Sách là vật dụng gồm các trang giấy có chứa chữ hay hình ảnh được viết tay hoặc in ấn. Nó cũng liên tục tiến hóa và đạt nhiều kỷ lục đáng nể, trong đó có những kỷ lục ít người biết.
Cuốn sách được bán ra nhiều nhất thế giới
Theo cuộc khảo sát do Hội Kinh Thánh (BS) thực hiện, mặc dù chưa thật chính xác, Kinh Thánh vẫn là cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại. Từ năm 1815 đến năm 1975, hơn 2,5 tỷ bản đã được bán ra. Kể từ đó, con số này dường như đã tăng gấp đôi. Trong khi Kinh Thánh được xuất bản lần đầu vào năm 1450 thì cuốn Harry Potter and Philosopher’s Stone (Harry Potter và Hòn đá Phù thủy) mới chỉ được xuất bản lần đầu vào năm 1997, nhưng đến tháng 1 năm 2020, bộ truyện trên đã bán được hơn 500 triệu bản.
Nó cũng đã được dịch sang 80 ngôn ngữ khác nhau. Riếng cuốn đầu của bộ truyện Harry Potter được xem là một trong những cuốn tiểu thuyết nổi danh nhất từng được xuất bản. Kinh Thánh bị cấm ở 52 quốc gia, nhưng điều này đã không ngăn nó trở thành cuốn sách nổi tiếng nhất mọi thời đại. Còn Harry Potter thì bị cấm nhiều nhất ở Mỹ vì liên quan nhiều đến các chính sách của Trường Công giáo chống lại ma thuật, phép thuật và lời nguyền.
Tiểu thuyết dài nhất
Đi tìm thời gian đã mất (À la recherche du temps perdu) là tiểu thuyết của nhà văn người Pháp Marcel Proust được phát hành từ năm 1913 đến năm 1927, đươc mệnh danh là tiểu thuyết dài nhất nhất thế giới. Nó kể về câu chuyện của chính cuộc đời tác giả và xã hội đương thời mà ông chứng kiến. Trong tác phẩm, Marcel Proust mô tả bản thân là một người đi tìm kiếm ý nghĩa cũng như mục đích của cuộc đời. Nó khuyến khích mọi người hãy tôn trọng cuộc sống mà họ đang có.
Phần đầu của bộ tiểu thuyết có nhan đề Du côté de chez Swann đã bị từ chối xuất bản khi Marcel Proust gửi bản thảo đến nên ông đã quyết định tự xuất bản. Cha Marcel Proust là một bác sĩ nổi tiếng vì có công chặn đứng dịch tả ở Pháp, đồng thời ủng hộ ông xuất bản cuốn sách này. Marcel Proust tuyên bố việc ông in cuốn sách là nhằm mang lại lợi ích cho nhân loại không khác gì những điều vĩ đại mà cha ông đã làm. 7 tập của bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất đã lập kỷ lục tiểu thuyết dài nhất trong lịch sử văn chương nhân loại với tổng cộng 1.267.069 từ, số lượng ký tự được sử dụng ước tính 9.609.000 (khoảng trắng được tính là một ký tự). Với kỷ lục này, Đi tìm thời gian đã mất đã xô đổ lỷ lục của tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình của Leon Tolstoy chỉ có số từ bằng một nửa tiểu thuyết của Marcel Proust.
Cuốn sách đầu tiên viết trên máy đánh chữ
Ngày nay, viết trên máy tính là chuyện bình thường, nhưng cách đây hơn thế kỷ, chuyện này được coi là viễn tưởng. Giới sử học đều đồng tình cho rằng bản thảo Đời sống trên dòng sông Mississippi (Life on the Mississippi) năm 1882 của nhà văn nổi tiếng Mark Twain là bản thảo đánh máy đầu tiên được gửi cho nhà xuất bản. Trong tác phẩm này, Mark Twain không chỉ khoe: “Tôi là người đầu tiên trên thế giới có điện thoại trong nhà” mà còn tự hào: “Tôi là người đầu tiên trên thế giới dùng máy đánh chữ để viết tiểu thuyết”. Mark Twain còn đề cập đến tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (The Adventures of Tom Sawyer) là cuốn sách được ông sáng tác ngay trên máy đánh chữ.
Nhà sử học chuyên về máy đánh chữ Darryl Rehr xác nhận Đời sống trên dòng sông Mississippi ra mắt năm 1882 được viết trên máy đánh chữ Remington số 2. Mới đây, một cô gái 27 tuổi tên Kelly Simms đã tìm thấy ấn bản đầu tiên của cuốn sách này trong một cửa hàng sách cũ và mua nó với giá 5 USD, nhưng ngay sau đó, đã có người trả hơn 3.000 USD. Kelly Simms tiết lộ cô sẽ không bán cuốn sách với bất kỳ giá nào. “Giá trị của cuốn sách là một cuộc tranh luận thú vị nhưng cuối cùng không có kết quả. Nó thực sự vô giá đối với tôi vì tôi tìm ra nó khi tôi còn khá trẻ”, Kelly Simms bộc bạch.
Bibliosmia
Bibliosmia là thuật ngữ nói về hành động ngửi sách hay “đánh hơi” sách. Nói đến Bibliosmia, người ta lại liên tưởng đến các loại hóa chất giúp cho sách báo có mùi đặc biệt lan tỏa ra xung quanh. Những người có khả năng ngửi sách có thể xác định tuổi của một cuốn sách, nhờ một quá trình có tên “suy thoái vật chất”.
Một số người cảm thấy đây là một phần quan trọng của trải nghiệm đọc và chỉ có sách bằng giấy mới có, còn sách điện tử thì không. Ray Bradbury, tác giả cuốn Fahrenheit 451 (1953), khẳng định: “Sách điện tử có mùi như đốt nhiên liệu”, tác giả muốn so sánh với một xã hội có hành vi đốt sách được xem những ý tưởng tồi, và cũng là cách tác giả muốn đề cập về tương lai bất định của sách điện tử.
Mùi phổ biến con người liên kết với sách là do sự phân hủy hóa học của các hợp chất trong giấy. Điều này xảy ra theo thời gian và mùi tiếp tục phát triển mạnh hơn. Nhiều người thấy rằng cuốn sách càng cũ thì càng có mùi. Đối với nhiều người, mỗi cuốn sách có mùi riêng và độc đáo. Một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2015 tại Anh liên quan tới văn hóa đọc, mang tên Reading Habits phát hiện ra rằng chỉ có 10% số người được hỏi thích sách điện tử hơn những cuốn sách thông thường, trong khi 71% thậm chí chưa bao giờ sử dụng sách điện tử.
Bibliophobia
Nhiều người xem việc đọc sách là một trong những sở thích của bản thân bởi nó hữu ích về nhiều mặt, nâng cao hiểu biết nhờ khám phá thêm nhiều điều mới lạ về “tri thức của nhân loại”, nhưng có người lại mắc hội chứng lạ có tên bibliophobia (sợ sách). Đây là nỗi ám ảnh khiến người ta cứ trông thấy sách là sợ, nỗi sợ rất đa dạng như sợ câu chuyện của chính cuốn sách, sợ cầm một cuốn sách ngay cả khi ở trong thư viện. Chưa hết, những người này còn sợ hãi khi đọc to kèm theo các triệu chứng như run, đổ mồ hôi hoặc thậm chí khóc. Nếu còn ở tuổi học trò, những người này có thể bỏ tiết chỉ vì sợ đọc để tự cứu lấy mình theo cách nghĩ của họ.
Điều trị hội chứng bibliophobia khá khó khăn hoặc không mang lại kết quả nếu không biết rõ nguyên nhân. Các chuyên gia tâm lý cho rằng rất có thể ai đó đã bị buộc phải đọc quá nhiều khi họ còn là một đứa trẻ hoặc mắc khuyết tật học tập và thấy sợ khi đọc thành tiếng. Các loại ám ảnh “họ hàng” với hội chứng bibliophobia còn bao gồm dạnh hỏ khác như mythophobia (nỗi sợ huyền thoại), metrophobia (sợ thơ ca). Trái ngược với bibliophobia là hội chứng là abibliophobia (thuật ngữ đề cập tới việc đọc đi đọc lại những cuốn sách đã đọc, ngắn gọn hơn là nỗi sợ không phổ biến khi hết những thứ cần đọc).
Cuốn sách đắt nhất thế giới
Năm 1994, tỷ phú Mỹ Bill Gates đã mua cuốn Codex Leicester của Leonardo da Vinci với giá 30,8 triệu USD, khiến nó trở thành cuốn sách đắt nhất từng được mua bán trao tay. Cuốn sách từng được mua bán từ thế kỷ 18 bởi Bá tước Leicester, và cũng từ đây cuốn sách được mang tên vị bá tước này. Sau đó, nó đã được bán cho một nhà sưu tập nghệ thuật vào năm 1980 trước khi Bill Gates quyết định mua nó cho bộ sưu tập riêng của mình.
Là một fan hâm mộ của Leonardo da Vinci, Bill Gates tuyên bố: “Mặc dù, trong thời đại công nghệ thông tin miễn phí bùng nổ, Wikipedia hay YouTube giúp mọi người tiếp cận thông tin nhanh hơn nhạy hơn, những cuốn sách này không có gì sánh nổi bởi những điều kỳ diệu của cuộc sống hiện đại đã được một người đàn ông sống cách chúng ta 500 năm viết ra”. Sau khi sở hữu cuốn sách, Bill Gates cho quét từng trang để tạo ra một phiên bản kỹ thuật số Codex Leicester giúp mọi người tiếp cận trực tuyến. Thậm chí Bill Gates còn đưa sách vào như một phần của Windows 98 và Windows ME.