Việc dỡ bỏ cách ly đang diễn ra trên khắp thế giới. Từ nay, tất cả các quốc gia hiểu rằng nhân loại phải học cách chung sống với đại dịch Covid-19. Nhưng để tránh nguy cơ một đợt dịch tiếp theo bùng phát, nhiều thói quen mới được hình thành. 15 bức ảnh minh họa kèm theo bài viết này sẽ cho chúng ta thấy thế giới sau đại dịch Covid-19 sẽ như thế nào. Và điều này là một thực tế chớ không phải là câu chuyện mộng mơ.
Cửa hàng thức ăn nhanh
Trong khi McDonald’s chuẩn bị mở cửa lại nhà hàng ở nhiều quốc gia, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này đang thực hiện nhiều thay đổi để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Tại Hà Lan, mới đây McDonald’s đã thử nghiệm các tính năng mới ở thành phố Arnhem, đặc biệt là các xe đẩy thức ăn phục vụ và đánh dấu trên mặt sàn vị trí khách hàng đứng chờ cách nhau 1,5m giữa hai người, kể cả hàng người đứng chờ từ bên ngoài nhà hàng.
Để tránh ùn tắc gia thông, ngay khi một hàng xe chạy vào chờ mua thức ăn hình thành, một hàng rào tạm thời chắn ngang, và bên trong nhà hàng, các bàn được đặt cách xa nhau và ngăn cách nhau bằng tấm nhựa Pexiglas trong suốt thay thế thủy tinh.
Ở lối vào, nhiều miếng nhãn dán trên mặt sàn nhắc nhở các biện pháp giãn cách cần tôn trọng. Một nhân viên, mang khẩu trang và găng tay, ngồi phía sau bàn trang bị tấm nhựa Pexiglas bảo vệ, cung cấp cho khách gel vệ sinh, thuốc sát trùng tay.
Hình ảnh cho thấy những dòng người đứng cách xa nhau theo đúng cự ly giãn cách xã hội qui định, chờ đến lượt mình vào mua thức ăn tại một cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s, KFC trong tương lai.
Nhà hàng truyền thống
Ở Pháp, các nhà hàng chưa được bật đèn xanh để mở cửa trở lại. Tuy nhiên giới chủ nhà hàng đang chuẩn bị kịch bản phục vụ ăn uống trong tương lai. Ý đã bật mí những gì có thể làm, nhưng các hình ảnh cho thấy những tấm bằng nhựa Pexiglas ngăn cách thực khách ngồi cùng bàn và bàn kế cận. Chính quyền Ý đã bắt đầu dỡ bỏ một số biện pháp giãn cách xã hôi. Các quán bar, nhà hàng sẽ đón nhận thực khách đến ăn uống tại quán từ tháng 6 tới.
- Xem thêm: Nỗi buồn trống vắng thời coronavirus
Những tấm ảnh chụp tại Rome và Milan cho thấy các cơ sở ở 2 thành phố này đã chuẩn bị như thế nào. Các vách ngăn trong suốt lắp đặt giữa bàn giúp cho thực khách ngồi ăn đối diện nhau mà không sợ chạm nhau nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm Coronavirus. Nhân viên cũng được bảo vệ bởi những tấm ngăn trong suốt đặt trên quầy bar.
Trên máy bay
Công ty nội thất máy bay của Ý Avio Interiors cung cấp cho các hãng hàng không hai khái niệm mô hình nhằm bảo vệ hành khách đi máy bay tránh nguy cơ bị lây nhiễm Coronavirus. Được đặt tên Glassafe và Janus, hai mô hình này bao gồm một hệ thống vách ngăn Pexiglas để tạo điều kiện tuân thủ qui định giãn cách xã hội một khi các chuyến bay được nối lại.
Những chuyến bay trong tương lai: ghế ngồi được ngăn cách bởi những tấm ngăn Pexiglas trong suốt và ghế ngồi ở giữa được đảo chiều để giữ khoảng cách.
Các lớp học tương lai
Ở Trung Quốc, học sinh phải đội nón có sải cánh rộng 1 mét để giữ khoảng cách với bạn học. Trong trường học, việc mang khẩu trang được thực hiện bắt buộc đối với một số em, tùy theo độ tuổi. Lớp học có số lượng học sinh ít hơn để giữ khoảng cách. Ở Trung Quốc, các em học sinh thậm chí còn phải đội nón có sải cánh rộng 1m nhằm giữ khoảng cách với bạn học.
Tại tiệm làm, hớt tóc
Khi mở cửa trở lại, thợ làm, hớt tóc phải tự bảo vệ mình bằng cách mang khẩu trang và mặt nạ trong suốt che mặt cũng như găng tay. Ghế dành cho khách ngồi làm tóc cũng phải giữ đúng khoảng cách. Bồn gội đầu cũng vậy.
Bãi biển với những ô vuông bảo vệ
Ở Ý, chủ sở hữu các bãi biển tư nhân đang nghĩ đến việc lắp đặt những ô vuông vách ngăn có chức năng bảo vệ và đảm bảo khoảng cách xã hội.
Sân bóng đá kín hay gần như thế
Ở Đức, sân bóng đá chỉ có hình nộm của người hâm mộ, cổ động viên có mặt trên khan đài. Huấn luyện viên cũng không thể có tiếng nói chỉ đạo đội mình.
Giao thông công cộng
Ở Iran, những người sử dụng phương tiện giao thông công cộng được mời ngồi cách khoảng một ghế trống bên cạnh và ghế phía trước bỏ không cũng được đánh dấu chéo.
Xe đạp hay xe vua trong các thành phố
Ở thủ đô Paris cũng như nhiều thành phố khác, người dân được khuyến khích tự đi lại bằng xe đạp. Đáng chú ý là chính phủ Pháp đã lên kế hoạch dành khoản ngân sách 20 triệu euro để thực hiện sáng kiến này.
Các cuộc biểu tình trong tương lai
Các cuộc biểu tình cũng phải được sáng tạo lại, như trong ảnh 10 ghi nhận được tại Thụy Sĩ. Biểu tình rõ ràng là một quyền, mà các hình thức hoạt động của nó chủ yếu dựa trên sự tụ họp, sẽ không còn tồn tại như trong quá khứ. Ảnh 10 ghi lại cuộc biểu tình ở Thụy Sĩ là một minh chứng: những người biểu tình kêu gọi đổi mới nhân văn địa phương và bền vững vào ngày mở cửa lại Quốc hội Thụy Sĩ. Các khẩu hiệu không còn được hét lên như trước mà được ghi trên nền ciment. Mang khẩu trang, những người biểu tình ngồi, đứng hay nằm trong ô 4m2. Họ vỗ tay để thể hiện mong muốn, gây sự chú ý và kêu gọi mọi người tham gia.
Hôn và chào nhau
Cặp tình nhân ôm hôn nhau nhưng vẫn giữ nguyên khẩu trang. Thoạt nhìn có vẻ hơi cường điệu, nhưng những biện pháp rào cản ngăn không cho ôm ghì chặt lấy nhau, bắt tay chào hỏi, hôn để chào hỏi hay tạm biệt là thói quen của nhiều người ở nhiều nước.
Đi chợ
Mang khẩu trang, găng tay và đôi khi mang cả tấm che, nhân viên thu ngân đứng làm việc phía sau tấm nhựa bảo vệ trong suốt. Người mua hàng cũng được yêu cầu tôn trọng các biện pháp rào cản và giãn cách qui định khi đi chợ. Đó là những thói quen được thực hiện từ giữa tháng 3 vừa qua ở nhiều nước…
Chơi thể thao
Từ giữa tháng 6, một số tỉnh thành cho phép người dân chơi lại thể thao. Tuy nhiên các hoạt động luyện tập phải duy trì khoảng cách với những người khác.
Đi mua sắm
Mọi người sẽ không còn theo thói quen đi mua sắm như trước đây. Các cửa hàng chỉ cho khách đi mua sắm vào cửa hàng theo số lượng qui định, yêu cầu họ mang khẩu trang, không chạm tay vào bất cứ thứ gì mình muốn, duy trì khoảng cách qui định giữa 2 người và đôi khi còn phải đi theo hướng đi từ cửa vào cho đến khi ra khỏi cửa hàng theo mũi tên chỉ dẫn in trên nền.
Làm việc trực tuyến tại nhà
Nhiều công ty trên khắp thế giới khuyến khích nhân viên làm việc trực tuyến từ xa dù các biện pháp cách ly đã dần được giảm nhẹ hay dỡ bỏ.