Sau sáu tháng đầu năm sôi động, thị trường bất động sản Việt Nam nửa cuối năm 2018 được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, dù đã tiềm ẩn một số nguy cơ nhưng thị trường vẫn trong tầm kiểm soát. Đó là đa số ý kiến tại hội thảo Sốt bất động sản: Cơ hội và rủi ro do Cafeland tổ chức ngày 29-6.
Tại hội thảo, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam cho rằng nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang ở thị trường bất động sản trong sáu tháng đầu năm nay khá tốt với tổng giá trị giao dịch mua bán giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước lên đến 929 triệu USD, trong khi cả năm 2017 là 1,5 tỉ USD. Bên cạnh việc dự báo sáu tháng cuối năm 2018 thị trường cũng sẽ đón nhận dòng vốn tương tự như vậy, bà Thùy Dung lo ngại tình hình kinh tế thế giới hiện đang diễn biến vô cùng bất thường theo xu hướng tiêu cực và có thể ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Nói rõ hơn về tác động từ kinh tế vĩ mô, PGS-TS Trần Đình Thiên dự đoán: “Chu kỳ 10 năm nguy cơ khủng hoảng lại xuất hiện giống như năm 2008 sau khi chúng ta gia nhập WTO, qua ba dấu hiệu FDI tăng mạnh, chứng khoán tăng và bất động sản tăng trưởng nóng. Ba yếu tố này kết hợp với nhau tạo nên vòng xoáy lớn mà nếu Chính phủ lỏng tay kiểm soát thì lạm phát sẽ trỗi dậy”. TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ tác động đến Việt Nam do Việt Nam xuất siêu sang Mỹ, đồng thời nhập siêu nguyên liệu từ Trung Quốc.
Khi quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng, việc điều chỉnh cơ cấu của Trung Quốc có thể thúc đẩy hàng hóa của nước này xuất khẩu vào Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đối với các sản phẩm từ Đông Nam Á cũng giảm. Tăng trưởng kinh tế của toàn khu vực có thể sẽ giảm xuống còn 4,9%.
Nhận xét về nguy cơ, bà Thùy Dung cho rằng thị trường không có nguy cơ bong bóng bất động sản vì thanh khoản đang ổn định. Nguồn cung chào bán căn hộ cho đến biệt thự nhà phố tăng trưởng không quá cao. Thị trường đang khá cân bằng trong vòng 12 tháng vừa qua. Nếu như thời điểm 2007, phân khúc trung cấp chỉ chiếm 30 – 35% tổng nguồn cung thì trong năm 2017 tỷ lệ này tăng khá mạnh, lên khoảng 60% căn hộ trung cấp, 25% căn hộ bình dân.
Theo bà Thùy Dung đây là dấu hiệu cho thấy chủ đầu tư và người mua đang hướng đến người mua để ở thực sự. Tuy nhiên, hiện có ba rủi ro lớn mà nhà đầu tư nên quan tâm. Thứ nhất, việc mặt bằng giá đất tăng sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Điều này diễn ra chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh. Tại khu vực trung tâm và gần trung tâm, đất phát triển dự án đã có chủ nên các chủ đầu tư mới khi bước chân vào thị trường phải chấp nhận giá đất rất cao hoặc đi ra các khu vực xa hơn. Thứ hai, đối với các nhà đầu tư cá nhân, tỷ suất lợi nhuận cho thuê chỉ đạt trung bình 5%, cao nhất từ 6 đến 6,5%, vì có quá nhiều nguồn cạnh tranh.
Thứ ba, thị trường đang có nhiều rủi ro liên quan đến tiến độ xây dựng của nhiều công trình hạ tầng. Có nhiều người mua đất nền, căn hộ, nhà phố biệt thự với mức giá cao vì kỳ vọng vào hạ tầng, giao thông công cộng sẽ đẩy giá bất động sản lên cao. Nhưng hiện nay, nhiều công trình có khả năng chậm tiến độ. Bên cạnh đó những vấn đề kẹt xe, ngập nước cũng không thể được giải quyết nhanh như kỳ vọng, do đó nhà đầu tư nên cân nhắc các yếu tố này trước khi đổ vốn.