Có vẻ như người da đỏ ở Mỹ mới là “ông tổ” của hội họa trừu tượng thế kỷ XX, khi xem những hình kỷ hà được trang trí trên các vật dụng của họ.
Cho tới đầu thế kỷ XX các họa sĩ châu Âu và họa sĩ Mỹ gốc châu Âu vẫn chưa biết tới ngôn ngữ trừu tượng trong tác phẩm của họ, chỉ tới khi Piet Mondrian và Ilya Bolotowsky dùng màu sắc, đường nét và các hình kỷ hà để biểu đạt cảm xúc và tư duy của họ thì hội họa trừu tượng mới chính thức ra đời. Thế nhưng trước Mondrian cả thế kỷ, thổ dân da đỏ tại Mỹ đã vẽ những hình ảnh rất gần gũi với ngôn ngữ trừu tượng của hội họa hiện đại.
Tương tự, trước khi nhà thời trang Louis Vuitton cho ra đời những mẫu túi xách đẹp hoàn hảo thì cũng thổ dân da đỏ Mỹ đã là bậc thầy trong thiết kế các loại túi xách, túi đeo vai, được họ gọi là “parfleche”. Từ đầu thế kỷ XIX, những hình ảnh kỷ hà ngoạn mục đã được thổ dân tô điểm cho các parfleche, nhưng từ giữa thế kỷ XVIII các hình ảnh sinh động, tươi vui đó đã xuất hiện trong đời sống thổ dân Hoa Kỳ.
Gần đây, John Molloy – chủ nhân một gallery mang tên ông ở Manhattan (New York) đã tổ chức một cuộc triển lãm thú vị với tên gọi “Những hình kỷ hà” qua đó cho thấy hình ảnh trên các parfleche, được thổ dân da đỏ tại Mỹ tạo tác vào thế kỷ XIX rất thân thiết với tranh trừu tượng thế kỷ XX. Cho dù xuất phát điểm của hai phía là hoàn toàn khác nhau, thế nhưng các nghiên cứu khoa học từ sản phẩm thủ công của người da đỏ và từ tranh trừu tượng cho thấy cảm xúc nhận được từ não bộ người xem hai đối vật là có thể so sánh được.
Được vẽ theo kiểu truyền thống của phụ nữ trong các bộ lạc thổ dân da đỏ, các loại parfleche là dụng cụ hữu ích trong đời sống của họ, giúp họ chứa quần áo, lương thực và dược phẩm khi ngồi trên lưng ngựa. Cho tới ngày nay, parfleche vẫn được phụ nữ thổ dân làm để bán cho du khách đến Mỹ. Đã có cả một cuốn sách viết về chủ đề này của tác giả Gaylord Torrence, tựa Parfleche của người da đỏ Mỹ: một truyền thống của tranh trừu tượng (1994).
- Ngã Văn