Tra Lương Dung được sinh ra tại thành phố Hải Ninh thuộc tỉnh Triết Giang vào năm 1924. Năm nay, ông vừa tròn 90 tuổi.
Năm 1955, ông lấy bút danh Kim Dung, bắt đầu sự nghiệp sáng tác tiểu thuyết võ hiệp, với tác phẩm đầu tay là Thư kiếm ân cừu lục. Vào năm 1958, Công ty điện ảnh Nga Mi Hongkong cải biên hai tác phẩm của ông là Xạ điêu anh hùng truyện và Bích huyết kiếm thành bộ phim điện ảnh. Từ đó cho đến nay trải qua hơn nửa thế kỷ, cái tên Kim Dung vừa mang ý nghĩa tiểu thuyết, lại cũng vừa mang ý nghĩa điện ảnh và truyền hình; vừa là văn tự và sự tưởng tượng, vừa là phim ảnh và hình tượng rõ nét. Bất luận là ở màn ảnh lớn hay màn ảnh nhỏ, các tác phẩm tiểu thuyết của Kim Dung không ngừng được cải biên liên tục, trở thành nguồn cội giúp cho người châu Á nói chung và những ai yêu thích võ hiệp trên toàn thế giới thấy hiểu được tinh thần của thế giới giang hồ võ hiệp cũng như văn hóa lịch sử của Trung Quốc.
Vì sao tiểu thuyết của Kim Dung lại được yêu thích đến như vậy?
Tiểu thuyết của Kim Dung, dựa vào hai câu thơ thất ngôn “Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc, Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên”, tổng cộng có 14 tác phẩm, nhưng không ngừng được cải biên thành phim điện ảnh và truyền hình thì thực chất chỉ khoảng một nửa trong số này. Và những tác phẩm này trải qua hàng chục năm trời được trình chiếu, cũng như sự nhiệt tình của các nhà làm phim luôn lấy đó là đề tài cải biên, dần dần đi sâu vào ký ức của mọi người.
Tiểu thuyết của Kim Dung đạt được vị trí kinh điển như ngày nay, có thể nói là do trong hầu hết các tiểu thuyết võ hiệp, nó tiếp cận gần nhất đối với yêu cầu của mọi người: câu chuyện hấp dẫn, các trường đoạn dễ nhớ, tính cách nhân vật rõ ràng. Một điểm quan trọng nữa là trong các tác phẩm của Kim Dung, ta có thể thấy được câu chuyện luôn sử dụng yếu tố lịch sử lấy làm bối cảnh, nhân vật chính thường đến cuối cùng bỏ lại thù riêng hướng về nguy cơ của đất nước, từ một thiếu niên đầy oán hận cô độc trong mình, trưởng thành thành một đại hiệp khiến ai ai cũng phải nể phục.
Bên cạnh đó, Kim Dung cũng đem đến cho mọi người một điều rất thực, và hiện thực này không nằm ở trong những câu chuyện do ông viết ra, mà ở chỗ biểu đạt được sự tưởng tượng tính cách của con người, hoàn thành một sự kỳ vọng vào tính cách lý tưởng mà mọi người luôn hướng tới. Đồng thời, tiểu thuyết Kim Dung cũng thể hiện nên kinh nghiệm trưởng thành một cách hoàn thiện. Lịch sử luôn là một vòng xoay của sự thay đổi không ngừng giữa các triều đại, trong môi trường đó con người trải nghiệm được sinh tử và cuộc sống. Thông qua một kết cấu khá quen thuộc và luôn được xoay vòng, sự trải nghiệm của mỗi người, đều xảy ra một cách lặp lại ở thế hệ tiếp theo và ngày một sâu đậm hơn: mỗi nhân vật cũng như chính mỗi con người đều phải trải qua giác ngộ – vùng dậy – tham gia – vỡ mộng – ẩn dật. Đặc biệt là trong những tác phẩm mà nhân vật có tính kết nối nhưXạ điêu anh hùng truyện, Thần điêu hiệp lữ, Ỷ thiên đồ long ký miêu tả quá trình này một cách rõ nét hơn.
Những điều bạn chưa biết về Kim Dung
[one_half last=”no”]
• Số lượng: Ỷ thiên đồ long ký là tác phẩm được cải biên nhiều nhất
Theo thống kê hiện tại, thì đến ngày nay tổng cộng đã có 117 bộ phim điện ảnh lẫn truyền hình được cải biên từ tiểu thuyết của Kim Dung, trong đó Ỷ thiên đồ long ký là 16 bộ, Xạ điêu anh hùng truyện là 15 bộ, Thần điêu hiệp lữ là 14 bộ, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký, Thư kiếm ân cừu lục đều là 11 bộ, Bích huyết kiếm và Thiên long bát bộ là 8 bộ, những tác phẩm khác nhưHiệp khách hành, Liên thành quyết, Tuyết sơn phi hồ… số lượng cải biên không nhiều.
• Bản quyền: 1 nhân dân tệ tặng CCTV
Bản quyền tiểu thuyết của Kim Dung được bán rất nhiều, từ Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan, Singapore, trong đó chỉ một lần duy nhất ông lấy giá 1 nhân dân tệ (khoảng 3.400 đồng) bán cho CCTV (Đài truyền hình trung ương Trung Quốc). Dù gọi là “bán” nhưng thực chất là tặng. Và lần bán buôn này đã tạo nên bộ phim Tiếu ngạo giang hồ phiên bản 2001 của CCTV, đồng thời mở ra con đường trào lưu cải biên tiểu thuyết của Kim Dung tại Trung Quốc.
• Nữ thần: Cuồng si Hạ Mộng
Nữ thần thuở niên thiếu của Kim Dung là hoa đán của công ty điện ảnh Trường Thành tên Hạ Mộng. Vì muốn đeo đuổi người tình trong mộng của mình, ông từng đổi danh thành Lâm Hoan để vào Công ty Trường Thành làm biên kịch. Phần lớn hình tượng những nhân vật nữ kinh điển trong truyện của Kim Dung đều có bóng dáng của Hạ Mộng như Hoàng Dung, Tiểu Long Nữ, Châu Chỉ Nhược, Vương Ngữ Yên.
[/one_half]• Nam diễn viên chính: Huỳnh Nhật Hoa đóng nhiều nhất
Những ngôi sao lớn của điện ảnh Hongkong như Lương Triều Vỹ, Lưu Đức Hoa, Cổ Thiên Lạc được mọi người biết nhiều đến cũng nhờ vào những vai diễn của họ trong các bộ phim truyền hình cải biên từ tiểu thuyết của Kim Dung. Nhưng trong số đó, Huỳnh Nhật Hoa là diễn viên thủ vai chính nhiều nhất, bao gồm Viên Thừa Chí, Quách Tĩnh, Tiêu Phong, Hư Trúc, Hồ Nhất Đao và Hồ Phỉ. Ngoài ra, anh còn tham gia một bộ phim dựa theo một nhân vật nổi tiếng xuất hiện trong truyện Kim Dung, là tác phẩm Kiếm maĐộc cô cầu bại, anh vào vai Độc cô cầu bại.
• Tình yêu: Hài lòng Lưu Đức Hoa và Trần Ngọc Liên
Sở trường của Kim Dung là viết nên những câu chuyện tình. Rất nhiều mối tình dưới ngòi bút của Kim Dung đến nay đều trở thành kinh điển, như mối tình giữa Tiêu Phong và A Châu, hay trên các diễn đàn không ngừng thảo luận “Rốt cuộc Trương Vô Kỵ yêu ai?”, nhưng ấn tượng sâu đậm nhất thì chắc là không mối tình nào vượt qua được tình thầy trò giữa Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Kim Dung hài lòng nhất là mối tình phiên bản 1983 do Lưu Đức Hoa và Trần Ngọc Liên thể hiện. Với ông, cặp đôi này thể hiện đúng với nguyên tác nhất.
Thanh Vân