Năm 1965, khi vừa giành độc lập, thành phố đảo quốc Singapore có mức thu nhập bình quân đầu người/năm (GDP per capita) là 510 USD, lúc đó thu nhập bình quân đầu người của Sài Gòn ước tính 500 USD, dân số của cả hai thành phố là tương đương (khoảng 2 triệu người). Đến năm 1975, thu nhập bình quân của người dân Singapore là 2.557 USD. Trong 10 năm, GDP per capita của Singapore tăng năm lần. Năm 2005, thu nhập bình quân đầu người của người dân Thành phố Hồ Chí Minh ước lượng 2.500 USD, ngang với mức thu nhập bình quân của Singapore vào năm 1975.
Như vậy, người dân Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh phải mất 40 năm (từ 1965 đến 2005) mới đi đến cột mốc thu nhập mà người dân Singapore đi trong 10 năm. Vào năm 2015, GDP per capita của Thành phố Hồ Chí Minh ước tính 6.000 USD, ngang với Singapore năm 1982, và chỉ bằng 12% của GDP per capita Singapore 2015 (53.200 USD). Gạt ra ngoài tác động của những yếu tố bất thường khác như chiến tranh, sự cấm vận và cô lập kinh tế mà Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam phải gánh chịu, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cách biệt thu nhập này.
Thứ nhất, Singapore kiểm soát tăng trưởng dân số tốt hơn và sử dụng hiệu quả hơn nguồn nhân lực: trong 50 năm, dân số Singapore tăng từ 2 triệu lên 5,3 triệu người, trong đó công dân Singapore chỉ có 3,4 triệu người, năng suất lao động vào hàng cao nhất thế giới. Cũng trong thời gian đó dân số của Thành phố Hồ Chí Minh tăng đến 8 triệu người, năng suất lao động vào hàng thấp nhất so với các thành phố lớn khác của châu Á. Theo một tính toán, năng suất lao động của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ bằng 1/5 của Singapore, trong khi năng suất lao động của Việt Nam nói chung chỉ bằng 1/15 Singapore.
Thứ hai, Singapore thực hiện tốc độ tăng trưởng tốt hơn: sau 50 năm, GDP per capita của Singapore tăng gấp 100 lần, còn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng có 12 lần. Dựa trên số thống kê vừa qua, tính ra, Thành phố Hồ Chí Minh tụt hậu 33 năm so với Singapore (1982-2015). Tuy nhiên, nếu Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân 8%/năm, như mục tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2016 và có thể những năm tiếp theo, cứ sau mỗi thập niên mức thu nhập GDP per capita của người dân thành phố sẽ tăng gấp đôi. Kết quả là phải sau 31 năm, vào năm 2046, GDP per capita của Thành phố Hồ Chí Minh mới bằng được với Singapore hiện nay. Khoảng cách hầu như không thể rút ngắn với tốc độ tăng trưởng 8%.
Tăng trưởng kinh tế nhanh ở những thành phố đông dân không phải là điều bất khả thi. Trong vài thập niên trở lại đây, thế giới đã chứng kiến những thành phố đông dân (trên 10 triệu dân) ở Đông Á tăng trưởng với tốc độ 20 – 30% liên tục trong nhiều năm như Tokyo, Hongkong, Quảng Châu, Thượng Hải, Bangkok… Nếu muốn rút ngắn khoảng cách với thiên hạ, Thành phố Hồ Chí Minh phải có tốc độ tăng trưởng rất nhanh.
Nhưng tăng trưởng nhanh trong điều kiện hiện nay, không phải là một thế mạnh của thành phố và của nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng nhanh đòi hỏi một chiến lược sung dụng cực kỳ hiệu quả, trong nhiều năm liên tục, các yếu tố nội lực và ngoại lực của nền kinh tế, điều mà nước ta chưa hề có. Nếu thực trạng này chưa thay đổi, trong nửa thế kỷ tới, Thành phố Hồ Chí Minh không thể đứng nhất về tốc độ tăng trưởng GDP và GDP per capita của vùng Đông Á.
Nếu muốn chuẩn bị cho mục tiêu này, bắt đầu từ ngày hôm nay, phải sử dụng tối ưu một quỹ thời gian 20 năm – bằng phân nửa thời gian mà chúng ta đã lãng phí trước nay – để xây dựng nền móng vững chắc cho cuộc đua nước rút sau này, một cuộc đua mà chúng ta phải chạy với tốc độ tăng trưởng mỗi năm 20 – 30% GDP. Những nhà lãnh đạo thế hệ mới của thành phố phải dám nhận trách nhiệm trước lịch sử, phải có tầm nhìn xa, một tầm nhìn vì lợi ích quốc gia dân tộc, không bị hạn chế bởi thời hạn nhiệm kỳ, hay những lợi ích ngắn hạn tầm thường khác, mới có thể làm được điều này.
Một nhà văn đã nhận xét rất có ý nghĩa: “Đô thị không phải là di tích. Nó là một cơ thể sống”. Đúng vậy, mỗi thành phố có cuộc sống và cách ứng xử như một con người. Một người có thể chưa giàu, nhưng chắc chắn có thể sống đàng hoàng, tử tế. Thành phố Hồ Chí Minh không cần phải phồn hoa tráng lệ để có thể là một thành phố văn minh, sạch sẽ và thân thiện. Con đường làm giàu còn xa, nhưng con đường mang đến cho Thành phố Hồ Chí Minh một vị trí xứng đáng ở Đông Á về sạch sẽ, thân thiện và văn minh là con đường có thể đi ngay được.
Điều quan trọng là phải dám hành động và hành động đúng. Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng bày tỏ: “Tôi muốn trong thời gian tới, thay vì đưa ra các khẩu hiệu to tát, hãy xây dựng từng nội dung hành động chi tiết cho mỗi mục tiêu cụ thể”. Thật vậy, hàng ngàn tấm bích chương mang hình thiếu nữ Việt Nam xinh đẹp với nụ cười rạng rỡ tươi tắn không thể làm cho thành phố trở nên thân thiện hơn trong mắt người dân, nhà doanh nghiệp, khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài bằng nụ cười cởi mở, hành động giúp đỡ chân thành, thái độ tử tế của anh cảnh sát giao thông, người cán bộ xuất nhập cảnh, nhân viên hải quan hay viên chức cấp phép tại các cơ quan Nhà nước.
Trong bao lâu, thành phố của chúng ta sẽ không còn tình trạng vứt rác hay chất thải ra đường, xuống cống rãnh hay ra sông, vì người dân, doanh nghiệp ý thức rằng đường phố, cống rãnh, sông rạch là ngôi nhà của chính họ, là môi trường sống của họ và con cháu họ. Trong bao lâu sẽ không còn tình trạng vượt đèn đỏ, không còn tình trạng kẹt xe, vì những người lái xe biết nhường nhịn nhau, họ ý thức rằng tôn trọng luật đi đường chính là tự trọng. Đường phố trật tự, an toàn, sạch sẽ, không bị ngập úng, không bị ô nhiễm khói bụi, không trộm cướp, người ăn xin, không ẩu đả, chửi tục.
Khi ra đường, mọi người vui vẻ chào nhau với nụ cười trên môi, sẵn lòng giúp đỡ trẻ em, người già, biết xếp hàng không chen lấn, biết cúi chào khi có đám tang đi qua… Không còn tình trạng hút thuốc nơi công cộng, lái xe khi say xỉn… Hàng quán vệ sinh, sạch sẽ, không còn thực phẩm bẩn. Mọi doanh nghiệp, mọi công dân đều vui vẻ đóng thuế đầy đủ, ý thức rằng việc nộp thuế chính là quyền lợi – không chỉ là nghĩa vụ – của họ. Không còn tình trạng trốn thuế hay thỏa hiệp chia chác tiền thuế với cán bộ thu thuế.
Doanh nghiệp và người dân tin tưởng rằng thành phố này sẽ sử dụng tốt nhất những đồng thuế đó cho lợi ích của họ ngày hôm nay và con cháu họ trong tương lai. Các công chức, những nhà kỹ trị của thành phố, trong hệ thống hành chính “một dấu một cửa”, vui vẻ cầm hồ sơ xin giấy phép của một doanh nghiệp đi qua các cửa công quyền khác để lấy giấy phép và giao lại cho doanh nghiệp trong thời gian nhanh nhất mà không nhận tiền bồi dưỡng.
Họ ý thức rằng lợi ích của doanh nghiệp chính là lợi ích của mình, doanh nghiệp đóng thuế cho Nhà nước để trả lương cho họ và nếu doanh nghiệp hoạt động tốt sẽ giúp cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, tạo ra công ăn việc làm với thu nhập cao hơn cho nhiều người, trong đó có con cháu của họ… Những điều rất nhỏ bé và đời thường đó, nếu xảy ra tại thành phố này bây giờ, sẽ được xem như một phép lạ.
Phép lạ thật ra có thể xuất hiện từ một hành động hợp lý thực hiện một tư duy hợp lý. Một thành phố văn minh, sạch sẽ và thân thiện cần có những công dân tốt. Để có những công dân tốt, phải xây dựng một hạ tầng tri thức và đạo đức tốt. Hệ thống giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp, truyền thông của Thành phố Hồ chí Minh phải nhận trách nhiệm này. Những công dân tốt là người con ngoan, người mẹ hiền, người vợ đảm đang, người chồng, người cha tốt, người thầy trách nhiệm, người thợ giỏi có năng suất lao động cao, nhà doanh nghiệp chân chính làm ăn có hiệu quả, viên chức tài năng, liêm chính trong một bộ máy hành chính năng động, trong sạch, nhà lãnh đạo chính trị có tài có đức, dám nghỉ đúng và làm đúng vì lợi ích chung của đất nước, dân tộc.
Một hạ tầng tri thức và đạo đức hướng đến việc đào tạo những công dân đàng hoàng, tử tế, có khí phách, có lòng yêu nước, biết tự trọng, chính là nền móng vững chắc cho phát triển như đã nói trên. Nó không chỉ sớm mang lại cho Thành phố Hồ Chí Minh vị trí một thành phố đáng sống nhất mà mai sau còn giúp thành phố trở nên giàu đẹp, tăng trưởng nhanh và bền vững, xứng đáng là một viên ngọc rực rỡ của vùng châu Á – Thái Bình Dương.
(Tháng 4-2016)