Dalida là ca sĩ hàng đầu của nước Pháp trong những năm 1960, biểu tượng một thời được nhiều khán giả yêu nhạc khắp thế giới mến mộ. Khoảng thời gian 54 năm có mặt trên cuộc đời của Dalida là sự đan xen giữa hào quang và bi kịch, để rồi cuối cùng bà tự tìm đến cái chết. Cuộc đời của Dalida đã được nữ đạo diễn Lisa Azuelos kể lại trong bộ phim Dalida (tựa tiếng Việt: Tôi là Dalida). Sức hấp dẫn của nhân vật khiến cho Lisa nói rằng đủ chất liệu để kể về cô diva này bằng một series phim truyền hình và muốn kể lại toàn bộ chứ không phải là một phần của cuộc đời Dalida. Tuy nhiên, vì thời lượng của bộ phim Lisa buộc phải cắt bỏ một vài sự kiện mà theo đạo diễn là khá quan trọng như là mối quan hệ giữa Dalida và cha mình để thấy cái nhìn của bà về đàn ông. Bộ phim Tôi là Dalida được Green Media nhập khẩu và phát hành ở Việt Nam từ ngày 12-5.
Mở đầu phim là những hình ảnh đi qua nhanh chóng, những âm thanh lộn xộn vì thông tin tự tử của Dalida trong khách sạn cô đang ở và kết phim bằng cái chết thật với dòng chữ cuối cùng cô để lại: “Tôi không thể chịu đựng cuộc sống thêm được nữa, hãy tha thứ cho tôi”. Cứu được Dalida sau lần tự tử bất thành, bác sĩ nói để điều trị tâm lý cho cô buộc ông phải tìm hiểu thật kỹ về cuộc đời của cô ca sĩ này. Từng người có liên quan được bác sĩ thăm hỏi và bộ phim được kể lại bằng những cảnh hồi tưởng của các nhân vật ấy. Nhiều sự kiện của cuộc đời Dalida đã được đề cập lần lượt trong bộ phim, từ khi cô còn là một cô bé “bốn mắt” học tiểu học ở Cairo cho đến khi cô nổi danh từ bản nhạc Bambino mà giám đốc điều hành đài Europe 1 Lucien Morisse mang đến cho cô, những bài hát để cô giữ khán giả lại bên mình cũng được biểu diễn và những người tình… Từng khoảnh khắc giữa tuổi thơ và khi trưởng thành, giữa đời sống âm nhạc dành cho công chúng và đời sống tình cảm cá nhân của Dalida trôi qua sống động trong hơn 120 phút của bộ phim.
Dalida là một nhân vật đặc biệt vì sự nghiệp và đời tư của cô đều hấp dẫn công chúng. Nếu hào quang trong sự nghiệp của cô bền vững cho đến ngày lìa đời thì những mối tình lại lướt qua chóng vánh và có những người đàn ông đã để lại cho cô nỗi ám ảnh. Lấy Lucien và thành danh từ bản nhạc Bambino, rồi lần lượt là những bài hát và những cuộc tình nổi tiếng khác với Jean Sobieski, Lugui Tenco, Richard Chanfray… Và không thể không kể đến người em trai Orlando luôn kề cận bên người chị gái nổi danh của mình.
Đạo diễn Lisa cũng đã khiến người xem sởn gai ốc vì cảm giác như đan xen giữa tiếng nhạc và ánh đèn sân khấu là tiếng súng và cái chết. Ba trong số những người đàn ông của Dalida tìm đến cái chết và trở thành nỗi ám ảnh cho cô. Bầu không khí cô hít thở vì đó mà cũng trở nên ngột ngạt hơn. Tài năng và sự thành công trong sự nghiệp của Dalida đã rõ ràng, điều mà bộ phim muốn khắc họa đậm nét hơn chính là cuộc sống cá nhân của cô. Qua mỗi cuộc tình của danh ca này, khán giả sẽ thấy rõ hơn cái nhìn của cô về cuộc sống và cũng rõ hơn về cái nhìn của người khác soi vào cô. Ngay từ đầu phim, Dalida đã tranh luận với Lugui về cuộc sống. Với cô, sống không phải là để đi dần về cái chết mà sống là để yêu. Các cuộc tình của Dalida nhanh chậm, đậm nhạt khác nhau, có cuộc tình trôi qua trong tiếc nuối (với Lucien Morisse) mà sau này Dalida thừa nhận rằng cô chia tay vì sự bốc đồng của tuổi trẻ, có cuộc tình trót mang thai mà cô cho rằng mình không thể giữ đứa bé bởi vì người làm bố còn quá trẻ để rồi cô vĩnh viễn mất đi khả năng làm mẹ sau lần phá thai thất bại… nhưng tất cả đều là những cảm xúc quý báu. Mỗi lần đi qua một cuộc tình là mỗi lần Dalida cảm thấy lòng mình trống vắng hơn nhưng kỳ lạ thay, lại càng rực rỡ trên sân khấu.
Mỗi thước phim trôi qua, khán giả sẽ thấy nội tâm phức tạp của Dalida. Lúc thì cô muốn trở thành một phụ nữ bình thường bình an bên gia đình và những đứa con, lúc thì ta sẽ cảm nhận rõ ràng không đâu khác, sân khấu kia mới chính là nơi dành cho cô. Danh vọng, nhan sắc, tiếng hò reo của khán giả gọi tên mình, những người đàn ông… nhiều thứ mà người khác mơ ước Dalida đều có. Vậy thì Dalida thấy thiếu hụt điều gì, cô muốn tìm kiếm thứ gì mà con tim cứ mải chênh vênh? Trong một lần đối thoại, bác sĩ tâm lý của Dalida nói rằng: “Cô trao hy vọng cho hàng nghìn người”, Dalida cay đắng: “Nhưng ai trao cho tôi?”. Khi Dalida muốn tìm đến sự bình yên thì vị thiền sư khuyên cô nên quay lại với âm nhạc bởi vì: “Đó là định mệnh của cô”. Chỉ khi còn cảm thấy đau đớn, thiếu hụt thì người nghệ sĩ mới còn cảm thấy khát khao và tỏa sáng trong ánh đèn sân khấu. Cô ca sĩ tài danh mang con tim chứa đựng những u sầu quay trở lại sân khấu để sống trong bầu không khí ngột ngạt mà thượng đế dành cho mình. Không còn cách lý giải nào tốt hơn – Dalida mang một định mệnh u sầu.
Khác với những bộ phim Pháp thường thấy, Tôi là Dalida được dựng với tiết tấu nhanh. Nhưng cũng vì giữ nhịp nhanh này mà đôi chỗ không giữ lại những điểm cần nhấn. Từ đầu đến cuối phim là một không khí buồn qua những góc máy quay đẹp. Hình ảnh nhà hát Olympia – nơi Dalida thành danh – được lặp đi lặp lại nhiều lần cùng với những giai điệu xuất phát từ khán phòng tỏa đi khắp nơi đem lại rất nhiều cảm xúc cho khán giả. Âm nhạc dĩ nhiên là điều không thể thiếu, gần như có đủ những bản nhạc nổi tiếng khắp thế giới, và cũng rất đỗi quen thuộc với khán giả Việt Nam nhiều thế hệ, của Dalida đều có trong phim như: Bambino, Histoire d’un amour, Paroles… Paroles…, Besame Mucho, Bang bang. Sveva Alviti – cô diễn viên người Ý sinh năm 1985 – đã thật sự làm nên một Dalida sống động trên màn ảnh. Cô thể hiện được sự rực sáng của Dalida trên sân khấu, dù vừa mới đó cô ca sĩ có cãi nhau với người yêu hay nước mắt dàn dụa… Ai mà ngờ, trước đó cô chưa là diễn viên, chưa hề biết nhiều về cuộc đời danh ca Dalida, không biết hát và cũng không biết tiếng Pháp. Sveva chia sẻ sau những lần được người em trai – cũng là nhà đồng sản xuất bộ phim này – nói thêm về cuộc đời, tính cách và thói quen của người chị gái mình thì cô thấy niềm cảm thông sâu sắc.
Bộ phim làm sống dậy hình tượng âm nhạc Dalida một thời để khán giả được quay lại với những kỷ niệm, được đắm chìm trong những bản ballad buồn. Xem phim, chúng ta sẽ thẫn thờ đặt câu hỏi: Thế nào mới là hạnh phúc? Một cuộc đời bình lặng hay sống trọn vẹn với từng cảm xúc nồng nhiệt của con tim? Ranh giới giữa hạnh phúc và không hạnh phúc sao mong manh quá. Chúng ta cũng nhận ra rằng, thượng đế ban cho con người những số phận không giống nhau và có những người được sinh ra không phải để sống cuộc đời thanh nhàn.
- Lâm Hạnh, Ảnh Green Media cung cấp
Xem thêm: