Một cuộc thi thiết kế các sản phẩm gắn liền với sách gồm bookmark, túi vải, móc khóa vừa được thương hiệu sách Nhã Nam tổ chức nhận được nhiều sản phẩm dự thi ấn tượng, có giá trị thực tiễn.
Những tác phẩm văn học kinh điển như “Hoàng tử bé”, “Peter Pan”, “Giết con chim nhại”, “Bắt trẻ đồng xanh”… đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm tham gia tranh tài trong một cuộc thi thiết kế được tổ chức mới đây, nhằm giúp giải tỏa bớt sự căng thẳng và phát huy khả năng sáng tạo của các độc giả trẻ.
Cuộc thi thiết kế “Thế giới là một cuốn sách mở” do Nhã Nam, Arena Multimedia và Wacom Việt Nam phối hợp tổ chức. Mỗi tác phẩm dự thi gồm các thiết kế cho bộ ba sản phẩm: bookmark, túi vải, móc khóa, theo chủ đề liên quan đến sách.
Đối với nhiều bạn đọc thì ngoài cuốn sách cầm trên tay ra, những vật phẩm gợi nhắc đến cuốn sách đó như: bookmark, móc khóa, túi vải, cũng là món quà mà các bạn vô cùng yêu thích. Trong cuộc thi lần này, ban tổ chức ra đề rất mở, với mong muốn cuộc thi vừa là nguồn cảm hứng để lan tỏa niềm vui đọc sách, vừa tạo ra sân chơi để các bạn giải tỏa bớt căng thẳng và lo lắng trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng.
Sau một tháng phát động, cuộc thi thu hút gần 400 tác phẩm tham gia tranh tài. Trong đó, các tác phẩm đoạt giải gây ấn tượng bởi ý tưởng thiết kế sáng tạo độc đáo dựa trên những cuốn sách được đông đảo bạn đọc yêu mến như: Hoàng tử bé, Peter Pan, Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh… Những nhân vật, chi tiết kinh điển trong trang sách nay đã được “làm sống dậy”, hiển hiện sinh động bằng hình ảnh, màu sắc trong các thiết kế dự thi.
Một điểm chung thú vị là tác giả của ba giải cao nhất đều đang ở độ tuổi sinh viên – quãng đời đẹp nhất để dành cho sách và các ý tưởng sáng tạo.
Tác phẩm đoạt giải nhất chọn minh họa lại một tình tiết trong truyện Peter Pan, tác giả Ngô Thị Linh Chi – cô học viên ngành thiết kế đồ họa của Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội – lấy ý tưởng từ hình tượng vào ban đêm của “thành phố” và “ô cửa sổ”.
“Có thể coi đây là hình ảnh mở đầu và kết thúc của cuốn truyện, khi đưa chị em nhà Darling rời thành phố và trở về. Đây là hình ảnh mang đến cho mình hai cảm xúc khác nhau đan xen giữa háo hức và sự tiếc nuối” – Linh Chi tâm sự. Linh Chi cũng cho biết thêm cô vốn yêu thích công việc vẽ minh họa cho sách, nên trong tương lai hẳn sẽ còn gắn bó với lĩnh vực này.
Giải nhì cuộc thi đến với một họa sĩ có bản lĩnh đáng kể: Nguyễn Thu Trang. Chọn Hoàng tử bé – “cuốn sách mang cái tên đáng yêu khiến người đọc mường tượng đến một câu chuyện cổ tích đầy thơ mộng lại bất ngờ dẫn dắt ta đến một thế giới mà những người trưởng thành đã lãng quên từ lâu”, Thu Trang sáng tạo nên hình mẫu nhân vật hoàn toàn mới mẻ từ tông màu xanh lá đến đường nét thể hiện cũng rất độc đáo.
Cô vẽ hình ảnh con cáo bên cạnh Hoàng tử bé do ấn tượng từ một câu trong truyện: “Thí dụ, cậu đến lúc bốn giờ chiều thì từ lúc ba giờ, tôi đã bắt đầu thấy hạnh phúc. Thời gian càng đến gần thì tôi càng thấy hạnh phúc, khi đến bốn giờ, tôi đứng ngồi không yên, tôi sẽ hiểu được cái giá của hạnh phúc”.
Nguyễn Nhật Linh bày tỏ ý tưởng khi chọn tác phẩm Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh: “Đây là một cuốn sách gắn liền với tuổi thơ của mình. Anne lại mang cho mình một cảm giác gần gũi thân thuộc đến kỳ lạ. Tính cách mạnh mẽ, góc nhìn thế giới vô cùng diệu kỳ, sự tưởng tượng không giới hạn của Anne… tất cả những câu chuyện xoay quanh Anne đều khiến mình say mê và thích thú”.
Nhật Linh tâm sự: “Với tác phẩm này, mình mong muốn có thể khắc họa được sự đáng yêu tinh nghịch của nhân vật Anne, hy vọng rằng mọi người đều sẽ cảm nhận được chút gì đó cảm xúc vui vẻ ngập tràn của Anne khi cô được sống dưới Chái Nhà Xanh, được hòa mình với thiên nhiên và được là chính mình.
Và hơn cả, mình mong rằng sản phẩm của mình sẽ khơi gợi sự tò mò của ai đó chưa đọc cuốn sách này…”.
Bình luận dưới một bài thi được lấy ý tưởng từ cuốn sách Hoàng tử bé, độc giả Thuỳ Dương chia sẻ: “Trước khi nhìn thấy hoàng tử bé trong tác phẩm này, mình đã tự vẽ ra rất nhiều hình tượng của hoàng tử bé khi đọc sách. Thật thú vị khi tất cả những tưởng tượng và hy vọng của mình đã được hiện thực hoá bằng hình ảnh cụ thể.”
Bên cạnh những bài dự thi sử dụng chất liệu từ các cuốn sách văn học kinh điển, một số khác lại lựa chọn khai thác chủ đề từ những cuốn sách yêu thích của bản thân với nhiều thể loại đa dạng như trinh thám, tản văn, sci-fi…
Không chỉ phong phú về mặt ý tưởng các thí sinh còn thể hiện tài năng trong việc sử dụng công cụ thiết kế. Một số tác phẩm được kỳ công hoàn thành bằng phương pháp vẽ tay, một số khác sử dụng các thiết bị hiện đại như bảng vẽ, ipad, điện thoại thông minh… Điều này đã tạo nên sự đa dạng và những màu sắc rất riêng biệt cho cuộc thi.
Tên cuộc thi được lấy ý tưởng từ cuốn sách cùng tên của tác giả Lévai Balázs, và đây cũng chính là thông điệp mà ban tổ chức muốn gửi gắm: Thế giới là một cuốn sách mở, luôn có những điều thú vị để tìm kiếm và khai phá.
Tác phẩm đoạt giải nhất chọn minh họa lại một tình tiết trong truyện Peter Pan, tác giả Ngô Thị Linh Chi – cô học viên ngành thiết kế đồ họa của Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội – lấy ý tưởng từ hình tượng vào ban đêm của “thành phố” và “ô cửa sổ”.
“Có thể coi đây là hình ảnh mở đầu và kết thúc của cuốn truyện, khi đưa chị em nhà Darling rời thành phố và trở về. Đây là hình ảnh mang đến cho mình hai cảm xúc khác nhau đan xen giữa háo hức và sự tiếc nuối” – Linh Chi tâm sự.
Linh Chi cũng cho biết thêm cô vốn yêu thích công việc vẽ minh họa cho sách, nên trong tương lai hẳn sẽ còn gắn bó với lĩnh vực này.
Ngoài ba tác phẩm Peter Pan, Hoàng tử bé, Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh; cuộc thi còn nhiều sản phẩm thiết kế dựa trên các tác phẩm quen thuộc với bạn đọc, được ban tổ chức đánh giá cao về mặt thẩm mỹ và tính thực tiễn, như: Cuộc đời của Pi, Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Totto-chan bên cửa sổ, Chuyện tình núi Brokeback, Hóa thân, Ba chàng ngốc…