Trong bài viết giới thiệu các họa sĩ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng viết: “Đây là thời điểm thay đổi của hội họa Việt Nam để chuyển sang những thế hệ họa sĩ khác mới hơn, sinh sau chiến tranh, ít nhất từ năm 1975 đến những năm 1980, 1990… Nhiều nghệ sĩ trẻ đang theo đuổi ba loại hình nghệ thuật mới: sắp đặt, trình diễn và video art, với những ý tưởng xã hội có tính trực tiếp; hội họa chỉ còn là một phần của sáng tác và cũng thay đổi căn bản về thẩm mỹ mà người ta hay gắn với khái niệm Hậu hiện đại (Post-modernism)… Tuy vậy, do những vấn đề riêng của xã hội Việt Nam, khi mà đời sống dân chủ còn non yếu, đời sống văn hóa đang khủng hoảng và có chiều hướng đi xuống, thị trường nghệ thuật coi như không có hoặc rất nghiệp dư, phụ thuộc hoàn toàn vào người mua bên ngoài, thì mỗi nghệ sĩ phải tìm cách chọn chỗ đứng của mình trong xã hội… Tất cả các họa sĩ trên đã được biết đến trong vòng hai – ba mươi năm nay, họ không còn là thời sự nữa, và bản thân hội họa cũng không độc chiếm đời sống nghệ thuật Việt Nam như trước. Nhưng tất cả đã trở nên lão luyện, có khả năng biểu hiện theo chiều sâu và sự chấp nhận số phận như những người phương Đông thuần túy, mà mọi ràng buộc xã hội, gia đình không cho phép họ đến một sự tự do tuyệt đối trong nghệ thuật…”.
Trong số sáu tác giả, Thành Chương lớn tuổi nhất (sinh năm 1948), không chỉ nổi tiếng một thời là họa sĩ có tranh bán được nhiều nhất mà còn được biết đến với công trình Việt phủ Thành Chương, một bảo tàng mô hình về kiến trúc cổ đồng bằng Bắc bộ. Ba họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu (cùng sinh năm 1959) và Hồng Việt Dũng (sinh năm 1962) đều từng là thành viên của nhóm năm người “Gang of Five” của Hà Nội (1), đã sớm thành danh vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới, mở cửa nhờ ngôn ngữ hội họa của nhóm thoát khỏi những ràng buộc, những tín điều của nghệ thuật tạo hình thời chiến tranh và bao cấp, hướng tới những trào lưu nghệ thuật hiện đại, đặc biệt là khuynh hướng Biểu hiện trừu tượng kết hợp với văn hóa làng quê Bắc bộ. Riêng Hồng Việt Dũng chọn con đường riêng cho mình là phong cách hiện thực mơ mộng với những tranh phong cảnh lung linh, tan nhòe hình thể và hầu như không thay đổi cách vẽ này từ nhiều năm nay mà chỉ ngày càng hoàn thiện về mặt kỹ thuật, thủ pháp tạo hình.
Nhỏ tuổi hơn một chút là Đinh Quân (sinh năm 1964), cũng là thành viên của một nhóm năm họa sĩ khác của Hà Nội (2) đã gây được sự chú ý vào thập niên 1990 nhờ ngôn ngữ hội họa có cá tính, độc lập, đặc biệt là Đinh Quân với tranh sơn mài đương đại. Trẻ nhất trong sáu tác giả là Phạm An Hải (sinh năm 1967), được coi là “người vẽ tranh sơn dầu trừu tượng hấp dẫn nhất ở Hà Nội hiện nay, với sự hòa trộn tình cảm đơn giản mà sâu lắng trên bề mặt, thoạt tiên là những hình ảnh phố phường được khái quát như sơ đồ dẫn tới các cấu trúc trừu tượng, sau đó cứ thế vẽ tràn trên mặt phẳng với tâm tư và sự mạnh dạn kiểm soát được tất cả các sắc độ” như nhận định của Phan Cẩm Thượng.
Được biết, người điều hành hoạt động của gallery International Modern Art ở Houston, Texas là một phụ nữ Việt Nam.
(1) Hai thành viên còn lại là Phạm Quang Vinh hiện là Giám đốc NXB Kim Đồng và Trần Lương, hiện là một giám tuyển có uy tín về nghệ thuật đương đại Việt Nam, được biết đến ở nhiều nước trên thế giới
(2) Bốn thành viên khác là Nguyễn Quốc Hội, Trần Tuấn, Phạm Ngọc Minh, Trần Quang Huy
- Phạm Đán Bình