Viễn cảnh Việt Nam trở thành công xưởng của thế giới ngày một rộng khắp, giữa lúc những tác động của thương chiến Mỹ – Trung khiến các nhà đầu tư dịch chuyển địa điểm sản xuất nhằm tối ưu hóa nguồn lực.
Ngày càng nhiều nhà đầu tư có kế hoạch chuyển nhà máy ra ngoài Trung Quốc. Trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội của Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO), ông Hironobu Kitagawa, cho biết: “Khả năng Việt Nam thay thế Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu là có”.
Kitagawa cho rằng các doanh nghiệp Nhật Bản luôn có kế hoạch phát triển dài hạn. Ông nói: “Họ muốn có cứ điểm sản xuất lâu dài”, trong khi việc Việt Nam thay thế Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất của thế giới sẽ không diễn ra nhanh.
Chất lượng công xưởng như thế nào?
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng số vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong năm tháng đầu năm lên đến 16,74 tỉ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ 2018.
PGS-TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VRPR), cho rằng, các nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp đã đúng khi mong muốn Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của thế giới.
Theo TS Thế Anh, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng. Lao động trẻ, dồi dào và giá rẻ. Kỹ năng nghề chưa cao, song có thể đáp ứng được yêu cầu lắp ráp cho hoạt động sản xuất của thế giới.
Thêm nữa, Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút dòng vốn từ nước ngoài. Nhà đầu tư các nước Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, khi tìm đến môi trường đầu tư Việt Nam, còn nhìn đến sự tương đồng nhất định về văn hóa Á Đông.
Việc Việt Nam trở thành công xưởng của thế giới đang dần thành hiện thực, nhưng chất lượng công xưởng như thế nào lại phụ thuộc nhiều vấn đề, từ chính sách quản lý môi trường, đào tạo, tiền lương…
Theo quan sát của TS Thế Anh, có nhiều bất lợi nếu Việt Nam đặt mục tiêu trở thành công xưởng của thế giới, lao động là một ví dụ. Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng nhưng cấu trúc dân số sẽ thay đổi trong năm hoặc mười năm tới.
Các nhà nhân chủng học đánh giá rằng tốc độ già hoá dân số của Việt Nam diễn ra nhanh hơn nhiều nước khác trên thế giới. Sau thời kỳ baby boom, thời kỳ đẻ nhiều vào những năm cuối 1970-1980, tỷ lệ sinh đang sụt giảm nhanh.
Số lượng lao động trở thành một thách thức khi lượng người sinh ra những năm 1980 sẽ bước vào cuối tuổi lao động sau 10 năm nữa. Họ không thể lao động lâu dài trong những công việc nặng nhọc, độc hại hay lắp ráp trong dây chuyền FDI, đặc biệt là với lao động nữ.
Một điểm nữa, lương của Việt Nam đang tăng nhanh theo từng năm, với tốc độ tăng nhanh hơn tăng giá. Điều này khiến giá lao động của Việt Nam sẽ ngày một đắt hơn và không còn hấp dẫn.
Thang bảng lương vẫn theo chế độ Nhà nước, hệ số lương đại học và cao đẳng khác nhau. Trong khi đó, cải cách đòi hỏi sự đồng bộ, phải có cải cách về tiền lương, trong đó phải trả lương theo năng suất lao động.
Cạnh đó là thách thức về trình độ công nghệ. Việt Nam đang ở trong giai đoạn gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Nếu Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất sẽ phải đóng góp nhiều hơn vào chuỗi giá trị sản xuất đó.
Thách thức về môi trường đang rất lớn. Tại Việt Nam, quản lý môi trường đang là một trong những chính sách lỏng lẻo. Việt Nam thu hút FDI nhưng tiêu chuẩn về môi trường tương đối thấp.
Nhiều công nghệ thế giới không sử dụng, nhưng Việt Nam vẫn cho phép sử dụng. Ví dụ, nhiệt điện vẫn phát triển mạnh đến năm 2025 trong khi thế giới đang giảm dần, thậm chí loại bỏ. Nước Đức đang đóng dần các mỏ khai thác than và thu hẹp nguồn nhiệt điện than.
Việt Nam thu hút lượng lớn vốn FDI mỗi năm, nhưng không được hưởng lợi nhiều từ các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc. Tổng cục Thống kê ghi nhận năm 2017 đã có khoảng 17 tỉ USD lợi nhuận của các doanh nghiệp FDI được chuyển về chính quốc. Con số này năm 2018 là 20 tỉ USD.
Sự dịch chuyển của doanh nghiệp Trung Quốc
Thực ra, việc Việt Nam có trở thành công xưởng của thế giới và tận dụng được gì từ công xưởng đó vẫn là câu chuyện không chắc chắn. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không ngồi nhìn Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất toàn cầu.
Trung Quốc dần trở thành thị trường tiêu thụ lớn của thế giới, với thu nhập bình quân 10.000 USD/người/năm. Hiện, giá nhân công của Trung Quốc không còn rẻ nên doanh nghiệp chỉ sản xuất hàng hóa bậc cao và đẩy sản xuất bậc thấp sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.
Thế nhưng, áp lực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ kéo dài đã khiến tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Trung Quốc chỉ là 6,6%, mức tăng thấp nhất trong 28 năm qua và có thể suy giảm xuống còn 6,3% trong năm 2019.
Ngành sản xuất của Trung Quốc bị siết chặt đầu ra từ thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ, trong khi các thị trường lớn khác, như EU, cũng kiểm soát ngày càng chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
- Xem thêm: Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lên kế hoạch rời Trung Quốc do quan ngại “thương chiến” Mỹ – Trung
Trung Quốc tăng mạnh đầu tư vào Việt Nam và trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam vào quý I-2019, với tổng số vốn đăng ký đạt 723,2 triệu USD, theo số liệu của VEPR. Sự gia tăng dòng vốn này không nằm ngoài mục tiêu né tránh căng thẳng Mỹ – Trung và đón đầu hiệp định CTTPP và EVFTA mà Việt Nam là thành viên.
TS Thế Anh nhận định rằng thách thức cho Việt Nam là không nhỏ khi cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng tiếp nhận làn sóng chuyển dịch sản xuất, cũng như bất lợi khi không có lợi thế quy mô như Trung Quốc.
Hiện dân số Việt Nam chỉ bằng 1/10 Trung Quốc và trình độ sản xuất cũng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. TS Thế Anh chắc chắn “sẽ mất nhiều thời gian” để Việt Nam thiết lập mục tiêu cũng như trở thành công xưởng thế giới.