Với 90 triệu dân, lực lượng lao động trẻ chiếm đa số và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, thị trường bán lẻ Việt Nam đang được xem là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những cái tên mới gia nhập thị trường cùng nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập thời gian gần đây hứa hẹn một cuộc đua khốc liệt, nơi mà khối ngoại có nhiều ưu thế và khối nội sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để chiếm lĩnh thị phần.
Trong một báo cáo của tập đoàn bất động sản CBRE, với việc hoàn toàn mở cửa thị trường bán lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài và nhiều Hiệp định Thương mại tự do được ký kết sắp đi vào thực thi, Việt Nam đứng thứ 2 trong 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất châu Á. Năm 2015 đánh dấu sự đầu tưồạt của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài vào thị trường này.
Khối ngoại mạnh tay
Từ năm 2013 đến nay, các doanh nghiệp nước ngoài đã bắt đầu đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam, đặc biệt từ tháng 1-2015, khi quy định cho phép thành lập các công ty bán lẻ có 100% vốn đầu tư nước ngoài chính thức có hiệu lực, sự ra đời của các thương hiệu bán lẻ nước ngoài cùng nhiều thương vụ mua bán – sáp nhập ngày càng rầm rộ. Bên cạnh các tên tuổi như Lotte (Hàn Quốc), Big C (Pháp)… đã có mặt khá sớm trên thị trường, các tập đoàn của Nhật Bản, Thái Lan cũng bắt đầu đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt.
Tập đoàn Aeon (Nhật) dù đến sau nhưng cũng đã ghi dấu sự ra đời của ba đại siêu thị phức hợp mua sắm – ăn uống – giải trí, mang lại một mô hình mới cạnh tranh trực tiếp với các siêu thị hiện có. Bên cạnh đó, Aeon cũng đẩy mạnh phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi khi mua lại hai thương hiệu Citimart và Fivimart với 41 cửa hàng.
Một thương vụ gây chú ý thời gian gần đây là Tập đoàn BJC (Thái Lan) xúc tiến mua lại hệ thống 19 siêu thị Metro với trị giá hơn 600 triệu USD. Tập đoàn này cũng mua một phần hệ thống cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành B’s mart… Trong khi đó, một tập đoàn khác của Thái Lan cũng thâu tóm hệ thống trung tâm điện máy Nguyễn Kim và mở thêm trung tâm mua sắm Robins tại Việt Nam.
Có thể thấy, bên cạnh việc tạo ra các mô hình kinh doanh hiện đại như các trung tâm thương mại, đại siêu thị quy mô lớn, mua bán – sáp nhập các doanh nghiệp nhỏ hơn là cách thức các tập đoàn nước ngoài tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam.
Khối nội dù chật vật cũng không kém cạnh
Trước sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã có những bước thay đổi để bắt nhịp với xu hướng của thị trường. Năm 2010, Saigon Co.op đã bắt đầu thay đổi nhận diện thương hiệu theo xu hướng hiện đại và đa dạng hóa mô hình bán lẻ. Từ các chuỗi siêu thị truyền thống, đầu tư thêm các mô hình khu mua sắm phức hợp, trung tâm thương mại… Đến nay, hệ thống Saigon Co.op có khoảng 300 điểm bán, gồm 72 siêu thị, gần 100 cửa hàng tiện ích Co.op Food, hơn 170 cửa hàng Co.op.
Đặc biệt, hai chuỗi đại siêu thị Co.opXtra và Co.opXtra Plus được xem là bước đi chiến lược của Saigon Co.op để cạnh tranh với chuỗi đại siêu thị của các đại gia nước ngoài. Các doanh nghiệp khác như Satra cũng phát triển các mô hình trung tâm thương mại (Centre Mall, Tax Plaza), siêu thị (Satramart) đến cửa hàng tiện ích (Satrafoods)… để bắt nhịp với mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại.
Trong khi đó, Tập đoàn Vingroup với nguồn tài chính dồi dào và lợi thế bất động sản đã nhanh chóng mở rộng hệ thống bằng các thương vụ thâu tóm. Năm 2015 đánh dấu sự đẩy mạnh đầu tư của tập đoàn này bằng việc mua lại chuỗi Vinatexmart với 39 trung tâm trên cả nước và gần đây nhất là thương vụ mua lại hệ thống chín trung tâm thương mại – siêu thị Maximark của Công ty An Phong vừa công bố trong tháng 10 vừa qua.
Đây được xem là động thái mới nhất của Vingroup trong chiến lược mở rộng quy mô phát triển toàn quốc, phục vụ cho các phân khúc bán lẻ, từ trung tâm mua sắm, trung tâm điện máy đến cửa hàng tiện ích… mà tập đoàn này đang đầu tư. Dự kiến, Vingroup sẽ phát triển 100 trung tâm thương mại trên toàn quốc đến năm 2020 và xây dựng chuỗi 1.000 cửa hàng tiện ích trong ba năm tới.
Doanh nghiệp Việt cần có sự chủ động
Theo thống kê của Bộ Công thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, vẫn còn nhiều tiềm năng khai thác so với mức xấp xỉ 50% ở các nước trong khu vực. Cả nước hiện có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, số cửa hàng tiện lợi có thương hiệu và vận hành theo chuỗi dừng lại ở con số hàng trăm, thị phần bán lẻ hiện đại ở vùng ven và nông thôn gần như bị bỏ ngỏ. Theo quy hoạch của Bộ, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.500 siêu thị, tức là cần thêm 550 siêu thị so với hiện tại, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm, có thể thấy, tiềm năng thị trường là rất lớn và cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị phần sẽ rất khốc liệt.
Với nhu cầu thực tế và chính sách mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài, hệ thống siêu thị hiện đại đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết và đang tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng mua được hàng tốt hơn, với giá rẻ hơn, được tận hưởng dịch vụ tốt hơn. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt, khi mà các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về vốn và có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này.
Theo nhận định của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội trên báo Thanh Niên, trong số gần 1.000 cửa hàng tiện lợi trên cả nước hiện nay, số lượng của doanh nghiệp Việt chiếm khoảng 50% và con số này sẽ tăng nhanh trong thời gian tới khi cả khối nội và khối ngoại đều đang đẩy mạnh đầu tư. Với loại hình siêu thị, doanh nghiệp ngoại hiện nay dù chỉ chiếm 90/700 siêu thị tại Việt Nam nhưng tổng doanh thu lại chiếm tới 30%.
Ông Vũ Vinh Phú cũng cho biết, để các doanh nghiệp bán lẻ Việt phát triển mạnh trên thị trường, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước trong việc tạo các chính sách thông thoáng và một sân chơi bình đẳng, các doanh nghiệp cần phải tạo chuỗi liên kết trong kinh doanh như thu mua, sản xuất, phân phối… để giảm bớt khâu trung gian cũng như tạo nguồn cung ổn định và giá cả cạnh tranh cho sản phẩm. Bên cạnh đó, vì đa số doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp vừa và nhỏ với vốn ít, nguồn lực quản trị kém, các doanh nghiệp cần chủ động trong việc theo dõi nhu cầu thị trường, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, phát triển thương hiệu phù hợp với xu hướng hiện đại… cũng như có giải pháp cải tiến quản trị nguồn nhân lực, mang lại dịch vụ và chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng.