Trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới, chúng ta đã dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và cũng đã ghi nhận những đóng góp to lớn của các doanh nghiệp này cho nền kinh tế nhiều năm qua. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy doanh nghiệp FDI đóng góp 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 55% giá trị sản lượng công nghiệp, 70% kim ngạch xuất khẩu, 18% tổng thu ngân sách, 20% GDP. Ngoài ra doanh nghiệp FDI còn tạo công ăn việc làm cho 3,7 triệu lao động. Nhưng bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp này cũng có những tiêu cực như lách luật, trốn thuế, chuyển giá mà luật pháp chưa có những chế tài hiệu quả để tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước, làm méo mó môi trường đầu tư.
Gần đây lại phát sinh tình trạng doanh nghiệp FDI “trốn nợ” bỏ về nước đặt ra bài toán khó khăn cho các cơ quan quản lý của nhà nước. Sự việc cụ thể xảy ra tại khu Công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai khi ban lãnh đạo Công ty Texwell Vina đã bỏ trốn để lại khoản nợ bảo hiểm xã hội lên đến 17 tỉ đồng và hơn 13 tỉ đồng lương phải trả cho công nhân. Trước tình hình công nhân không có tiền ăn tết, tỉnh Đồng Nai phải tạm ứng 7 tỉ đồng từ ngân sách để hỗ trợ 50% lương cho gần 2.000 công nhân. Trong khi đó Liên đoàn lao động tỉnh đang chuẩn bị thủ tục khởi kiện công ty này. Làm ăn thất bại rồi bỏ trốn đó là chuyện dễ dàng, tại sao vậy? Trước tiên là do sự tắc trách của cơ quan chức năng trong việc quản lý doanh nghiệp, thái độ của doanh nghiệp coi thường luật pháp đất nước họ đến đầu tư cũng như thiếu đạo đức đối với người lao động. Các doanh nghiệp này thường thuê nhà xưởng, có trường hợp thuê cả máy móc, tức không đầu tư cơ sở vật chất nên dễ dàng trốn chạy khi làm ăn thất bại, bất chấp để lại hệ lụy cho nhiều người, nhiều cơ quan.
Trường hợp doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người” đã xảy ra gần 10 năm nay, nhưng chúng ta vẫn chưa có quy định cụ thể, chưa có cơ chế giải quyết đến nơi đến chốn mà chỉ trông chờ vào sự hợp tác của doanh nghiệp khác như nhận công nhân đang thất nghiệp vào làm việc tạm thời, sự can thiệp của công đoàn…
Thật ra, các quy định liên quan đến lao động đã được quy định rõ ràng trong đó công đoàn có vai trò giám sát. Người lao động khi bị nợ lương thì phải báo với công đoàn, khi phát hiện doanh nghiệp không đóng bảo hiểm cho người lao động thì cơ quan bảo hiểm phải áp dụng biện pháp chế tài ngay.
Cũng phải nói Luật đầu tư của chúng ta còn một số kẽ hở như quy định bảo đảm tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hay tịch thu bằng biện pháp hành chính, mà không đặt ra bất cứ ngoại lệ nào kể cả việc nhà đầu tư vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc bỏ trốn khi không hoàn thành nghĩa vụ thuế hay nợ lương công nhân. Trong khi đó việc kết nối trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý về tài chính, lao động tại các khu công nghiệp vẫn chưa có quy định chặt chẽ là điều mà các doanh nghiệp FDI lợi dụng lâu nay.