“Độc giả cần phải lưu ý: những quyển sách trong bộ trinh thám đen này không phải không nguy hiểm khi vào tay của mọi người. Kẻ thích chuyện bí ẩn theo kiểu Sherlock Holmes thường không được thỏa mãn. cũng không có kết thúc có hậu. Sự vô đạo trong loại văn học này chỉ nhằm mục tiêu làm nổi bật đạo đức truyền thống. Phong tục tập quán hiếm khi được tuân thủ.
Người ta gặp ở đây những cảnh sát còn thối tha hơn bọn tội phạm mà họ đang truy nã. Viên thám tử dễ thương không phải lúc nào cũng giải mã được bí ẩn, có khi chẳng có bí ẩn nào cả! Và thỉnh thoảng cũng chẳng có tên thám tử nào cả. Vậy thì sao? Chỉ có hành động, lo lắng và bạo động dưới mọi hình thức và nhất là cực kỳ đáng phỉ nhổ. Đánh đập và giết người giống như trong những bộ phim hay, trạng thái tinh thần chuyển sang hành động. Cũng có tình yêu hay đúng hơn chỉ là thú tính, đam mê vô độ và hận thù tàn khốc… Tóm lại, mục tiêu của chúng tôi chỉ là làm cho bạn không ngủ được!” (Marcel Duhamel)
Paris, mùa hè năm 1944. Quân Đồng minh vừa đổ bộ lên bờ biển Normandie và tại thủ đô nước Pháp, tình hình rất căng thẳng, Marchel Duhamel, nhân viên nhà xuất bản Gallimard, chuyên dịch các tác phẩm của các nhà văn Mỹ Steinbeck và Hermingway, được Marchel Achard giao cho dịch 3 quyển sách: Gã đàn ông này nguy hiểm và Ivy thuốc độc (Poison Ivy) của Peter Cheney, Không có hoa lan cho cô Blandish của James Hadley Chase.
Trong khi tình hình đang hỗn loạn, một gã đi bộ, không có cả chiếc xe đạp, ôm trong tay 3 quyển sách sẽ khởi đầu cho một thời kỳ mới trong văn học Pháp. Những cuộc phiêu lưu ngọan mục nhất, thường khởi đầu bằng những trường hợp khôi hài… Một năm sau, tháng 9-1945 công chúng Pháp thấy xuất hiện một bộ sách mới qua hai nhan đề đầu tiên: Cô gái xanh xám (nhan đề tiếng Pháp của bản gốc Poison Ivy) và Người đàn ông này nguy hiểm của Peter Cheney. Văn chương đen đã ra đời và không ai biết rằng 70 năm sau, đã có 2.880 đầu sách loại này đang lưu hành, trong đó có mấy trăm kiệt tác làm cho hàng trăm ngàn độc giả phải thức trắng nhiều đêm.
Giai đoạn khởi đầu vất vả và chỉ làm việc bằng thủ công. Chỉ có một mình Marcel Duhamel đảm trách, ngoài trăm ngàn công việc khác. Văn chương đen đã hâm nóng công chúng dần dần và chỉ sản xuất được 6 đầu sách trong vòng 3 năm, dù số lượng bán ra và uy tín tăng lên vùn vụt. Nước Pháp sau chiến tranh say mê tiểu thuyết Mỹ loại mới, diễn giải rõ ràng, dành cho Hollywood chuyển thể sang điện ảnh. Đã đến lúc phải chuyển sang tốc độ cao.
Năm 1948, do sự thúc đẩy của ông chủ Claude Gallimard, Marcel Duhamel đã trở thành người chủ trương một bộ sưu tập sách đóng bìa cứng màu đen và vàng, trắng huyền thoại, số lượng phát hành tăng từ 20.000 lên 30.000 quyển, với tốc độ 2 quyển/tháng, dịch từ những tác giả hàng đầu của nước Mỹ như Chandler. Văn chương đen trở thành một cỗ máy in tiền và nghiền nát đêm tối của độc giả. Chuyện nghiêm túc đã bắt đầu.
Không còn những cuộc điều tra cầu kỳ,dựa vào một suy luận tinh tế, tất cả gói gọn trong ngôn ngữ lịch thiệp. Tiểu thuyết hình sự mới được văn chương đen phổ biến cho đại chúng bằng giọng điệu hè phố và côn đồ, mô tả một thế giới bằng hành động thích hợp với tiền bạc và thủ đoạn, bọn chính trị gia đồi bại, vua chúa thối tha. Trong Ngôi mộ rỗng (Fast Ones, 1959) của Paul Cain, nhà văn California, kể chuyện đấu đá trong thế giới băng đảng chính trị ở bờ Tây nước Mỹ trong thập niên 1930, là mô hình của loại trinh thám đen mà Marcel Duhamel muốn triển khai trong bộ sưu tập của mình.
Trong khi đó ở bên kia bờ Đại Tây Dương, dưới ảnh hưởng của các đại thụ thời đó như Raymond Chandler, Horace McCoy, Don Tracy, William Riley Burnett hay Dashiell Hammett, cả một thế hệ nhà văn trẻ đã nhúng bút của mình vào thuốc súng và thuốc độc. Rất nhanh, một số trong họ đã vượt hẳn lên thể loại trinh thám chặt chẽ để phác họa đường nét một loại văn chương nền tảng có ảnh hưởng đáng kể tới toàn bộ nền văn học của hậu bán thế kỷ 20, kéo dài đến tận hôm nay.
Từ đầu thập niên 1950, Marcel Duhamel lãnh đạo một nhóm người thực sự phải sản xuất ra mỗi tháng 100 bản thảo viết tay để tuyển chọn những tác phẩm tốt nhất. Trong những năm tiếp theo, công chúng Pháp ngày càng đông đảo phát hiện ra không ít tên tuổi mới: Jim Thompson, Kenneth Millar, David Goodis trầm mặc, Carter Brown dài dòng, hay sau này là Donald Westlake hoang tưởng, đã dần dần thay thế chỗ đứng của các nhà văn cổ điển hàng đầu.
Những người am hiểu bắt đầu theo dõi những cuộc phiêu lưu của các cảnh sát quận 87 Isola, một thành phố giống hệt New York, qua câu chuyện dài của Ed McBain. Nhưng chính một gã Mỹ da đen sống trong khu ổ chuột, lưu lạc đến Paris vào năm 1958, mới làm người ta kinh ngạc và một lần nữa làm đảo lộn mọi quy luật của truyện trinh thám.
Chester Himes với quyển Nữ hoàng táo, tạo cho trinh thám đen những chữ quý tộc mới và chứng minh một lần nữa rằng sự khác biệt giữa văn chương hình sự và văn chương thuần túy chỉ là một tờ giấy vấn thuốc lá có dính vết son môi. Trong một nhận xét bốc lửa, Jean Giono không ngần ngại so sánh Ed Cercueil và Fossoyeur với Steinbeck, Dos Passos và Hermingway! Trinh thám đen đã trở thành một môn phái văn học thực sự.
Nếu trinh thám đen đã nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn của một loại tiểu thuyết mới của nước Mỹ và giới thiệu cho công chúng ngay từ đầu những đại diện xuất sắc nhất thì các nhà văn Pháp cũng không chịu lép vế trong cuộc cách mạng văn học này. Ngay từ năm 1948, dưới các bút danh rất Ănglê như Terry Steward, Serge Arcouet, họ là những nhà văn trinh thám địa phương đầu tiên. Mấy năm sau lại xuất hiện thêm Albert Simoni với quyển Đừng chạm vào tiền! được Pierre Marc Orlan giới thiệu, đã nhanh chóng trở thành một best-seller.
Với quyển tiểu thuyết đầu tiên đặc biệt viết bằng tiếng lóng (kèm theo một danh sách chú giải, mà đến năm 1968 đã trở thành Tiểu từ điển chú giải Simonin) một tài xế taxi trong một sớm một chiều trở thành một tác giả best-seller lừng lẫy, mở đường cho những Jean Amila, Ange Bastiani, Auguste Le Breton, Antoine-Louis Dominique (với truyện Con khỉ đột nổi tiếng) hay Pierre Lesou (với quyển Le Doulos) lao theo, tạo thành một phong trào văn học.
Từ đó, cùng với làn sóng văn học mới sôi sục tại Mỹ, nước Pháp cũng phản ánh những phong trào và biến cố dồn dập trong xã hội qua văn chương trinh thám đen. Sau biến cố tháng 5.1968, biểu tình trên cả nước lật đổ De Gaulle các quyển Cứ để xác chết phơi nắng, Nada của Jean-Patrick Manchettexuất hiện, nhanh chóng thêm vào danh sách best-seller.
Khi Marcel Duhamel qua đời năm 1977, người kế vị ông là Robert Soulat. Cùng với những tác phẩm lớn từ bên kia Đại Tây Dương như Jerome Charyn với Marilyn, đồ điên, một thế hệ nhà văn Pháp xuất hiện trong dáng dấp tuổi trẻ nổi giận. Họ thuộc loại rock’n’roll, nghiền ngẫm trinh thám đen từ lúc còn bú sữa bình.
Đó là những Tito Topin với Graffiti Rock, Didier Daeninckx với Giết người để nhớ, Jean Bernard Pouy với Chúng tôi đã đốt chết một thánh nữ, giọng điệu cương quyết hơn bao giờ hết với những hiện thực xã hội. Nhà xuất bản Gallimard đi vào một thời kỳ vàng son mới. Một tín hiệu đáng nói của thời đại: nếu ngày mừng quyển sách trinh thám đen thứ 1.000 ra đời là của một tác giả người Mỹ tên Jim Thompson thì quyển sách thứ 2.000 lại là của nhà văn người Pháp: Thierry Jonquet.
Nếu từ lâu, nhờ vào trinh thám đen mà văn chương trinh thám không còn bị xếp loại văn chương hạng B nữa, sự xuất hiện vào đầu thập niên 1980 của những nhà văn Mỹ như Tony Hillerman (Người của bóng tối), Harry Crews (Hội chợ rắn), Nicks Tosches (Tôn giáo của kẻ bại trận), và nhất là James Crumley (Vũ điệu của gấu), đã làm cho nó phất lên một lần nữa. Dù trải qua năm tháng dài, trinh thám đen vẫn hơn bao giờ hết là chiếc tủ kính trưng bày hàng cho các nhà văn đến từ các bang Georgia và Montana của Hoa Kỳ. Tuy nhiên sự việc đã thay đổi.
Từ đầu những năm 1990, Patrick Raynal “kế vị” Robert Soulat, dẫn dắt khẩu đại pháo trinh thám đen. Lần đầu tiên một tác giả truyện trinh thám lên lãnh đạo nhà xuất bản lừng lẫy này. Tác giả Tên giết cây dẫn dắt các đồng nghiệp vào một cuộc phiêu lưu mới. Maurice G. Dantec làm đổ máu một lần nữa trên đường phố Bottin.
Mỹ nhân ngư đỏ phát hành năm 1993, rồi Gốc rễ của tội ác 2 năm sau đó, cho thấy một tác giả trẻ tung hứng với những tác phẩm đầy tham vọng, vượt xa các đàn anh. Tại Marseille, Jean-Claude Izzo, với những bức thư tình sấm sét gởi cho thành phố của mình trong Toàn bộ Khéops, 1995, tiếp theo là Chourmo và Solea, cho công chúng thấy một người hùng hiện đại là thanh tra Fabio Montale làm việc trên sao Hỏa, thành công rất lớn.
Từ Albania đến Mexico, các tác giả truyện trinh thám đen cũng thành công không kém như Jurgen Alberts, người Đức, Matti Yrjana Joensuu, người Phần Lan, Nicoletta Vallorani, người Ý, Andreu Martin, người Tây Ban Nha, Stig Holmas, người Na Uy, Virion Graci, người Albania sóng bước bên cạnh các tác giả người Mỹ như Chase, Hammett, Chandler hay Burnett nằm trên kệ sách khắp thế giới.
Năm 2015, trong một thế giới mềm dẻo, mà thay đổi dường như là một quy luật, những quyển sách trinh thám bìa màu vàng của nhà xuất bản Aurélien Masson, thành lập năm 2005, vẫn còn đó, đầy sức sống như y thuở ban đầu. Từ 10 năm qua, khi chuyển sang khổ lớn, nó vẫn cung cấp một toàn cảnh phổ quát nhất của văn chương đen hiện đại: trinh thám nghẹt thở, tiểu thuyết hình sự, các vụ án chính trị và lịch sử.
Sự thành công của các tác giả như Caryl Férey (Mapuche), DOA (Công dân bí ẩn), Ingrid Astier (Bến cảng địa ngục) khiến cho người ta tin rằng trái tim của văn chương đen vẫn còn đập tại nước Pháp. Thế nhưng các tác giả nước ngoài cũng không hề thua kém, với Jo Nesbo (Ngôi sao của quỷ), Ken Bruen (Bàn tay phải của quỷ), Marek Krajewski (Ma ở Breslau), Larry Beinhart (Người giữ thư viện) hay Marcus Sakey (Những kẻ xuất sắc). Từ năm 2017, Stéfanie Delestré cầm đầu nhà xuất bản Gallimard.
Từ khởi điểm, truyện trinh thám đen có hai ông trùm bảo trợ: danh họa Pablo Picasso (1881-1973) chuyên vẽ ảnh bìa và nhà thơ Pháp Jacques Prévert (1900-1977) đặt tựa đề.
Ngay từ năm 1945, Raymond Queneau là một trong những người đầu tiên nhấn mạnh đến nguồn gốc của loại văn chương mới này của Mỹ khi ông viết: “Chú ý của tác giả và độc giả, không còn nhắm vào âm mưu nữa, mà là các nhân vật phác họa ra những điều bí ẩn. […] Sự tàn bạo và kích dục đã thay thế cho những suy luận thông thái. Thám tử không còn thu lượm tàn thuốc lá, mà là đá vỡ mặt nhân chứng. Bọn cướp là hoàn toàn bẩn thỉu, đồi bại và trác táng. Mọi phụ nữ đều có cập chân tuyệt hảo, luôn nham hiểm, phản trắc và tàn bạo không kém đàn ông”.