Như một cách chia sẻ những bức xúc liên quan đến môi trường sinh thái đang bị hủy hoại ở nhiều địa phương trong nước, triển lãm mỹ thuật Phật giáo 2016 – Phật lịch 2560 – được tổ chức tại chùa Phổ Quang (64/3 đường Phổ Quang, P.2, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh đến yếu tố sống còn này của loài người.
Trên 120 bức tranh đã được trưng bày tại triển lãm “Phật giáo và môi trường”, với tác giả phần lớn là những khuôn mặt khá quen thuộc trong sinh hoạt hội họa của Sài Gòn hôm nay: Lê Xuân Chiểu, Nguyễn Trung Tín, Dương Sen, Nguyễn Đăng Khoát, Nguyễn Quang Vinh, Mai Anh Dũng, Siu Quý, Nguyễn Minh Phương, Hồ Minh Quân, Nguyễn Đạm Thủy, Đinh Công Khải, Phúc An, Như Hoa, Ngọc Trinh, Tuyết Giang, Phượng Hồng.
Mừng ngày lễ lớn của đạo Phật cũng là lúc Phật tử nhìn lại quá trình từ lúc Đức Phật đản sinh cho tới ngày nhập Niết bàn, đó là một đời sống luôn gắn bó, chan hòa với thiên nhiên và cỏ cây. Đức Phật ra đời dưới gốc cây vô ưu, thành đạo dưới cội bồ đề, thuyết pháp lần đầu tiên tại vườn Lộc uyển và nhập Niết bàn dưới hai cội sala đại thụ. Những lời dạy của Đức Phật về yêu quý sự sống và yêu quý môi trường thiên nhiên được ghi lại trong nhiều bộ kinh mà cho tới ngày nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị, nhất là trước những thảm họa môi trường mà con người đang phải gánh chịu ngày càng nặng nề hơn.
Tại triển lãm, nhiều tác phẩm thể hiện hình ảnh Đức Thế Tôn và các vị Bồ tát, chân dung Đạt Ma sư tổ… cùng những tranh đậm màu Thiền của nữ họa sĩ Đạm Thủy, một thành viên tích cực trong các hoạt động mỹ thuật Phật giáo những năm gần đây. Bên cạnh đó là những tranh phong cảnh đất nước ở mọi miền, được các họa sĩ ghi chép sau nhiều chuyến đi sáng tác, tất cả đều cho thấy vẻ đẹp của thiên nhiên và cảnh quan cần được bảo vệ, gìn giữ nghiêm nhặt. Nhiều vùng biển của Tổ quốc với những con tàu của ngư dân hiện diện trong tranh. Cũng không thiếu một chủ đề thời sự: cảnh đồng ruộng miền Tây Nam bộ nứt nẻ vì khô hạn và xâm nhập mặn (bức Mòn mỏi của Phúc An). Và rất nhiều tranh tĩnh vật hoa trái các loại, nhất là hoa sen. Nói như họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh thì với triển lãm này, một lần nữa “các nghệ sĩ đã mở tấm lòng bày tỏ tình yêu thiên nhiên” bởi chính thiên nhiên là nguồn cội của sáng tạo nghệ thuật. Triển lãm mỹ thuật “Phật giáo và môi trường” đã truyền tải một thông điệp: thiên nhiên hòa quyện với cuộc sống con người, con người cần phải sống cân bằng với thiên nhiên, sống cùng với thiên nhiên. Khi con người tàn phá không thương tiếc những khu rừng, những vùng biển vì lợi ích trước mắt, bất chấp hậu quả lâu dài thì những lời dạy về văn hóa ứng xử với thiên nhiên của Đức Phật càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, triển lãm còn giới thiệu khoảng 50 hiện vật có giá trị lịch sử, được tạo tác bằng nhiều chất liệu: đá, đồng, gốm, gỗ, có từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn (thế kỷ XI – thế kỷ XX) được mượn từ chùa Huê Nghiêm 1, chùa Bà Thiên Hậu, chùa Giác Viên, chùa Gò (Phụng Sơn Tự), Tổ đình Giác Lâm… và từ các bộ sưu tập của nhiều nhà sưu tầm cổ vật là hội viên của Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và bảo tồn cổ vật Việt Nam.