Andrew Newell Wyeth (1917-2009) là một trong những họa sĩ Mỹ lừng danh nhất vào giữa thế kỷ XX với rất nhiều tác phẩm hiện thực được lưu giữ trong các bảo tàng mỹ thuật lớn ở Mỹ và ở Pháp, Nga, Nhật… Trong thế giới hội họa của Andrew Wyeth, đề tài ưa thích nhất của ông chính là vùng đất và con người sống quanh ông: đó là quê nhà Chadds Ford (bang Pennsylvania) và nơi ông đến nghỉ vào mùa hè ở Cushing (bang Maine). Nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp Joséphine Douet đã dành nhiều thời gian thực hiện một dự án nghệ thuật kết hợp hội họa – nhiếp ảnh với tên gọi “Xứ sở diệu kỳ của Wyeth” (Wyeth Wonderland). Mười hai bức tranh của Andrew Wyeth cùng với các bức ảnh đồng hành của Joséphine Douet trong dự án đó được triển lãm tại Bảo tàng Hudson River ở New York đến cuối tháng 5-2017.
Từ nhỏ Joséphine Douet đã ngưỡng mộ tài năng của Andrew Wyeth, lớn lên khi đã thành danh với nhiếp ảnh, tác phẩm được triển lãm ở nhiều gallery và được đăng trên các tạp chí Rolling Stone, Vanity Fair, Elle, Esquire, GQ, Liberation, El Pais, Paris Match, Harper’s Bazaar…, cô mới thực hiện được mơ ước thiếu thời của mình. Đó là tìm đến vùng nông thôn Chadds Ford, cũng là quê hương sáng tạo của Wyeth, nơi ông vẽ hàng trăm bức tranh màu nước và tempera trong suốt mấy mươi năm, thể hiện những trang trại trên các ngọn đồi thấp, mái nhà, cổng ra vào và cửa sổ nhiều công trình kiến trúc cổ kính, chân dung những lao động nam và những phụ nữ trẻ. Lần theo tác phẩm của Wyeth, Joséphine Douet đã thực hiện một bộ ảnh theo cách cô mường tượng về thế giới hội họa của ông. Một số ảnh là cách so sánh trực tiếp: Joséphine Douet đã bấm máy cùng một khung cảnh mà Weyth đã đưa vào tranh, chỉ khác là nhiều năm sau. Những bức khác cô thực hiện với mỹ cảm hỗ trợ nhận được khi xem tranh của ông. Dự án “Xứ sở diệu kỳ của Wyeth” được tiến hành theo đặt hàng của Bảo tàng Thyssen-Bornemisza ở Madrid (Tây Ban Nha), nơi vào năm 2016 đã tổ chức một triển lãm lớn, nhìn lại quá trình sáng tác của Andrew Wyeth và con trai ông cũng là họa sĩ Jamie Wyeth.
Chuyến du hành vào thế giới hội họa của Wyeth ở Chadds Ford, lần theo những bước chân của ông cho Douet cảm giác khung cảnh hầu như không có gì thay đổi so với những năm tháng Wyeth đã vẽ tại đây. Khi trò chuyện với những người dân địa phương ở Chadds Ford từng quen biết với Wyeth, cô đã tìm thấy những bí ẩn trong cảm xúc thẩm mỹ của họa sĩ: “Tôi đã tạo được mối liên hệ gần gũi, mật thiết với người dân Chadds Ford cũng như với những người từng làm mẫu cho Andrew Wyeth; đã chia sẻ những thời khắc tuyệt vời với Helga, người mẫu bí ẩn trong suốt 15 năm của ông…”. Cô cho biết: “Quyết định theo dấu chân của Wyeth, chụp ảnh những gì ông đã vẽ cũng như mô tả mối liên hệ của Wyeth với quê nhà của ông đã nảy sinh từ sự kết hợp giữa lòng ngưỡng mộ của tôi đối với Wyeth cùng với tình yêu của tôi đối với những thách thức nghệ thuật”.
Joséphine Douet chọn Chadds Ford thay vì chốn nghỉ mùa hè của Wyeth ở Cushing, và chính ở Chadds Ford cô đã thật may mắn khi gặp được nhân vật bí ẩn Helga, người đã làm mẫu cho Wyeth vẽ tới 65 bức tranh và hơn 200 phác thảo từ năm 1970 đến 1985, trong đó có rất nhiều bức khỏa thân. Không ai biết được ông vẽ Helga ở đâu, lúc nào cho tới khi bà Betsy Wyeth vợ ông phát hiện số tranh đó khiến cuộc hôn nhân của họ suýt tan vỡ. Khi bộ ảnh ở Chadds Ford gần như hoàn thành, Douet mới nghe được nhiều chuyện về Helga nhưng bấy giờ bà lại đang sống ở Maine. Ba ngày trước khi nhà nhiếp ảnh rời quê nhà của Wyeth, cô tổ chức một buổi liên hoan nhỏ tại quán rượu trong làng với những người dân địa phương cô đã gặp. Rồi đột nhiên cửa quán mở ra, người bước vào chính là Helga. Bà tới chỗ Douet, trò chuyện với cô và họ mau chóng thành bạn thân. Họ gặp nhau thêm vài lần, mỗi lần tới sáu, bảy tiếng, chuyện trò không dứt, tất nhiên là những chuyện chung quanh người nghệ sĩ đã quá cố. Trước khi tạm biệt Chadds Ford, Douet mới ướm hỏi về việc cô muốn ghi hình Helga, không ngờ được bà nhận lời ngay.
Trở lại với nhân vật Helga trong tranh Wyeth. Đó là một phụ nữ gốc Đức, người mà Wyeth đã gặp tại một trang trại ở Chadds Ford vốn cũng là một đề tài quen thuộc trong tranh ông. Dù chưa từng làm mẫu cho họa sĩ nào nhưng Helga đã mau chóng làm quen với công việc này khi gặp Wyeth và ông đã vẽ nhiều tranh Helga khỏa thân hết sức gợi cảm. Điều lạ lùng là trong suốt 15 năm Wyeth vẽ Helga, không ai được biết, ngay cả với bà Betsy Wyeth và ông John Testorf, chồng của Helga. Có người nhận định rằng thân xác Helga là một yếu tố tự nhiên, không tách rời với tranh phong cảnh vùng Chadds Ford của Wyeth. Nhiều chân dung Helga ở trong số những tranh chân dung xuất sắc nhất mà Wyeth đã vẽ trong suốt cuộc đời dài của mình. Đáng tiếc là vào năm 1986, tỉ phú trong ngành xuất bản ở Philadelphia là Leonard E.B. Andrews (1925-2009) đã mua gần như trọn bộ sưu tập về Helga, sau đó tổ chức triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia ở Washington rồi triển lãm lưu động khắp nước Mỹ trước khi bán hết cho một công ty Nhật, một sự chuyển nhượng bị lên án nặng nề, thậm chí bị cho là một hành động “đần độn”.
Một người mẫu nữ khác là Christina Olson, nhân vật trong tác phẩm Thế giới của Christina (1948) được coi là tiêu biểu nhất trong tranh Andrew Wyeth. Bức tranh này được vẽ tại trang trại nhà Olson ở Cushing, thể hiện một cô gái đang trườn trên một cánh đồng cỏ mùa khô, hướng tới ngôi nhà của cô phía xa. Christina Olson, cô gái bị bại liệt từ bé, không đi được và suốt ngày chỉ quẩn quanh trong cái thế giới buồn tẻ của cô đã trở thành nguồn cảm hứng lớn đối với họa sĩ. Ông đã vẽ cô gần 300 phác thảo, tranh màu nước và tranh tempera từ năm 1937 đến thập niên 1960. Bức Thế giới của Christina nổi tiếng tới mức ngôi nhà và trang trại gia đình Olson nay đã trở thành di tích lịch sử quốc gia Hoa Kỳ và là một phần của Bảo tàng Mỹ thuật Farnsworth ở Rockland, bang Maine.
Tác phẩm của Andrew Wyeth không hẳn được các nhà phê bình ca ngợi và còn gây nhiều tranh cãi: năm 1977, khi được hỏi “ai là họa sĩ được đánh giá quá cao” và ngược lại – “được đánh giá quá thấp”, nhà sử học nghệ thuật Robert Rosenblum chỉ đưa ra một cái tên: Andrew Wyeth. Thế nhưng ông được công chúng Mỹ hết sức yêu mến vì tranh của ông khiến họ cảm nhận được chính mình và đất nước của mình; các cuộc triển lãm tranh Andrew Wyeth luôn thu hút đông đảo người thưởng ngoạn.
- Lê Bản