằng nhỏ dưới ghe đắc ý. Con Thảo dưng dửng bỏ về nhà để mặc cho thằng Minh gọi với theo đến rát cổ họng, đám con gái thiệt yếu mềm. Lần nào gánh xiếc về xóm, con Thảo cũng thản nhiên như chẳng có chuyện gì, có gì đáng coi đâu.
Thằng Minh tìm quanh sân rạp xiếc cũng không thấy một cái lổ chó nào để cho chúng tôi lẽn vào. Vừa đến cuối sân, tôi cảm giác như có một ánh mắt nào đó theo dõi nhất cử nhất động của chúng tôi, đoạn thằng Minh vừa vén miếng vải tìm đường chui vào đã bị một cánh tay níu lại cùng tiếng hét lớn.- Chúng mày định làm gì thế. Đi ra chỗ khác cho tao.
Tôi ngước mặt lên nhìn, một thằng nhóc con mặc cái áo vàng chóe với làn da đen thui mà nếu ông trời có đánh chắc cũng phải gọi đèn pin. Là thằng nhóc hồi chiều chúng tôi gặp dưới ghe, đôi mắt láo liên của nó càng to hơn khi chúng tôi nhìn gần nó. Mất một phút để định thần, thằng Minh đứng lên hất mặt về phía thằng nhóc.
– Mày đui hả gì mà không thấy tao làm gì?
– Đồ nhà quê – Thằng nhóc dưới ghe miệt thị.
Thằng Minh kịp đấm vào mặt nó một cú đau điếng rồi nắm tay tôi chạy trối chết, bỏ mặc thằng nhóc ôm mặt ngồi bệt xuống đất. Trên đường về nhà, thằng Minh còn bày mưu tính kế để lần sau gặp lại cho nó một trận nhớ đời. Tôi thở hổn hển, lưng tựa vào gốc dừa xù xì trong khi thằng Minh vẫn còn hăng máu, cứ nằng nặc đòi tôi theo nó canh thằng nhóc dưới ghe ngủ lấy ná thun bắn vào người nó rồi bỏ chạy. Tôi chưa kịp từ chối thì nó đã nắm tay tôi lôi đi xồng xộc. Buổi biểu diễn kết thúc khá muộn vì đêm đầu tiên đoàn xiếc về, mấy ông trong gánh xiếc bày tiệc nhậu tưng bừng, đứng chờ trong đám sậy thằng Minh cứ nạt ngang những lúc tôi đòi về ngủ. Đám muỗi được một phen no nê mà lòng thù hận của thằng Minh không vì thế mà lung lay chút nào.
– Hổng ấy ngày mai mình quay lại đi. Tao đứng hoài mỏi chân quá. Muỗi như vãi trấu nè. – Tôi càm ràm.
– Mày im đi. Mày cứ như công tử bột vậy đó, mới có chút đã không chịu được. Lần này không dạy cho nó một bài học nhớ đời thì còn mặt mũi nào ở cái xứ này nữa.
Cuối cùng, lòng thù hận của thằng Minh bị dập tắt bởi cái tiệc nhậu không biết hồi kết, bị một ông già say bí tỉ vạch quần tè vô bụi sậy. Thằng Minh dí sát người vào tôi để né ông già cứ thỏa sức “trút bầu tâm sự”. Tôi và thằng Minh chia tay nhau ở góc me đầu xóm mà lúc về nó vẫn cầm khư khư nắm đá trên tay.
Con Thảo ngó lơ với câu chuyện của chúng tôi. Nó chẳng bao giờ để ý đến gánh xiếc mặc dù ba nó vẫn tha thiết với nghề xiếc đu dây. Má tôi kể ngày xưa ba con Thảo cũng theo ghe đi biểu diễn khắp xứ miền Tây nhưng từ ngày bị tai nạn gãy chân trong quá trình biểu diễn, rồi ba nó trở về xóm Mù Cưa với đôi chân cà thọt. Má con Thảo cũng bỏ nó đi theo người đàn ông khác trên chiếc ghe thương hồ về neo lại bến sông Mù Cưa có vài lần. Nhiều lúc tôi thấy con Thảo cứ đứng nhìn đám lục bình trôi xớ rớ dưới sông, nó cứ đưa mắt về phía xa xa như gởi theo nỗi lòng của mình. Ngày ba nó trở về, nó rủ chúng tôi đi bụi đời. Đi đến đâu cũng được miễn đừng có gặp mặt ba nó. Thằng Minh bảo nó khùng, cứ mặc kệ ba nó, hổng ưa nhau thì hổng nói chuyện chứ khó gì. Từ dạo đó, tôi chẳng bao giờ thấy con Thảo nói chuyện với ba nó. Bà nội nó khuyên thế nào nó cũng chẳng nghe, bởi theo nó chính vì ba nó làm má nó bỏ đi theo người khác. Nó chỉ có bà nội và chúng tôi là người thân.
- Xem thêm: Những căn nhà xưa
Thằng Minh hẹn chúng tôi ở chỗ cây bàng gần rạp chiếc. Con Thảo bị cái lưỡi uốn cong mấy bận của thằng Minh làm xiêu lòng nên cũng theo ra xem ké xiếc. Tôi nhảy tọt lên nhánh cây bàng gie ra phía sân khấu xiếc; con Thảo sau một hồi hì hục cũng chọn cho mình một chỗ ngồi dễ nhìn thấy; thằng Minh đung đua hai cái chân trên nhánh bàng ngó về phía chiếc ghe trên tay nó vẫn cầm cái ná thun cho cuộc phục kích bất ngờ. Chẳng mấy chốc, cây bàng đã chi chít những cái đầu thò ra, đứa nào cũng hí hửng với từng tiếc mục trên sân khấu. Đám trẻ nghèo ở quê tiền ăn chẳng có, nói chi tới chuyện mua vé vào xem xiếc, cho nên chúng tôi cứ thèm thuồng nhìn đám trẻ xóm trên ngồi chễm chệ trên chiếc ghế gần sân khấu. Thằng Minh bảo, được ngồi gần coi cho đã mắt mấy con khỉ đạp xe, mấy con chó biết làm toán cộng bằng mấy tiếng sủa, đứng trên cây ngó xuống không đã con mắt cho lắm. Con Thảo hứ cái cốc, có chỗ coi là may lắm rồi ở đó đòi hỏi. Con Thảo vẫn không chút hào hứng trước những tiếc mục của đoàn xiếc, đoạn nó bảo, không biết ông già ở nhà bị té gãy chân ở tiết mục nào. Thằng Minh còn say sưa ngắm mấy sợi dây tòn ten treo người lên không trung. Phía ngoài sân khấu, những đoàn người chờ đến lúc “xả giàn” để xem tiếc mục cuối cùng có một dáng người chưa kịp chờ chen chân vào xem đã lẳng lặng bỏ về. Dáng người quen lắm, đôi chân bước thấp bước cao đi về phía màn đêm hun hút. Thằng Minh nổi cáu khi thấy thằng nhóc trên ghe bước ra sân khấu nhào lộn mấy vòng rồi leo lên sợi dây nhìn phát thèm. Tiếng vỗ tay cứ rần rần xung quanh tiết mục của nó. Chốc chốc, mấy đứa trẻ kế bên lại tấm tắc khen thằng nhóc giỏi, ước gì làm được phân nửa nó cũng đủ sướng rồi. Thằng Minh nhìn tụi nó bằng nửa con mắt. Tiết mục sẽ chẳng có gì nếu sợi dây buộc ngang không bị đứt giữa chừng, thằng nhóc nằm lên sợi dây bị ngã cái phịch xuống sàn sân khấu, ngó thôi cũng thấy đau điếng người, mấy người trong cánh gà lao ra đỡ thằng nhóc trong cái nhìn hoảng sợ. Thằng nhóc lồm cồm ngồi dậy, nó nở nụ cười rồi được dìu vào bên trong. Buổi biểu diễn kết thúc với lời tạm biệt của ông bầu sô có thân hình quá khổ.
– Hổng biết thằng nhóc con đó có sao không? Thấy chưa, nó cũng có tài ba gì đâu. Hổng biết thân biết phận thì ráng chịu. Cho chừa cái tội xạo ke – Thằng Minh hả hê.
– Mày ác hơn chữ ác. Tội nghiệp nó, lỡ nó giống ba con Thảo rồi sao?
Tôi biết mình đã lỡ lời nên cố tình bước lên phía trước để tránh nhìn vào đôi mắt của con Thảo, mà rủi nó có khóc thì tiếng sụt sùi chắc cũng bị gió bạt đi phần nào. Đoạn đường về trở nên im lặng, tuyệt nhiên chẳng đứa nào nói được câu gì, chỉ có gió sông ràn rạt thổi qua mà đứng nép nào đâu cũng thấy lạnh.
Mới sáng tinh mơ, tôi đã thấy thằng nhóc con dưới ghe nằm trước nhà của ông Bảy Cò bó thuốc Nam gãy xương, vẻ mặt của nó bơ phờ trông thấy. Nhác thấy tôi, nó có phần khựng lại. Nó nằm trên chiếc ghế dựa với cái chân bó thuốc và cái tay rươm rướm máu.
– Mày có sao không?
– Đừng có giả nhân giả nghĩa. Thấy tao vậy mày vui lắm phải không? Mày đừng có hòng lại gần mấy con khỉ của tao. – Thằng nhóc mạnh miệng.
– Bị vậy mà còn đánh đá, chắc là chưa có chết được đâu – Thằng Minh nói vọng vào.
Tôi nắm tay thằng Minh về nhà và không quên để lại mớ lá huyết dụ má biểu tôi mang cho ông Bảy. Tôi sợ ở lại một hồi sẽ có chuyện xảy ra. Thằng Minh giật tay tôi ra, cứ nằng nặc đòi dạy cho nó một bài học nhớ đời. Thằng nhóc nằm trên giường cứ nhướn nhướn con mắt lên ra chiều thách thức. Buổi chiều hôm đó, tôi lén lén chạy sang ngó thằng nhóc dưới ghe coi như thể nào. Nhà ông Bảy Cò chẳng khi nào đóng cửa, người vô ra tự do. Nhà ở quê chẳng ai lấy của ai thứ gì, trú mưa đụt nắng cứ tạt vào. Người phụ nữ ngồi kế bên đút cháo cho thằng nhóc trong khi nó cứ ngậm chặt miệng ngó lơ, để mặc người phụ nữ nài nỉ. Coi bộ nó cũng khá cứng đầu. Người phụ nữ lẳng lặng bỏ ra sau nhà trong cái lắc đầu ngao ngán. Tôi thấy thằng nhóc quệt nước mắt. Tôi đưa về phía nó mấy trái nho rừng.
– Ăn đi, ngon lắm đó. Bộ mày đau lắm hả?
– Đau cái con khỉ. Mấy cái thứ này làm gì được tao.
– Vậy sao nãy mày khóc?
Nó nhìn tôi không đáp, mấy trái nho rừng tôi để lại trên ghế. Lúc quay đi nó hỏi với.
– Mày tên gì?
– Tao tên An. Còn mày?
– Tao tên Tí – Thằng nhóc dưới ghe lí nhí.
***
Con Thảo ngồi giặt đồ dưới mé sông trong khi thằng Minh hát mấy bài hát cũ xì nghe mắc mệt. Tôi ngồi nhìn ba con Thảo lọ mọ với mớ dây nhợ vá lú, vô tình chạm vào ánh mắt buồn rười rượi của ông. Đột nhiên, con Thảo làm tôi giật bắn người.
– Chắc vài bữa nữa ổng cũng đi, bỏ tao?
– Ủa bộ ổng nói với mày hả? – Thằng Minh hỏi dồn.
– Đâu có. Gánh xiếc về thì ổng cũng phải theo thôi. Như cái lần ổng bỏ má con tao đi biệt đó.
Không biết lúc ba con Thảo đi, nó như thế nào, có còn nói được những câu nói dửng dưng như không có gì đó, có để mặc tình ba nó xuôi theo con nước mà tản đi theo cái gọi là đam mê ước vọng. Quần áo dơ cỡ nào, con Thảo cũng giũ sạch dưới nước sông xóm Mù Cưa, vậy mà nỗi buồn của nó giũ hoài sao chưa thấy hết. Ở trong nhà, ba con Thảo lần đi ra sau hè. Lâu rồi, tôi cũng quên mất tiếng nói của ba con Thảo.
Ông chủ gánh xiếc có thân hình quá khổ tạt qua nhà con Thảo. Ông gọi với vào nhà.
– Anh Được ơi, có ở nhà không anh Được?
– Ổng đi giao lúa cho người ta rồi, có gì ngày mai hoặc tối tối chú quay lại đi – Con Thảo trả lời trong hậm hực.
Câu hỏi của thằng Minh còn khiến con Thảo thêm phân bực dọc.
– Chú kiếm ông ấy để làm xiếc hả chú. Chú Được chân cẳng vậy sao mà xiếc như hồi xưa được.
– Chú chỉ ghé thăm anh Được thôi. Ngày trước, chú với anh Được đi chung đoàn. Tội nghiệp ảnh lắm. Đang định kiếm thêm ít tiền rồi về quê mua miếng đất làm ruộng sống với vợ con. Ai ngờ trong lúc biểu diễn gặp nạn, bao nhiêu tiền kiếm được mang đi chạy chữa hết trơn mà còn không được theo nghề nữa. Vài phút trên sân khấu để cho người đời coi mà đổi biết bao nhiêu máu và nước mắt. Mấy đêm nhậu vô nhớ vợ con, ảnh khóc bù lu bù loa như đứa trẻ.
- Xem thêm: Trong ngôi nhà màu trắng
Con Thảo đứng nép vào vách nhà, nó quay mặt đi tránh ánh nhìn của tôi. Không biết con Thảo nghĩ gì khi nghe những lời của ông chủ đoàn xiếc. Lúc nó quay đi, tôi đâu đã thấy được gì trong mắt nó. Thằng Minh chặc lưỡi:
– Thằng nhóc bữa bị té chắc khổ lắm hả chú?
Ông chủ gánh xiếc thở dài:
– Thằng Tí đó hả? Má nó bỏ nó từ hồi nó còn ẵm ngửa. Cả gánh xiếc thấy tội quá nên nhận nó về nuôi. Lúc năm sáu tuổi, nó đã bắt đầu học đu dây. Thằng thiệt lì, té trầy tay trật chân vậy mà không chịu nghỉ. Tối ngày, nó chỉ làm bạn với mấy con khỉ trong đoàn. Cái bà bán vé là má nó đó, bỏ nó mười mấy năm trời giờ tìm nó để nhận lại mà nó có chịu nhìn đâu, nên theo đoàn phụ bán vé luôn.
Ông chủ gánh xiếc rời đi trong ráng chiều vàng vọt. Gió từ mé sông thổi qua lồng lộng mà lòng người thì thênh thang nỗi buồn. Thằng Minh ngồi chống cằm tư lự, ngó bầy lìm kìm bơi trên sông. Chẳng ai nói với ai câu gì, chỉ có hoàng hôn xuống chầm chậm khuất dần sau nhánh trâm bầu cuối xóm.
***
Thằng Tí ngồi trước nhà ông Bảy Cò trong khi con khỉ của nó cứ nhảy qua nhảy lại nhìn chóng cả mặt. Con Thảo và tôi giục mấy bận, thằng Minh mới chịu vào gặp thằng Tí. Nhác thấy chúng tôi, thằng Tí có vẻ sựng lại. Tôi nhìn nó trấn an.
– Tụi tao đến thăm mày thôi. Không có ý gì đâu.
Không biết có phải vì lần gặp mặt trước hay vì mấy trái nho rừng của tôi mà thằng Tí có vẻ tin tưởng ở tôi. Thằng Tí liếc nhìn thằng Minh ra vẻ không hài lòng. Sau mấy lần gãi muốn tróc da đầu, thằng Minh cũng lí nhí được lời xin lỗi. Thằng Tí bao dung hơn chúng tôi tưởng tượng. Nó chỉ cười cười rồi gật đầu như chấp nhận lời xin lỗi của thằng Minh. Con Thảo mang theo mấy củ khoai nướng chia cho chúng tôi, vừa ăn vừa nhìn mây trời với những câu chuyện không đầu không cuối. Thằng Tí nói sau này lớn lên nó sẽ dừng chân lại một cái bến nào đó, mua một miếng đất, cất một ngôi nhà và có cho mình một khu vườn thích cây gì trồng cây đó, nằm trong nhà gác kèo ong nghe mấy con dế gáy cho đã hai tai. Con Thảo ngồi bật dậy.
– Để tụi tao dẫn mày đi thăm khu vườn của riêng mày nhé.
Thằng Minh cõng thằng Tí lên vai, còn tôi và con Thảo chỉ hụ hợ tiếp nó để tránh làm động đến vết thương bó thuốc của nó. Đoạn đường đến khu vườn khá xa và mịt mùng cỏ dại. Khu vườn có căn nhà bị bỏ hoang mà chẳng có đứa trẻ nào dám bén mảng tới vì người lớn vẫn rỉ tai nhau, ban đêm có một bóng trắng bay tới bay lui, oan hồn của người treo cổ tự tử trong căn nhà đó vẫn còn đang vất vưởng. Thằng Minh luôn muốn chứng tỏ mình hơn đám trẻ hỉ mũi chưa sạch xóm trên bằng cách lẻn vào khu vườn mà người lớn đồn có ma coi cho ra lẽ. Khu vườn mát mẻ yên tỉnh và không có… ma, nên chúng tôi vẫn thường trốn nhà để vào đó chơi. Con Thảo nói khu vườn này không có chủ nên giờ nó là của thằng Tí.
– Mày cứ coi đây là khu vườn của mày. Tụi tao nhường nó lại cho mày đó.
Thằng Tí dang tay hít căng lồng ngực, nó nhắm mắt lại như tận hưởng hết không khí của khu vườn mình mơ ước. Chúng tôi cho nó ngồi ở dưới gốc me già mát rượi, lâu lâu lại có một tiếng chim vút lên. Thằng Tí ngồi say sưa với từng chuyển động của khu vườn.
– Tao đi miết trên ghe có khi nào được ngồi như vầy đâu. Đợt này té đau mà cũng đáng. Tao được ngồi trong khu vườn mà chẳng sợ bị người ta la.
Chúng tôi ngồi lặng im cùng nhau đến chiều. Lúc rời khỏi khu vườn, thằng Minh cứ ngoái đầu nhìn lại. Chúng tôi cứ nhích từng bước một để về nhà, cứ như bước nhanh một chút kí ức của thằng Tí sẽ hao hụt đi phần nào. Chúng tôi đi nhẹ quá chừng, đâu có đụng vào vết thương của nó đâu mà sao tôi thấy mắt nó đỏ ngầu…
- Xem thêm: Phía bên kia nhà
Ông Bảy Cò “tụng” chúng tôi một hồi vì cái tội cõng nó đi mất tiêu báo hại ổng với má (mà không phải má) của thằng Tí đi tìm khắp xóm. Lúc chúng tôi ra về, thằng Minh cứ nhìn theo mãi. Thằng Minh cười hề hề, ngày mai tao sẽ cõng mày lại khu vườn của mày. Mày đợi tụi tao nghen.
***
Điều thằng Minh hứa đã không thể thực hiện được. Buổi sáng hôm đó, gánh xiếc đã bắt đầu dọn bãi. Người ta vác mọi thứ xuống ghe chỉ còn một khoảng đất trống trơ. Chiếc ghe rời bến đâu có lưu lại dấu nằm dưới sông. Thằng Tí ngó lên bờ nhìn ba đứa trẻ nước mắt đầm đìa. Mấy cái vẫy tay của chúng tôi đâu có kéo chiếc ghe về lại. Thằng Tí gọi với lên bờ.
– Tụi mày đợi tao về nghen.
Chúng tôi đứng lại bến sông rất lâu. Chiếc ghe đã rẽ sóng trôi đi, mặc kệ ánh nhìn của người ở lại. Thằng Tí sẽ về đâu giữa biển người mênh mông đó. Chiều đó, con Thảo giúp ba nó mang lú giao cho nhà bác Chín. Lúc đi ngang cây cầu dừa, con Thảo lí nhí, ba để con xách tiếp cho. Giọng con Thảo nhỏ lắm mà đủ làm người đàn ông đi trước nó bật khóc. Cuối cùng thì ba con Thảo cũng đợi được ngày này, còn người phụ nữ dưới ghe không biết phải cập bao nhiêu bến nữa mới mong mình được nhận ra, mà tính ra thằng Tí cũng đâu có cứng đầu hơn con Thảo là mấy. Đôi khi tôi nghĩ lòng người như một khu vườn, giống như thằng Tí nói, trồng cây gì là do mình. Vậy thì dại gì để cỏ mọc vướng víu lòng mình. Thằng Tí rồi sẽ trở về. Biết đâu đấy…