Bây giờ chung cư cao cấp mọc đầy, người dọn tới dọn đi đều liên tục. Dọn tới là những nhà thoát nghèo, hoặc trung lưu, hoặc nhà giàu đầu tư cho thuê. Thành ra các khu nhà luôn nhộn nhịp. Người chuyển đến, người chuyển đi tíu tít.
Người ta thích ở căn hộ cao cấp vì sạch sẽ sáng sủa, như khách sạn, tiện nghi. Và nhất là an ninh. Lúc nào cũng có bảo vệ suốt 24 giờ. Muốn lên tầng nhà mình, phải có thẻ để vào thang máy, chứ không phải cứ ào vào bấm như cầu thang bệnh viện hay siêu thị, ai muốn đi đâu thì đi.
Nếu bạn có đi du lịch, công tác, về quê, cứ khóa cửa cả tháng cũng không có gì phải lo. Nghe chừng còn khỏe hơn cả ở biệt thự có vườn rộng, phải lo cổng ngõ, lắp camera chống trộm, nuôi chó, có khi cũng phải thuê bảo vệ riêng gác cổng tốn kém.
- Xem thêm: Ai thích ở chung cư?
Đó là câu chuyện thường nghe trong các gia đình khi nói về nhà cửa. Nhưng cũng có người ghét chung cư lắm. Họ kể ra đủ điều. Nào là, ngửi đủ thứ mùi nhà bên kho nấu. Nguy hại nhất là chung cư… không có đất, khi nhà mình hư hỏng không sửa được. Phải chờ… tất cả biến thành nhà ổ chuột mới được di dời để xây lại. Giá nhà bán lại sẽ xuống. Có người cương quyết nhất định nhà phải có đất, không sống… lơ lửng giữa trời khen view đẹp.
Nhưng điều đáng ghét khác chưa mấy ai “đưa vào danh sách để tính toán”, đó là… hàng xóm.
Sẽ có người cãi ngay: Thời nay làm gì có… hàng xóm nữa? Đi lên đi xuống, gặp Tây thuê căn hộ họ còn “Hello”, chứ người Việt với nhau thì coi như không quen. Tết nhất, sát cửa cũng chẳng sang nhà nhau làm gì. Tự do tuyệt đối.
Chung cư cao cấp chẳng ai treo cờ ngày lễ. Có chuyện gì loa sẽ thông báo bằng hai thứ tiếng, chẳng có họp dân phố, sinh hoạt đoàn thể không biết ở đâu. Chỉ có phòng yoga, gym, phòng sinh hoạt cộng đồng họp toàn phổ biến nội quy với thu tiền, nhanh gọn rồi giải tán.
Đêm Noel thấy bỗng ầm ầm nhạc… sến. Mà lạ à nha, phát ra tiếng hát karaoke ngọng líu ngọng lo, không phải từ xóm lao động nhà lá. Từ vài… biệt thự sang trọng mới ghê. Tra tấn nhau đến rạng sáng.
Không biết kêu ai. Có phải mình là Tây thuê nhà ông chủ đâu mà gọi cho chủ. Ở biệt thự, có ông than phiền, cho “sếp Tây” nhà giàu thuê, gặp ngày mát trời không có nước nóng (do dùng hệ thống điện mặt trời) là bị “réo” lên kiểm tra máy nước nóng. Đến mức nhà bên có con chó con mới mua về sủa ăng ẳng, chủ nhà cũng bị réo lên để giải quyết.
Đằng này, tiếng hát ngọng líu lo buông phủ giữa trời nên chẳng có cách gì, đành chịu trận mất ngủ.
Đi lên xuống thang máy thấy “dân nhà giàu mới” là nhận ra ngay. Ăn mặc đỏm dáng, nói năng ồn ào, đi đứng khuỳnh khuỳnh chẳng tránh ai, không coi ai ra gì. Quát tháo con cái om sòm. Xả rác ra lối đi.
Không biết “chủ đầu tư” chào mời mua nhà có “chịu trách nhiệm” những thứ đó không? Cứ tưởng có tiền, mua nhà đắt tiền thì sẽ được chăm sóc chu đáo. Thì ra vẫn có nhiều thứ… chẳng biết hỏi ai.
Nếu mà than vãn thì người ta sẽ giải thích ngay: Xã hội như thế, làm gì có luật nào quy định “tầm văn hóa” thế nào mới được ở nhà đẹp.
Cứ có tiền nhiều, vù cái bay vào Sài Gòn, bay ra Đà Nẵng, Hà Nội, mua nhà biệt thự chỗ nào chẳng được.
- Xem thêm: Chẳng ai đánh thuế ước mơ
Thiên hạ bây giờ lại nói “làm giàu không khó” (nghe ghét quá. Nếu dễ vậy thì sao xứ nào cũng đầy người nghèo?). Thành ra, có vẻ như tiền “lớn nhanh” lắm. Những kiểu nói dân dã “tiền đông như quân Nguyên”, “giàu đến nỗi mở tủ bị… tiền đè chết” giờ cũng cũ rồi. Ai thèm để tiền trong tủ? Tài khoản thiếu gì? Thậm chí còn… bay sang tận “thiên đường thuế Panama” ấy chứ.
Tiền có thể lớn nhanh, nhưng văn hóa thì cần phải học hành, lâu dài mới thành. Văn hóa bị “còi xương suy dinh dưỡng” so với tiền, nên mới ra nông nỗi. Mà khi bán nhà, mời chào đứt lưỡi, chẳng làm gì có khoản hỏi “Thượng đế” xem văn hóa thế nào…
Thôi thì đành chịu.