Tờ The Wall Street Journal vừa đăng bài bình luận cho rằng một trong những nguồn tài nguyên chủ yếu ở Biển Đông chính là cá. Vì thế phán quyết của tòa Trọng tài thường trực (PCA) có trụ sởở La Hay (Hà Lan) sẽảnh hưởng to lớn đến ngành ngư nghiệp của các nước trong vùng, đặc biệt là những nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, phán quyết của PCA sẽ dẫn đến việc gia tăng đánh bắt cá ở Biển Đông. Những nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc sẽ dựa theo phán quyết để đẩy mạnh khai thác các nguồn tài nguyên biển. Roger Baker, chuyên gia phân tích địa chính trị của hãng phân tích tình báo Stratfor (Mỹ) cho rằng phán quyết của PCA sẽ làm gia tăng số lượng tàu cá tại các vùng biển tranh chấp nhằm khẳng định chủ quyền. Còn Trung Quốc, một mặt bác bỏ phán quyết, mặt khác cũng có thể gia tăng đánh bắt cá như là một cách để tái khẳng định những đòi hỏi chủ quyền của mình.
Việc các nước gia tăng đánh bắt cá sẽ là một điều đáng quan ngại cho ngành ngư nghiệp, trong bối cảnh ngày càng có nhiều cảnh báo về nguy cơ nguồn cá ở Biển Đông đang trên đà suy giảm mạnh. Các nhà nghiên cứu ở Trường Đại học British Columbia ước tính lượng cá xuất khẩu ở Biển Đông từ khoảng 11% thập niên 1980 đã tăng lên thành 27% tổng lượng cá xuất khẩu toàn cầu vào năm 2011. Nghiên cứu này cũng cho thấy là nguồn cá ở Biển Đông trong vòng 20 năm tới có thể sẽ giảm mất đến 59%, nếu chính phủ các nước trong vùng không có biện pháp để ngăn chặn tình trạng đánh bắt quá mức.
Tuy nhiên, phán quyết của PCA là một cơ sở pháp lý rõ ràng để các bên dựa trên đó mà thương lượng về cách thức chia sẻ nguồn hải sản ở Biển Đông, thay vì cứ tiếp tục xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế của nhau.
Vấn đề là hiện nay, các nước trong vùng, đặc biệt là Trung Quốc, vẫn dùng các đội tàu cá như là một phương tiện để khẳng định chủ quyền trên các bãi cạn, các đá và các thực thể khác trên biển. Bắc Kinh còn khuyến khích ngư dân đi ngày càng nhiều vào các vùng biển đang tranh chấp, thậm chí tài trợ cho ngư dân mua tàu mới hoặc trang bị cho tàu những thiết bị tối tân hơn để trấn giữ các vùng đánh cá. Đội tàu cá vừa đông đảo, hung hăng vừa hiện đại của Trung Quốc ngày càng áp đảo đội tàu cá của Philippines, Đài Loan, Malaysia hay Brunei…
Ngay cả Indonesia, tuy không có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, cũng lo ngại vì thấy đội tàu cá của các nước tranh chấp đi vào đánh cá trái phép trong vùng biển của họ. Cho tới nay, Jakarta đã bắt giữ và đánh thuốc nổ hàng trăm tàu cá nước ngoài, mà đa số là tàu cá Trung Quốc, bị xem là đánh bắt trái phép trong vùng biển của Indonesia.
Về lâu dài, một số nhà phân tích cho rằng phán quyết của PCA có thể khuyến khích các nước trong khu vực hợp tác để bảo tồn nguồn cá ở Biển Đông. Timothy Heath, chuyên gia phân tích cấp cao của Rand Corp, cơ quan nghiên cứu phục vụ quân đội Mỹ, nhận định phán quyết của PCA có thể khuyến khích các nước quan tâm hơn đến việc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế của nước khác đồng thời mở đường cho việc tăng cường hợp tác quản lý nguồn cá.
Lê Quân (DNSGCT)