Bà Emilie Gordenker – giám đốc mới được bổ nhiệm của Bảo tàng Van Gogh tại Amsterdam – đứng trước khuôn viên bảo tàng để chào đón những vị khách đầu tiên sau khi thủ đô Hà Lan bãi bỏ lệnh giãn cách vì dịch cúm Covid-19.
Có khoảng một chục khách đến với bảo tàng trong buổi sáng chan hòa nắng ấm, họ đứng cách nhau 2m để chờ vào bên trong. “Chúng tôi đã chờ đợi giây phút này từ 11 tuần nay. Thật tuyệt diệu khi chúng tôi có thể mở cửa lại vào một ngày nắng rực rỡ như thế này”, bà Gordenker nói. Đón các vị khách quý đến với bảo tàng, nhưng thay vì bắt tay họ theo thông lệ, bà Gordenker bước tới bình nước sát trùng tự động, hướng dẫn khách cách sử dụng rồi mau chóng đưa họ bước qua cửa xoay bằng kính để vào bảo tàng.
Hai phụ nữ trong số những người đặt mua vé online đầu tiên để tham quan bảo tàng là Emma Overheul, 35 tuổi, và Maarten Halma, 43 tuổi, hơi ngập ngừng bước tới, đi qua một dãy các camera mới, trông họ như thể các ngôi sao điện ảnh đến với buổi chiếu ra mắt một bộ phim. Bà Overheul cho biết: “Những năm qua, luôn luôn có một đám đông khổng lồ đến đây. Bây giờ, quả là một dịp thật tuyệt để tham quan bảo tàng mà không có quá đông người”. Dù số khách đến với bảo tàng trong ngày đầu tiên mở cửa lại chỉ mới đạt con số tối đa là 750 người nhưng bà giám đốc Gordenker đã cảm thấy rất hạnh phúc, trong khi trước đại dịch toàn cầu, mỗi ngày Bảo tàng Van Gogh đón khoảng 6.000 khách tham quan.
Thu hút khách đến với bảo tàng chẳng phải là vấn đề bà Gordenker từng nghĩ đến khi trở thành giám đốc của một trong những thiết chế mỹ thuật được biết đến rộng rãi nhất ở Amsterdam. Bởi từ vị trí quản lý Bảo tàng tranh Hoàng gia Mauritshuis ở TP.Hague vốn lặng lẽ vì ít khách tham quan, bà mới chuyển đến Bảo tàng Van Gogh vào đầu tháng 2-2020. Khi đó, tờ nhật báo hàng đầu tại Hà Lan là NRC Handelsblad đã đưa tin với tiêu đề: “Sẽ không bao giờ lặng lẽ nữa ở bảo tàng”.
- Xem thêm: Xem tranh Van Gogh ở VCCA
Nhận nhiệm vụ mới, mối quan tâm chính đối với tân giám đốc là phải ứng phó ra sao với những tai ương có thể xảy đến với bảo tàng như lụt lội hay hỏa hoạn, thế nhưng bà cũng như mọi người không ai ngờ được thảm họa lại đến từ đại dịch Covid-19 khi nó làm điêu đứng toàn bộ nền kinh tế đất nước hoa tulip.
Tất cả các bảo tàng ở Hà Lan đều cần đến khách tham quan để tồn tại, nhưng Bảo tàng Van Gogh đặc biệt ở chỗ nó dựa hoàn toàn vào du khách. Các bảo tàng quốc gia ở Hà Lan đều được sự tài trợ đáng kể của ngân sách chính phủ, trong khi Bảo tàng Van Gogh sống nhờ vào nguồn thu nhập tự thân: tiền bán vé và các khoản thu từ các cửa hàng bán sản phẩm lưu niệm và các cửa hàng ẩm thực – chiếm đến 89% ngân sách hoạt động của bảo tàng. Thế mà có đến 85% khách đến với Bảo tàng Van Gogh là từ nước ngoài.
Điều này càng tạo thêm những khó khăn chồng chất trong một thời kỳ đầy thách thức với sự sống còn của bảo tàng. Cũng chính vì vậy mà tân giám đốc Gordenker hi vọng sẽ có nhiều hơn người dân bản địa có cùng ý nghĩ với bà Emma Overheul, coi đây là một cơ hội tuyệt vời để đến với Bảo tàng Van Gogh khi nó không bị du khách nước ngoài lèn chặt: “Bây giờ, chúng tôi đang định hướng lại, nhắm đến công chúng Hà Lan. Nhiều người dân ở đất nước này đã nghĩ rằng Bảo tàng Van Gogh là dành cho du khách. Chúng tôi cần phải thay đổi cách nhận thức đó”.
Trong nhiều năm, một trong những vấn đề nan giải của Bảo tàng Van Gogh là tình trạng quá tải khách tham quan. Năm 2015, bảo tàng đã phải mở thêm một khu vực đón khách mới với lối vào rộng hơn để tránh tình trạng số người rồng rắn nối đuôi nhau bên ngoài, chờ vào mua vé. Nhưng thế cũng chưa đủ, bảo tàng phải đưa ra một hệ thống đặt vé online dạng khe thời gian trống (time-slot), qua đó khách tham quan sẽ chọn thời điểm thích hợp để đặt vé thay vì đến bảo tàng mới mua vé.
Bà Overheul – người thường đến với Bảo tàng Van Gogh khi còn là một sinh viên vào đầu những năm 2000 – cho biết khoảng 5 năm gần đây hay hơn thế, bà không còn thích đến đây nữa vì nó quá đông khách: “Không còn tìm thấy chút thư giãn nào ở bảo tàng khi mà có đến cỡ 30 người đứng trước mọi kiệt tác của Van Gogh. Những năm đó, người ta cảm thấy nó như thể dành cho du lịch nhiều hơn”.
Thật ra, nhận định của bà Overheul không chỉ giới hạn ở Bảo tàng Van Gogh mà trải rộng ra nhiều điểm thu hút du lịch chính của Amsterdam, chẳng hạn Nhà tưởng niệm Anne Frank và khu phố “đèn đỏ”, thậm chí là toàn bộ thủ đô Hà Lan. Mới đầu năm nay, một số phương tiện truyền thông đã than vãn về tấn thảm kịch “quá tải du lịch” (over-tourism) của Amsterdam, dẫn chứng nhiều người dân cho rằng vẻ quyến rũ đặc trưng của thành phố này đã biến mất trong cơn hỗn loạn của gần 20 triệu du khách mỗi năm.
Trong những năm gần đây, được gợi ý từ những điểm đến du lịch phổ biến tại châu Âu như Venice và Barcelona, Amsterdam đã tiến hành các khảo sát nhằm kiểm soát các du khách phóng túng, phạt vạ các hành vi không đúng mực như uống rượu say nơi công cộng, tiểu bậy trên đường phố, hạn chế các tour di chuyển bằng xe buýt và tăng mức thuế du lịch tại các khách sạn. Bà Geerte Udo, Giám đốc điều hành Tổ chức phi lợi nhuận Amsterdam & Partners – cố vấn về nhãn hiệu và tiếp thị cho chính quyền thành phố, cho biết ngành công nghiệp du lịch hỗ trợ trực tiếp khoảng 11% việc làm tại Amsterdam cũng như mang đến nhiều lợi nhuận gián tiếp khác cho thành phố.
Việc đóng cửa do dịch bệnh là một dấu lặng tối cần thiết để thành phố thẩm định giá trị của ngành du lịch tương phản với những tác động tiêu cực của nó. “Có một số người sung sướng vì tìm thấy lại thành phố mà họ yêu mến từ 20 năm trước”, bà Udo nói. Song thiếu vắng du khách đồng nghĩa nhiều lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt là nghệ thuật và văn hóa, tiêu biểu là trường hợp của Bảo tàng Van Gogh.
Trong khi chờ đợi du khách trở lại sau dịch bệnh, Amsterdam đang nỗ lực đưa ra một thông điệp đến cư dân thành phố, đó là những sự hấp dẫn, lôi cuốn bản địa lại đang mở ra với họ, như lời bà Udo: “Chúng tôi đang tiến hành một chiến dịch với khẩu hiệu ‘Hãy khám phá thành phố của các bạn và hãy khám phá đất nước của các bạn. Đây là cơ hội của chúng ta’, vì chúng tôi nhận thấy có một thị trường Hà Lan đầy tiềm năng sẽ không thể ra được nước ngoài vào mùa hè này”.
Trở lại với Bảo tàng Van Gogh, thách thức lớn nhất đối với giám đốc Gordenker là làm thế nào để bù đắp khoản thu nhập bị mất do không có du khách tham quan. Cứ mỗi tháng ngưng hoạt động vì dịch bệnh thời gian qua, bảo tàng mất trắng 4,3 triệu USD. Ngay cả khi đã mở cửa lại, bảo tàng cũng chỉ có thể thu được chừng 10% lợi tức so với trước đây, thế mà số khách nội địa tham quan cũng sẽ không nhiều trong những tháng tới.
Bà Gordenker thổ lộ hồi tháng 4-2020: “Tôi cảm thấy vô cùng lo lắng. Mỗi tháng trôi qua lại càng trở nên rõ rệt là tình hình này sẽ còn kéo dài lâu hơn sự mong đợi của chúng tôi. Nếu bảo tàng cứ tiếp tục tình trạng này, chúng tôi sẽ tiêu sạch quỹ dự trữ của mình. Tôi lo sợ cho tương lai của bảo tàng và nhân sự làm việc tại đây”. Vài tuần sau lời kêu cứu đó, bà Ingrid van Engelshoven – Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Hà Lan – đã đến thăm Bảo tàng Van Gogh và tuyên bố bảo tàng sẽ nhận được sự hỗ trợ của chính phủ nhưng không cho biết cụ thể khoản hỗ trợ là bao nhiêu.
Bộ trưởng Engelshoven khẳng định trong một cuộc phỏng vấn: “Không ai phải lo âu về việc Bảo tàng Van Gogh sẽ phá sản. Bảo tàng sẽ luôn ở đây và chúng tôi sẽ giúp bảo tàng vượt qua cơn khủng hoảng này”. Thế nhưng đến ngày Bảo tàng Van Gogh mở cửa lại đón khách, bà Gordenker cho biết vẫn chưa nghe thấy gì về sự hỗ trợ tài chính của Bộ Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Hà Lan.
Bà Emilie Gordenker sinh trưởng ở bang New Jersey, Mỹ, trong một gia đình cha người Mỹ, mẹ người Hà Lan. Hơn 10 năm trước, bà đã chuyển đến sống ở quê mẹ sau thời gian làm giám tuyển lĩnh vực hội họa Hà Lan và vùng Flanders tại Bảo tàng quốc gia Scotland. Đến Hà Lan, bà trở thành Giám đốc Bảo tàng Mauritshuis, nơi lưu giữ và trưng bày bộ sưu tập tranh Hà Lan Thời Hoàng kim (Dutch Golden Age) với tác phẩm của các bậc thầy như Johannes Vermeer, Frans Hals, Rembrandt… Nhận công việc mới tại Bảo tàng Van Gogh, bà kế nhiệm ông Axel Ruger, hiện là Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Hoàng gia Anh tại London. Trong số toàn bộ nhân viên Bảo tàng Van Gogh lên đến hơn 300 người, hiện chỉ cần 40 người để duy trì công việc sau khi bảo tàng mở cửa lại đón khách.