Trong một ngày cuối tuần thảnh thơi hiếm hoi, Paul Nguyễn – Tổng giám đốc Manulife Việt Nam – đã có mặt tại “cà phê chim” ở công viên Tao Đàn từ rất sớm. Vừa nhâm nhi ly cà phê đá, anh vừa ngắm hai con chim vành khuyên của mình đang hót cùng những con chim khác trên cao. Khác với trang phục vest chỉn chu nơi văn phòng, anh trông gần gũi và thoải mái trong trang phục quần jeans và áo thun đơn giản. Thấy bà lão bán vé số đi đến, anh dừng câu chuyện với những người bạn trong hội chơi chim để mua giúp rồi tặng lại cho người bán. Anh nói: “Tôi mua để giúp đỡ những người lớn tuổi vẫn còn phải bươn chải mưu sinh. Mẹ tôi vẫn bảo tôi có lòng thương người. Lúc mới hơn mười tuổi, tôi đã lén lấy tiền của mẹ để giúp người nghèo…”.
Không thích cuộc sống nhàn rỗi
Ở văn phòng, Paul Nguyễn được biết đến là một người “nghiện việc”, thường làm việc đến quên nghỉ ngơi. “Tôi là người không chịu được cảm giác nhàn rỗi. Làm việc là đam mê của tôi, cũng là thói quen từ những ngày còn nhỏ. Lúc ở Canada, có thời điểm tôi được tuyển dụng vào một vị trí “việc nhẹ lương cao”, thậm chí gần như ngủ gục trên bàn làm việc mỗi ngày. Tôi không chịu nổi sự nhàn nhã đó nên quyết định chuyển việc rất nhanh”, anh kể. Đến nay, Paul vẫn hay làm việc luôn tay luôn chân, đầu óc lúc nào cũng trong trạng thái suy nghĩ. Thậm chí ngày cuối tuần rảnh rỗi, anh cũng chạy ra chạy vào, xem cái này, sửa cái kia, nếu không tiếp tục làm việc trên máy tính.
Từ nhỏ, cả ba anh em Paul Nguyễn đều phải vừa học vừa làm dù gia đình tương đối khá giả. Ba mẹ anh rất nghiêm khắc, luôn bắt các con phải cố gắng học giỏi, đặc biệt là tiếng Pháp. Ngoài giờ học, Paul và các em cũng phải làm việc nghiêm túc để phụ giúp gia đình. Paul phụ mẹ buôn bán ở chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) còn em trai anh mới 7 tuổi đã biết nấu cơm cho cả nhà.
Có lẽ nhờ phải làm việc kiếm sống từ nhỏ nên Paul đã thích nghi nhanh với cuộc sống vất vả nơi xứ người. Paul cho biết: “Ngày 8-4-1980, tôi đặt chân lên đất Canada trong tình trạng không đồng xu dính túi. Hai ngày sau, anh em tôi đã gia nhập đội ngũ bắt giun đất bán cho các cơ sở làm mỹ phẩm để kiếm sống…”. Hầu như tất cả những sự kiện quan trọng trong đời, Paul đều nhớ rõ ngày tháng, dù đã mấy chục năm trôi qua. Anh nói rằng trí nhớ của mình khá tốt, lại được rèn luyện trong nhiều năm làm việc ở một hãng bảo hiểm lớn. “Tôi phải nhớ tất cả các con số trong bảng báo cáo, khi sếp hỏi đến tôi phải trả lời ngay chứ không ai đủ kiên nhẫn ngồi chờ tôi lật tìm thông tin trong đống tài liệu trên bàn”, Paul chia sẻ.
Ngoài trí nhớ tốt, điều giúp Paul Nguyễn thành công ở nước ngoài là sự chịu khó và ham học hỏi. Sau khi tốt nghiệp ngành Khoa học định phí và Thống kê tại Đại học Toronto, Canada, anh bắt đầu sự nghiệp từ công việc thư ký và hầu như phải tự học, không ai “cầm tay chỉ việc”. Không chỉ liên tục trau dồi về chuyên môn, Paul còn học thêm những kỹ năng khác như: kỹ năng quản lý con người, kỹ năng giao tiếp, thiết kế sản phẩm… để tăng khả năng cạnh tranh. Thỉnh thoảng anh nấu vài món Việt cho mọi người thưởng thức. Một người sếp của anh từng nói: “Tìm người quản lý không khó, nhưng người quản lý biết chiên chả giò thì không dễ”…
Khi lên vị trí lãnh đạo, Paul Nguyễn luôn khuyến khích văn hóa trao quyền. Anh nói: “Với tôi, người lãnh đạo phải biết trao cơ hội cho những người giỏi, khơi thông tiềm năng của họ để họ có cơ hội tỏa sáng. Ai cũng có sở trường sở đoản của riêng mình, nên tôi luôn mở rộng lòng lắng nghe những lời khuyên, lời nhận xét giá trị từ các đồng nghiệp để mình thêm hoàn thiện khả năng trong nhiều lĩnh vực khác nữa. Với tôi, CEO cũng là một quá trình học hỏi, học để hạ bớt cái “tôi” của bản thân và tôn lên cái “chúng ta”.
Anh giám đốc ham chơi
Paul Nguyễn tự nhận mình là người ham chơi. Anh thích chơi cây kiểng, “phượt” bằng xe môtô, đạp xe đường dài, đặc biệt là chơi chim. Anh cho biết: “Tôi thích chơi chim từ những ngày còn ở Việt Nam. Thậm chí, từ những năm 1979, tôi từng tìm đến nhà ông A Màn, một người bị cùi làm lồng chim rất có tiếng để mua lồng. Lồng A Màn thường chạm khắc tinh xảo và nay có giá rất cao. Giai đoạn sang định cư ở Canada, tôi may mắn có dịp trò chuyện với những ông lão người Hoa 70-80 tuổi, chơi chim lâu năm. Họ dạy tôi cách chọn lồng, nuôi chim, làm thức ăn tốt cho chim… Tôi càng nghe càng say mê”. Thời học đại học, dù hoàn cảnh khó khăn, Paul cũng từng mua một con chim có giá đến 400 USD và trả góp đến sáu tháng trời. Còn những con khác rẻ hơn, anh mua bằng thẻ tín dụng rồi đi làm trả sau.
Về Việt Nam, anh vẫn giữ thú chơi này. Hiện trong nhà anh nuôi khoảng 80 con chim vành khuyên và một số chim họa mi. Vào ngày cuối tuần rảnh rỗi, anh thường đến các hội chơi chim ở công viên Tao Đàn để giao lưu, hoặc sang Hội chim khuyên Hưng Long (quận 10) xem chim hót đấu. Paul Nguyễn cho biết: “Dân chơi chim cũng rất đa dạng, người mạnh mẽ nuôi chim họa mi, dân quý tộc mê chim oanh cổ đỏ, người thanh tao nuôi chim vành khuyên (miền Nam gọi là chim khoen)… Tôi nuôi nhiều loại chim nhưng thích chim vành khuyên nhất. Đây là loài chim thân nhỏ, mảnh mai nhưng lại có vóc dáng của một dũng tướng, khi hót thì đứng thẳng ưỡn ngực trông rất bắt mắt”.
Theo Paul, thú chơi này đặc biệt ở những cái lồng chạm khắc công phu, như câu hát: “Con chim quý phải ở lồng son”. Mặc dù con chim đẹp, giọng hót hay không phụ thuộc vào chiếc lồng nhưng dẫu sao chiếc lồng đẹp thì sẽ “tôn” chú chim lên rất nhiều. Vì vậy, người chơi chim ngoài sưu tầm những loài chim đẹp, quý hiếm, họ còn rất quan tâm đến ngôi nhà cho chim để làm sao phải vừa đẹp, vừa độc. Dân chơi chim lâu năm rất mê những cái lồng giá bạc triệu, thậm chí có lồng bạc tỉ. Paul hiện cũng có một cái lồng chim quý có khắc các điển tích trong truyện Tam quốc diễn nghĩa như Quan Công – Lưu Bị, Điêu Thuyền – Lữ Bố và Khổng Minh…
Ngoài thú chơi chim lâu năm, Paul Nguyễn còn biết đến là anh giám đốc mê xe đạp. Không chỉ thường xuyên luyện tập, anh còn tranh thủ đi làm bằng xe đạp. Dịp năm mới này, anh dự định sẽ cùng một người bạn lâu năm thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng xe đạp mà anh ấp ủ đã lâu. Anh thường lan truyền tinh thần luyện tập thể thao, rèn luyện sức khỏe đến nhân viên, thậm chí còn đầu tư khá nhiều xe đạp cho nhân viên sử dụng để đi làm hoặc đi ăn trưa.
Ngoài ra, anh cũng thường xuyên khuyến khích nhân viên làm từ thiện. “Từng trải qua nhiều giai đoạn vất vả của cuộc sống, tôi thấu hiểu rằng một sự giúp đỡ nhỏ nhoi cũng có thể tạo nên thay đổi lớn trong cuộc đời người khác. Có gặp gỡ những đứa trẻ mồ côi, chúng ta mới biết các em nhỏ cần hơi ấm yêu thương đến thế nào. Có đi đến những vùng khốn khó, chúng ta mới biết trân trọng cuộc sống sung túc hiện tại. Và tôi không cần người ta biết đến mình là CEO xuất sắc, tôi chỉ muốn mọi người nhớ tôi là một người tử tế”, Paul Nguyễn nói.