Bối cảnh tiêu dùng đang thay đổi với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết, ngày càng có nhiều thương hiệu cùng cạnh tranh tìm kiếm sự chú ý của người tiêu dùng qua rất nhiều kênh truyền thông. Vì thế, những chiến dịch tiếp thị kiểu cũ sẽ không còn mấy tác dụng. Để tạo ảnh hưởng và để lại một ấn tượng lâu dài, các thương hiệu phải có cách tiếp cận mọi thứ khác với trước đây.
Một cách có thể giúp thương hiệu phát kiến những ý tưởng mới là thuê một nhà tiếp thị không có kinh nghiệm trong ngành hàng đó – một người ngoài cuộc. Thông thường, thương hiệu vẫn hay tìm kiếm những nhà tiếp thị từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh của mình cũng như am hiểu về thị trường, nhưng “marketing” là một kỹ năng có thể ứng dụng cho nhiều công việc, nhiều tình huống khác nhau.
Không có lý do gì mà một người từng được đào tạo trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) hoặc du lịch lại không thể ứng dụng những gì họ đã học được vào ngành bán lẻ hoặc tài chính.
Hơn nữa, ngày càng có ít ranh giới giữa các ngành hàng. Nói cách khác, nếu người tiêu dùng đã có một trải nghiệm đẳng cấp với thương hiệu nào đó, họ sẽ mong đợi mọi thương hiệu khác đều mang lại chất lượng dịch vụ tương tự, dù cho đó là một nhà bán lẻ, một nhân viên ngân hàng hay đại lý du lịch.
Do vậy, khi tiếp nhận những người làm tiếp thị có tư duy khác với chuẩn mực của ngành, thương hiệu sẽ tiếp thu những cách làm khác tốt hơn có thể giúp họ trở nên khác biệt với đối thủ cạnh tranh.
- Xem thêm: Sử dụng hiệu quả các nguồn lực tiếp thị
Là giám đốc thương hiệu toàn cầu của hãng bảo hiểm Hiscox và đã từng làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nước giải khát, bánh quy, Annabel Venner cho rằng kinh nghiệm trong nhiều ngành hàng giúp cô trở thành một nhà tiếp thị bao quát hơn và điều này cũng mang lại lợi ích lớn cho những thương hiệu mà cô hợp tác bằng cách tạo ra những thay đổi với cách làm mới.
Venner cũng khuyến khích “team” của cô ở Hiscox nên tham khảo cách làm tiếp thị của nhiều ngành hàng khác nhau và không nên “đóng khung tầm nhìn” chỉ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Giống như Venner, Michelle McEttrick chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ trước khi trở thành giám đốc nhóm thương hiệu của Tập đoàn Tesco. Và chính sự thiếu kinh nghiệm này là lý do để cô được thuê vào đây.
Còn Sacha Clark, người từng làm việc cho Subway, InterContinental Hotels Group và Carphone Warehouse cho rằng việc luân chuyển qua nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau không chỉ giúp cô mở rộng kỹ năng mà còn giúp cô tự tin hơn trong vai trò của một nhà tiếp thị: “Trải nghiệm nhiều văn hóa kinh doanh khác nhau cũng giúp tôi tinh lọc phong cách cá nhân, học những kỹ năng lãnh đạo quan trọng cũng như cải thiện khả năng thích ứng và tính kiên trì. Tôi cũng có thể mang văn hóa đa dạng đến với tập thể mới”.
Tuy nhiên, việc chuyển ngành cũng có thể gây khó khăn. Ngoài việc phải làm quen với những quy trình và cách làm việc mới, người làm tiếp thị còn phải tìm hiểu về lĩnh vực mới đồng thời phải tương tác với một tập thể vốn là “người trong cuộc” và có nhiều kinh nghiệm hơn họ về lĩnh vực này. Hơn nữa, dù là người mới nhập cuộc nhưng họ không được giả định rằng đội ngũ hiện tại đang làm đúng mọi việc.
“Và quan trọng là bạn phải biết rõ những điểm mạnh của mình và nghĩ ra cách sử dụng những điểm mạnh này để nhanh chóng chứng tỏ giá trị với tập thể mới”, Belinda Moore – Giám đốc tiếp thị và truyền thông của thương hiệu năng lượng E.ON, chia sẻ.
- Xem thêm: Thế hệ Z: Mối bận tâm của nhà tiếp thị
Trái lại, Steve Challouma – Giám đốc tiếp thị của thương hiệu thực phẩm đông lạnh Birds Eye – lại cho rằng nhờ gắn bó với thương hiệu này gần hai thập niên mà ông có được kinh nghiệm sâu về lĩnh vực này. Challouma cho rằng dù chỉ làm việc cho một thương hiệu trong phần lớn sự nghiệp nhưng ông đã trải qua nhiều bộ phận, nhóm sản phẩm khác nhau – nghĩa là vẫn có thể trải nghiệm nhiều môi trường khác nhau.
Còn theo quan điểm của nhà tư vấn Andrew Marsden, người từng làm việc cho các hãng Unilever, Danone và Britvic trong hơn ba thập niên, một nhà tiếp thị sẽ có kinh nghiệm phong phú hơn nếu gắn bó với nhiều doanh nghiệp ở các giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp thay vì chuyển qua nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. “Bạn có thể thu thập kinh nghiệm từ một thương hiệu nổi tiếng, một thương hiệu mới vừa ra mắt hay một thương hiệu không tăng trưởng tốt lắm” – Marsden nói.
Nói về việc tuyển dụng nhân sự, các nhà tiếp thị đồng ý rằng sự pha trộn, kết hợp giữa người ngoài cuộc và người có kinh nghiệm trong ngành sẽ mang lại cho thương hiệu cái nhìn bao quát nhất. Tuy nhiên, theo Belinda Moore, điều quan trọng nhất là hành trình cá nhân của một ứng viên. “Tôi không loại trừ người này hay người khác miễn sao họ có được câu chuyện thuyết phục về những quyết định mà họ đã thực hiện – tại sao họ làm thế và họ đã tạo được kết quả gì?”.
Tóm lại, một người ngoài cuộc sẽ có thể mang lại những cách nghĩ mới mà có lẽ những người ở quá lâu trong cuộc không thể nhìn thấy. Tuy nhiên, nếu luân chuyển qua các vai trò khác nhau trong một thương hiệu hoặc các thị trường khác nhau trong một ngành hàng hay làm việc cho nhiều doanh nghiệp ở các giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp thì một nhà tiếp thị vẫn có thể có được những quan điểm mới mẻ.