Tượng chú khuyển đã có mặt trong cuộc sống của con người từ thời cổ đại cả phương Đông lẫn phương Tây. Trong các nền văn minh lâu đời như Trung Hoa, Ấn Độ, Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, đều có hình ảnh chú khuyển được khắc họa bằng đá, bằng đồng. Là loài gia súc đầu tiên và quen thuộc nhất, chó còn đóng vai trò quan trọng trong nhiều hình thái tôn giáo sơ khai của con người, thể hiện qua tượng của chúng được thờ phượng, cúng bái… Bên cạnh đó, bởi chó còn được coi là người bạn thân thiết của con người nên chúng được tạc tượng, đúc tượng dựng, đặt tại các công viên, quảng trường hay trên đường phố và trước các công trình kiến trúc ở rất nhiều nơi trên thế giới.
Ở Việt Nam thời trước, chó đá là hình ảnh rất gần gũi ở nông thôn miền Bắc, rõ nét nhất là các địa phương ở Hà Nội và các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… Chó đá được đặt ở cổng làng như một biểu tượng ngăn chặn cái ác, cái xấu xâm nhập hay chôn chân trước cổng nhà như một linh vật để cầu phúc, trừ tà. Dân làng Địch Vĩ (Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội) còn thờ chó đá như một vị thần và gọi là quan lớn Hoàng Thạch. Nhiều di tích lịch sử – kiến trúc hiện còn lưu giữ được những tượng chó đá như phủ thờ quận công Nguyễn Ngọc Trì ở làng Hát Môn, xã Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội); đình làng Phù Trung (Thượng Mỗ, Đan Phượng), chó đá trong đình được người dân tôn kính gọi là thần cẩu hay Hoàng Thạch cẩu. Tượng chó đá còn thấy ở chùa Thầy, ở cổng làng Ước Lễ (Thanh Oai, Hà Nội), ở đình Bảng (Bắc Ninh)… Lại có những đàn chó đá đông đúc vài trăm con ở khu nhà sàn của họa sĩ, nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Đức trên đường Bưởi, và tại Việt phủ Thành Chương ở xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cũng cơ man nào là chó đá đủ các hình thù và đầy biểu cảm. Trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, phần dư địa chí ghi chép về trấn Thanh Hóa viết rằng “Nghi môn ở điện Lam Kinh có hai con chó đá rất thiêng”.
Trên bán đảo Lôi Châu – một trong ba bán đảo lớn nhất của Trung Quốc – nằm ở cực Nam của tỉnh Quảng Đông, cách đảo Hải Nam 30km từ ngàn xưa có tục thờ chó đá. Nguyên nhân: thuở ấy trên vùng đất hoang vu, rừng rậm dày đặc này có rất ít cư dân sinh sống, trẻ con sinh ra rất khó nuôi vì điều kiện tự nhiên hết sức khắc nghiệt. Trong khi đó, loài chó lại sinh sôi ngày càng đông nên trong dân gian nảy sinh tục lệ thờ thần Chó với mong ước sẽ sinh con, nuôi dạy chúng dễ dàng. Chó được tạc tượng để thờ cúng như linh vật trong nhiều thế kỷ đến tận ngày nay. Có thể thấy tượng chó đá ở các thị trấn ven biển như Trạm Giang, Liêm Giang, Ngô Xuyên cũng như ở thủ phủ Lôi Châu và khắp các làng quê, trên các con đường dọc ngang bán đảo. Những tượng chó đá đã góp phần đáng kể thu hút khách du lịch từ khắp nơi đến vùng đất này. Có thể nói tượng chó đá là một hình thức nghệ thuật và văn hóa dân gian đặc sắc của bán đảo Lôi Châu, hiếm thấy ở nơi nào khác tại Trung Quốc cũng như các nước trên thế giới. Theo một thống kê chưa đầy đủ, có đến trên 1 triệu tượng chó đá ở bán đảo Lôi Châu, còn trong Bảo tàng Lôi Châu có khoảng 500 tượng được trưng bày, trong đó có tượng cổ xưa nhất được tạc từ đời nhà Chu, nhà Hán, gần nhất là vào đời nhà Thanh.
Nếu tượng chó ở phương Đông thường mang yếu tố tâm linh thì ở các nước phương Tây rất dễ nhận thấy hình ảnh chú chó được tạc tượng với dáng vẻ hiền lành, thân thiện, đáng yêu. Trong Công viên Trung tâm (Central Park) ở TP. New York có tượng chú chó Balto nổi tiếng, được du khách, nhất là trẻ em rất ưa thích khi đến đây. Balto là một con chó anh dũng, đã cứu sống được nhiều người. Năm 1915 tại Nome, Alaska bùng nổ dịch bạch hầu trong khi địa phương không có đủ huyết thanh miễn dịch để tiêm cho người bệnh. Nhờ những chú chó kéo xe trượt tuyết vượt qua quãng đường dài gần 1.100km và những cơn bão tuyết dữ dội khiến nhiệt độ xuống tới -40 độ C, nhân viên y tế đã mang thuốc về kịp giúp hàng trăm người thoát chết. Balto, chú chó kéo xe vạm vỡ, khỏe mạnh là một trong những “nhân vật” chính của câu chuyện lịch sử này. Để ghi nhận công lao của Balto, chính quyền New York đã đặt nhà điêu khắc Frederick George Richard Roth tạc tượng Balto đứng trên một tảng đá, dáng thật sinh động, hùng dũng. Trẻ em khi vào Công viên Trung tâm thường leo lên tượng Balto đùa nghịch như thể chú chó vẫn đang sống và chơi đùa với chúng.
Nếu có dịp đi ngang khu mua sắm và giải trí nổi tiếng Shibuya ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, người ta thường chụp ảnh với tượng chú chó Hachiko bởi câu chuyện vô cùng cảm động giữa Hachiko với người chủ là giáo sư Ueno Hidesaburo vốn rất phổ biến ở nước Nhật. Hằng ngày, mỗi sáng Hachiko luôn theo ông đến ga tàu điện ngầm Shibuya khi vị giáo sư đến Đại học Tokyo dạy học, rồi chiều đến lại ra ga đón ông về. Một ngày kia, giáo sư Ueno đột ngột qua đời và mãi mãi không trở về ga Shibuya, thế nhưng Hachiko vẫn ra ga đợi chủ cho đến khi trời tối và cứ như thế suốt hơn 10 năm cho đến khi chú già yếu, không còn đủ sức để đi. Ngoài bức tượng đồng do nhà điêu khắc Ando Teru thực hiện, được đặt ở Shibuya, người ta còn dựng tượng Hachiko ở khu Tohoru thuộc quận Akita của Tokyo và một bức tượng chú khuyển trung thành với chủ trong khuôn viên Đại học Tokyo.
Tương tự, ở nghĩa trang Greyfriars thành phố Edinburgh, Scotland có tượng đồng một con chó giống terrier (chó săn loại nhỏ) tên là Bobby; chú khuyển này đã nằm bên mộ chủ là một viên cảnh sát suốt 14 năm sau khi ông mất vào năm 1858. Năm 1872, khi Bobby qua đời, chú được dựng tượng. Đã có hai bộ phim và nhiều cuốn sách viết về Bobby. Hiện dây xích cổ và cái chén đựng thức ăn của Bobby được lưu giữ trong Bảo tàng Edinburgh.
Còn tại Đại học Thú y ở Budapest, Hungary có một quần thể gồm tám bức tượng chó bằng đồng, thể hiện các giống chó truyền thống của nước này, gồm chó săn nòi, chó chăn gia súc, chó nuôi làm cảnh, chó cưng… Đây là tổ hợp tác phẩm của nhà điêu khắc tài danh Gábor Benő Pogány, tất cả đều có kích thước như chó thật ngoài đời. Một bầy chó bằng đồng có kích thước y như thật, với nhiều giống khác nhau cũng được đặt trước quảng trường nhà thờ chính tòa Las Palmas trên đảo Canary của Tây Ban Nha. Những tượng chó tô điểm thêm cho vẻ đẹp của khu quảng trường và kiến trúc tuyệt mỹ của ngôi giáo đường được xây dựng từ đầu thế kỷ XVI. Trong khi đó, một chú chó lai giữa hai giống chó săn fox terrier và bull terrier được chọn làm biểu tượng cho hãng ghi âm RCA Records (tên gốc là The Victor Talking Machine Company, sau đổi thành RCA Victor), một trong những nhãn hiệu hàng đầu của Công ty Sony Music Entertainment. Tượng chú chó này có chiều cao 7,62m, nặng 4.000kg, được làm bằng sợi thủy tinh với cốt thép bên trong và đặt trên nóc tòa nhà trụ sở của RCA Records ở Albany, New York. Đây có lẽ là tượng chó lớn nhất thế giới.
Cũng khổng lồ không kém là bức tượng chú chó labrador lông đen cao 8,54m đang ghếch một chân trên nóc Bảo tàng Mỹ thuật Quận Cam (Newport Beach, California) và… tè vào bức tường mặt tiền bảo tàng một tia sơn màu vàng. Được làm bằng sợi thủy tinh và chất liệu tổng hợp, đây là tác phẩm điêu khắc đương đại của nghệ sĩ Richard Jackson, với tên gọi Chó xấu xí (Bad dog). Dù mục đích của nhà điêu khắc kỳ cựu Richard Jackson chỉ nhằm gây cười cho công chúng, song hình ảnh này cũng đã gây ra những phản ứng tiêu cực từ nhiều khách tham quan, nhất là cư dân vùng Quận Cam. Dù vậy, khi được trưng bày vào năm 2013, Bad dog đã lôi cuốn những đám đông người xem trong nhiều ngày trước khi nó được đưa đi triển lãm ở nhiều nước châu Âu.
Còn rất nhiều tượng chú khuyển được đặt tại các địa điểm công cộng ở nhiều quốc gia hay trước những công trình kiến trúc cổ điển cũng như đương đại. Chúng luôn đem đến cho con người những cảm xúc ấm áp khi tiếp cận, thứ xúc cảm mà không có tượng loài vật nào khác có thể đem lại.
Tượng chó bằng đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn (ảnh 16)
Văn hóa Đông Sơn là một nền văn hóa cổ thuộc thời kỳ đồ đồng và thời kỳ đồ sắt sớm, từng tồn tại ở một số tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ Việt Nam (Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mà trung tâm là khu vực đền Hùng ở Phú Thọ), cùng với ba con sông lớn và chính của Đồng bằng Bắc bộ (sông Hồng, sông Mã, sông Lam).
Nền văn hóa này được đặt tên theo địa phương nơi các dấu tích đầu tiên của nó được phát hiện gần sông Mã, Thanh Hóa. Hiện vật nổi tiếng nhất của nền văn hóa Đông Sơn là trống đồng. Tượng chó bằng đồng hiếm hoi này có niên đại thứ 4 trước Công nguyên, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Honolulu (bang Hawaii, Mỹ).
- Bài viết đăng trên giai phẩm Nội Thất Tết Mậu Tuất 2018 số 269 – 270 , phát hành ngày 1.2.