Năm 1887, chính phủ Anh thông qua đạo luật bắt buộc các sản phẩm được sản xuất bên ngoài nước Anh phải dán nhãn quốc gia xuất xứ để bảo vệ hàng hóa bản xứ khỏi tình trạng bị sao chép kém chất lượng. Cho đến ngày nay, nhãn xuất xứ “Made in…” có lẽ là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất, cả trong nghĩa tích cực và tiêu cực, đối với nhận thức của người tiêu dùng, thuộc tính giá trị của hàng hóa và hành vi mua sắm.
Thời gian gần đây, nhiều công đoạn sản xuất được chuyển sang các nước đang phát triển, nhưng ngay cả những thương hiệu mạnh nhất như Apple vẫn e ngại tác động tiêu cực của quốc gia xuất xứ (country of origin – COO) và phải in dòng chữ “Designed by Apple in California” (thiết kế bởi Apple ở California) trước khi dán nhãn “Assembled in China” (được lắp ráp ở Trung Quốc) lên các sản phẩm của họ.
Một số quốc gia trở thành hình ảnh đại diện cho chất lượng xuất sắc trong một số ngành hàng nhất định, chẳng hạn nước Pháp nổi tiếng với rượu, nước Đức với xe hơi, Nhật Bản với hàng điện tử và Hoa Kỳ với sản phẩm công nghệ. Điều này ảnh hưởng mạnh đến nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm và dịch vụ của một công ty, tùy thuộc vào xuất xứ của sản phẩm đó.
Chính vì vậy, những công ty đến từ một số quốc gia nhất định có thể hưởng lợi từ danh tiếng, hình ảnh tích cực của nơi xuất xứ. Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp đến từ những nền kinh tế mới nổi hoặc các thị trường đang chuyển đổi – chưa tạo dựng được sự ghi nhận mạnh mẽ trong bất cứ ngành hàng nào – sẽ đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực về COO, hoặc ít nhất phải cạnh tranh với những nền kinh tế vốn có ảnh hưởng tích cực hơn về xuất xứ sản phẩm.
Theo một khảo sát của World Advertising Research Centre, 81% người Mỹ thích sản phẩm của Nhật Bản hơn sản phẩm của Trung Quốc. Ngoài Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan, người tiêu dùng phương Tây khó liên tưởng các quốc gia châu Á với một lợi thế cạnh tranh nào khác hơn là giá thấp – chất lượng thấp.
Nhưng gần đây cũng đã xuất hiện những ví dụ tích cực đối với xuất xứ thương hiệu từ châu Á mà trường hợp điển hình là Hàn Quốc. Người tiêu dùng đang dần biết đến Hàn Quốc như một trong những nơi tạo trào lưu mới trong lĩnh vực làm đẹp, không chỉ ở châu Á mà cho cả thế giới.
Hàn Quốc hiện giờ đã vượt qua Nhật Bản như một hình mẫu cho vẻ đẹp châu Á và khi mở rộng ra thị trường ngoài nước, các thương hiệu mỹ phẩm và chăm sóc da của họ sẽ được lợi từ giá trị tích cực mà xuất xứ thương hiệu mang lại.
Trong khi đó, nhờ vào sự vươn lên mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu, thương hiệu Samsung cũng đã có ảnh hưởng tích cực đến giá trị thương hiệu quốc gia của Hàn Quốc.
Để có thể tồn tại, vượt qua những bất lợi liên quan đến COO và phát triển, khẳng định vị trí trên thị trường quốc tế, các thương hiệu đến từ các nước Đông Âu, châu Á đã vận dụng những phương cách dưới đây:
- Tập trung nâng cao chất lượng và truyền thông về những thành quả. Chất lượng cao cùng với cam kết mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, độ linh hoạt cao và giá cả cạnh tranh sẽ làm nên khác biệt.
- Xây dựng thương hiệu là điều bắt buộc. “Branding” là một thuật ngữ thường bị hiểu sai ở những quốc gia mà sự liên tưởng về nguồn gốc xuất xứ không mạnh. Hầu hết các nhà quản trị vẫn còn tin rằng hoạt động thương hiệu liên quan đến cách công ty sử dụng logo, bao bì và quảng cáo, trong khi bất cứ hoạt động nào góp phần tạo ra trải nghiệm khác biệt cho khách hàng cần được xem là hoạt động thương hiệu.
Nếu có ý định vượt qua những bất lợi về quốc gia xuất xứ và phát triển ở thị trường nước ngoài trong dài hạn, các thương hiệu cần phải hành động nhiều hơn, chứ không đơn thuần chỉ “tiếp thị giả tạo” là đủ. - Tận dụng các đối tác bên ngoài. Đó có thể là hợp tác trực tiếp như liên doanh, liên minh chiến lược, hợp tác với các đại lý, hoặc hợp tác gián tiếp ở dạng tạo “hiệu ứng tràn” cho thương hiệu.
Mặc dù các thương hiệu Trung Quốc thường được xem là “tiền nào của nấy”, nhưng nhận thức toàn cầu về sự sáng tạo và thiết kế, mẫu mã của thương hiệu Trung Quốc đang có sự cải thiện nhờ vào những liên minh “có chất lượng”: Lenovo-IBM, Apple-Foxconn hay Huawei với Motorola, 3Com và Symantec. - Sử dụng truyền thông và tạo sự hiện diện quốc tế. Để tạo niềm tin, các doanh nghiệp – đặc biệt là công ty startup có thể tìm sự bảo chứng tích cực từ những khách hàng nổi tiếng, tham dự các hội chợ và hội nghị để có được sự hiện diện quốc tế hoặc trở thành thành viên của các tổ chức và hiệp hội để tiếp xúc với đối tác và khách hàng tiềm năng.
Doanh nghiệp có thể thiết lập hoạt động thật sự tại nước ngoài – những thị trường dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp và xây dựng một hình ảnh quốc tế. Chẳng hạn, NQ Mobile – công ty an toàn viễn thông xuất xứ từ Bắc Kinh đã thành lập một tổng hành dinh tách riêng ở Texas, Mỹ cho việc điều hành kinh doanh ở các thị trường phát triển, do một cộng đồng CEO người Mỹ quản lý và gồm toàn nhân viên người Mỹ.