Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết trạm không gian “ngoài tầm kiểm soát” của Trung Quốc có thể rơi trở lại Trái đất chậm hơn dự báo và thời điểm có thể là vào rạng sáng 2-4.
Thời điểm rơi và địa điểm rơi của trạm không gian Thiên Cung 1 (Tiangong-1) của Trung Quốc vẫn khiến các nhà khoa học bối rối dù nó đã đi vào bầu khí quyển.
Trong thông báo cập nhật ngày 31-3, cơ quan ESA đang theo dõi trạm Thiên Cung 1 (Cung điện của trời) dự báo trạm không gian mất kiểm soát của Trung Quốc sẽ đi vào khí quyển Trái đất vào khoảng 6h25 sáng 2-4 (theo giờ VN).
Trước đó ESA dự báo thời gian rơi xuống Trái đất của Thiên Cung 1 khá rộng: từ giữa ngày 31-3 đến chiều 1-4 theo giờ GMT (giờ Việt Nam cộng thêm 7 tiếng).
Theo ESA, điều kiện thời tiết không gian hiện “bình ổn hơn” do dòng di chuyển tốc độ cao của các phân tử năng lượng Mặt trời không làm tăng mật độ phân tử này ở tầng cao của khí quyển. Sự gia tăng mật độ các phân tử năng lượng Mặt trời sẽ kéo trạm không gian về Trái đất sớm hơn.
Nhưng ESA cho biết không thể chắc chắn về việc các mảnh vỡ của trạm không gian hỏng hóc trên sẽ rơi xuống đâu trên Trái đất.
Ở quỹ đạo cao hơn 200km và với vận tốc gần 8.000km/s (tức gần 29 triệu km/h), Thiên Cung 1 sẽ mất dần vận tốc trước khi chạm vào bầu khí quyển bao quanh Trái đất ở cao độ khoảng 100km.
Theo đánh giá của các chuyên gia tại Trung tâm quốc gia Nghiên cứu không gian (Cnes) của Pháp, cú lao vào khí quyển sẽ mất khoảng 20 – 30 phút, với vận tốc khoảng 300km/h.
“Trạm Thiên Cung sẽ bị đốt cháy, vỡ tung tóe ra. Dự kiến có 10 – 20% phần thể tích của trạm này sẽ không bị đốt cháy kịp và rơi xuống bề mặt địa cầu, nhưng cũng cần nhớ rằng 70% mặt địa cầu của chúng ta là nước”, chuyên gia Christophe Bonnal nhấn mạnh.
Tuy nhiên nhìn chung tất cả mọi người đều cảm thấy lo lắng trước “sao quả tạ” từ trên trời rơi xuống mà không biết nó xuống đâu và chính xác là vào lúc nào.
Phòng kỹ thuật không gian có người lái Trung Quốc (CMSEO) cho biết trạm Thiên Cung 1 nặng 8 tấn, có thể không gây hậu quả gì khi trở lại Trái đất, và việc nó bốc cháy, vỡ tung sẽ tạo ra một cảnh “ngoạn mục” cho các nhà quan sát thời tiết giống như mưa sao băng.
CMSEO cho rằng “mọi người không nên quá lo lắng vì nó sẽ không tấn công dữ dội xuống Trái đất như trong phim viễn tưởng” và khả năng con người có thể bị trúng mảnh vỡ to hơn 200gram “tung tóe” từ trạm Thiên Cung chỉ là 1/700 triệu.
Ông Christophe Bonnal – chuyên gia về mảnh vỡ không gian của Trung tâm quốc gia Nghiên cứu không gian (Cnes) của Pháp- cho biết trong danh sách các vật thể không gian có thể gây nguy hiểm cho địa cầu, Thiên Cung 1 chỉ đứng ở vị trí 60 -70.
Theo ông, khi nói đến chữ trạm không gian thì người ta thường nghĩ đến Trạm không gian quốc tế (ISS) quy mô mỗi bề 100m và nặng đến 400 tấn nhưng Thiên Cung thì nhỏ hơn nhiều và phần cánh tấm năng lượng mặt trời của nó cũng chỉ rộng ra đến 18,4m.
Trạm Thiên Cung 1 đã được đưa lên quỹ đạo từ tháng 9-2011 và lẽ ra sẽ được điều hướng rơi về đại dương trên địa cầu nhưng sau đó Trung Quốc đã mất kiểm soát đối với trạm không gian này từ tháng 3-2016.
Tháng 3-2016, Thiên Cung 1 đã ngừng hoạt động và kể từ đó bắt đầu rơi tự do vì lực hút Trái đất. Sự trở về này cũng không thể kiểm soát vì các đội điều khiển mặt đất không thể ra lệnh cho nổ tung trạm này hay thay đổi quỹ đạo của nó.
Phát biểu với báo giới ngày 30-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết nước này sẽ phối hợp với Văn phòng Các vấn đề ngoài không gian của LHQ để theo dõi quá trình “trở về nhà” của Thiên Cung 1.
Bắc Kinh coi chương trình không gian trị giá hàng tỉ USD này là biểu tượng cho sự nổi lên về kinh tế của Trung Quốc.
Trạm không gian Thiên Cung 2 đã được đưa lên quỹ đạo hồi tháng 9-2011, trong nỗ lực nhằm đạt mục tiêu có một trạm không gian có người lái riêng của Trung Quốc vào năm 2022.
Bắc Kinh cũng có dự định đưa một tàu không gian có người lái lên Mặt Trăng trong tương lai.
Cho đến nay, Trạm không gian MIR của Nga nặng 120 tấn là vật thể không gian lớn nhất do con người tạo ra rơi xuống bầu khí quyển (vào cuối tháng 3-2001).