Cứ nói ngay không sợ sai, đó là giới trẻ. Nói thêm nữa thì hơi sợ sai, đó là… giới nghèo (đành thích chung cư rẻ tiền).
Sợ sai, là vì giới giàu mới ở chung cư chứ nhỉ? À, mà quên, phải thêm chữ “cao cấp” nữa mới đủ. Chung cư cao cấp, có sảnh bóng loáng, đội quân trực mặc đồng phục, ra vào toàn xe hơi.
Cửa kính bóng loáng lúc nào cũng có người đang lau. Sàn nhà mùa mưa cứ ai bước vào rớt nước ướt là có người lau ngay mà không hề tỏ ra khó chịu, cứ như nói rằng: “Đi lại là việc của khách, giữ sạch là việc chúng tôi”.
Sàn vừa lau xong còn đề bảng tiếng Anh, chú ý sàn ướt. Thật đúng là dịch vụ chuyên nghiệp. Ở chung cư cao cấp thấy mình đúng là khách hàng – Thượng đế. Đắt xắt ra miếng là vậy.
Có bể bơi, phòng gym, văn minh… như Tây nên các chàng các nàng có học và có chút thành đạt mê như điếu đổ. Thậm chí có người dám… chê cả biệt thự (nào là nơm nớp lo an ninh, nào là không có sức đâu dọn dẹp, quét lá rụng thôi đủ mệt. Mình hầu cái nhà, trong khi nó phải hầu mình mới đúng…).
- Xem thêm: “Chiến tranh”… cao cấp
Người chê chung cư (mà chỉ dám chê lén sau lưng các ông bà chủ trẻ – dù là con mình) thì chỉ có người già. Nào là “như ở tù giữa toàn bức tường khép kín”, khách đến tìm hết hơi vì chung cư là phải mọc ở ngoại ô, đất mới, tên đường cũng chưa có, toàn tên số, lại nhảy cóc rất khó tìm. Mà toàn… tên Tây. Hết Tropic Garden, Novaland, Millennium (cứ lộn tên thuốc Tây), rồi lại đến Hausneo, Jamona… Đọc xong cái địa chỉ dài thòng… trẹo cả quai hàm.
Bữa nọ hỏi địa chỉ bà bạn đau ốm để đến thăm, cái địa chỉ dài không nhớ nổi, đã ghi ra giấy rồi, ví dụ, Nhà T5, chung cư Masteri, lầu 10, phòng 8, Thảo Điền. Tìm đến nơi hết hơi vì đi qua năm cái tòa T mới đến.
Vào chìa giấy ghi địa chỉ ra hỏi phòng tiếp tân, người ta nói, đúng đây rồi, nhưng là sảnh A hay B vì hai sảnh đều có số y chang. Lại phải gọi điện hỏi sảnh nào, chủ nhà mới nói, à quên. Phức tạp quá.
Khổ. Tìm cái số nhà cũng kêu thì chỉ có là người nhà quê, hoặc người già lạc hậu. Thời đại công nghệ số, người ta sẽ sống bằng… một động tác cho tất cả. Đó là vuốt, là bấm số. Cứ tranh nhà mặt tiền, mở cửa hiệu nữa đi. Rồi chúng ông cho ế hết. Vuốt cái, nhận dạng, đặt hàng, thế là chuyển tiền cũng vuốt cái, hàng tới nơi. Việc gì phải đi mua với bán. Cửa hàng cửa hiệu… sẽ chết hết.
Văn minh là thế, mà các bậc già cả chê chung cư là sao? Là vì, chung cư chỉ có xuống cấp, xuống giá. Nhìn cái nhà là phải nhìn như tài sản, làm sao ở chán chê rồi khi bán giá vẫn lên. Thế thì chỉ là nhà có đất, chứ ở “trên trời cao” thì khó lắm.
Chuyện giấy tờ mua bán cũng phải cân nhắc. Nếu chưa xong công đoạn này, chủ đầu tư cũ đã sang qua chủ khác, thì dù ở được mấy năm cũng chẳng biết đi đâu để đòi sổ đỏ sổ hồng. Thế là bổ sung vào đội quân khiếu kiện, chăng biểu ngữ. Dãi nắng dầm mưa ngoài đường.
Mà nhà cao chọc trời bốn bề lộng gió, cửa sổ toàn bằng kính, thích hợp với dùng máy lạnh, tránh bụi bặm. Chỗ này cẩn thận, phải xem kỹ thiết kế trước khi mua, có khi gặp phải loại cửa kính không thể mở ra đóng vào được. Nếu gặp tình huống này, muốn có chút khí trời, trong những đêm nóng bức mà không thích xài quạt hay máy lạnh thì chỉ có vừa mất ngủ vừa… rủa thầm người thiết kế.
Già và trẻ – hai đường song song không bao giờ gặp nhau. Nhưng mà tiên đoán thử xem, ai thắng ai thua?
- Xem thêm: Phú quý giật lùi
Nếu nhìn những người trẻ – sinh viên chẳng hạn, lên thành phố thuê nhà trọ, tiền bố mẹ bán heo bán gà gửi lên nộp tiền học thì… trót thấy cái máy xịn, đôi giày cái váy mốt, mua mất rồi, nợ nhà trường thúc giục, rồi cấm thi. Đêm thức chơi, sáng dậy trễ, cúp học… Kiểu đó thì sẽ thất nghiệp, không có tiền, không mua được nhà, thuộc diện thua rõ, người già sẽ quyết định. Không chung cư!
Còn nhìn vào những cô cậu tiếng Anh, vi tính, nghề nghiệp thành đạt, nói một tiếng bố mẹ phải sợ chết khiếp. Lúc đó chung cư sẽ thắng.
Cứ nhìn chung cư mọc lên như những tảng núi bao vây thành phố thế kia, dày đặc, thì đoán biết ngay là nhiều người sống ở chung cư. Nghĩa là, phái già sẽ thua. Vậy thôi, không phân tích lý sự gì nhiều về kinh tế hay kiến trúc này nọ…