Marsha Mehran, nữ tiểu thuyết gia gốc Iran, không được cấp visa mà cô cần để có thể sống yên bình ở Mỹ. Cuộc sống của cô biến thành ác mộng khi buộc phải cư ngụ ở Ireland.
Ngày 12.4.2014, nhân viên đại lý bất động sản Teresa Walsh nhận được một tin nhắn từ Marsha Mehran: “Teresa, tôi nôn ra máu từ nhiều tuần qua. Vài ngày tới, tôi sẽ đến gặp chị để bàn về tình hình nhà cửa. Lần này chắc là tôi bệnh thật rồi”.
Từ đầu năm 2014, Marsha Mehran thuê một một căn nhà nhỏ ở Lecanvey, một ngôi làng thuộc quận Mayo, bên bờ Tây Ireland. Mehran giải thích với Teresa Walsh rằng cô cần chỗ ở để viết một cuốn tiểu thuyết mới.
Đọc tin nhắn, Teresa Walsh lập tức hỏi Marsha Mehran đã đi khám bệnh chưa và liệu cô có thể giúp gì cho Marsha, nhưng không nhận được hồi âm.
18 ngày sau, vào ngày 30.4.2014, Teresa Walsh đến thăm Marsha Mahran. Cô mở cửa ngôi nhà nhỏ màu xám bằng một chìa khóa thứ hai và thấy Marsha nằm trên sàn nhà bếp, một áo gilet bằng len đắp hờ trên vai, hẳn đã chết trước đó vài ngày.
Nhà văn vừa 37 tuổi. Đã có 2 tác phẩm được xếp vào danh sách best-seller: Pomegranate Soup và Rosewater and Soda Bread.
Tiểu thuyết đầu tiên, Pomegranate Soup (2005), là câu chuyện về 3 chị em trốn khỏi Iran trong thời kỳ cách mạng, đến một thành phố nhỏ ở Tây Ireland, mở quán cà phê Babylon.
Tác giả dựa trên truyện thật của gia đình cô để viết tiểu thuyết này, trong đó có cả một số công thức chế biến thức ăn và sự pha trộn “món ăn Iran và lối sống Ireland”. Sách được dịch ra 12 ngôn ngữ và được xuất bản tại 20 quốc gia trên thế giới.
Tiểu thuyết thứ hai, Rosewater and Soda Bread (2008), được xem là phần nối tiếp của Pomegrante Soup.
Tiểu thuyết The Margaret Thatcher School of Beauty (2014), được xuất bản sau khi tác giả qua đời, lấy bối cảnh Buenos Aires trong thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh Falklands, kể chuyện một nhóm bạn họp mặt mỗi tuần để đọc thơ và truyện.
Từ Buenos Aires đến Mỹ
Mahsa Mehran chào đời ở Teheran (Iran) năm 1977. Cha mẹ của cô chọn tên cho con gái tên là “Mahsa”, nghĩa là “giống mặt trăng” theo tiếng Ba Tư cổ vì khuôn mặt tròn và đôi mắt to đen của cô bé.
Một năm sau đó, Iran chìm trong tình trạng căng thẳng tột độ, bị xâu xé giữa nhiều phong trào phản kháng và chế độ quân chủ ngày càng hà khắc. Cha mẹ cô quyết định rời đất nước.
Đầu tiên, họ chọn nước Mỹ. Cuộc khủng hoảng con tin Mỹ ở Iran buộc họ phải xem lại kế hoạch. Rốt cuộc, họ lưu lạc đến Buenos Aires (Argentina) vào năm 1979.
Ông bà Mehran mở một cửa hiệu gia vị và ghi danh cho con gái theo học trường St.Andrew’s Scots, một trường Scotland ở bắc Buenos Aires. Nhà chất đầy sách do cô bé mê đọc.
- Xem thêm: Để thưởng thức trọn vẹn một tác phẩm
6 tuổi, Marsha đã nói sõi tiếng Parsi, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Rồi tin vui đến, gia đình Mehran được phép nhập cảnh Mỹ, định cư ở Miami (Florida). Tại đây, cô con gái đã chọn cho mình một tên mới: Marsha.
Khi cha mẹ cô ly hôn vào năm 1990, Marsha Mehran lại xếp hành lý sang Australia, theo học trường trung học Adelaide.
Khi tốt nghiệp trung học, cô trở về Mỹ với 200 USD trong túi và nỗi khát khao chinh phục đất nước không ngừng thoát khỏi tầm tay của cô. Lần này cô chọn điểm đến là New York.
Thời gian đầu, Marsha làm hầu bàn trong một nhà hàng do mafia Nga quản lý. Cô kể: “Thật kỳ lạ, chẳng có một người khách nào, cho đến khi tôi hiểu ra nhà hàng chỉ là bề mặt để rửa tiền”.
Một tối nọ, cô vào một quán rượu ở Manhattan, mong được khuây khỏa. Cô lập tức phải lòng anh chàng pha chế rượu, cũng là dân Ireland ở hạt Mayo, miệng lưỡi lưu loát, tên Christopher Collins. 2 tháng sau, anh ngỏ lời cầu hôn. Lễ cưới diễn ra ở Australia.
Cuộc sống cuả cặp vợ chồng trẻ cứ như thuyền trên sông, lúc ở Australia, khi ở Mỹ hay Ireland. Đến một đêm nọ, Marsha như phát hiện một điều mới mẻ: cô tự nhủ hoặc trở thành nhà văn hoặc chẳng là gì cả.
Cô dành 2 năm ròng rã để viết một bản thảo dài, nhưng khi truyện kết thúc cô nhận ra nó thiếu sức sống, một niềm hoan hỉ riêng của nguời Iran và văn hóa Iran.
Thế là cô dành tâm sức cho một tiểu thuyết mới, lần này chỉ viết trong vòng 6 tuần, được nhà xuất bản Harper Collins chấp nhận. Marsha Mehran hớn hở, nhảy chân sáo trên giuờng: “Em có thể mua áo ngủ mới”.
Còn người chồng cảm thấy ngày càng yêu vợ hơn. Nhưng một vấn đề chẳng ai ngờ lại xảy ra. Vì một tội không mấy quan trọng, Marsha bị ngưng cấp visa thường trú ở Mỹ.
Cặp vợ chồng trẻ khánh kiệt vì gánh nặng chi phí cho luật sư, nhưng không đạt kết quả. Nữ văn sĩ không thể lưu trú tại Mỹ. Cô ao ước được sống ở Brooklyn, nơi mà sự pha trộn văn hóa giúp cô vững tâm và phấn chấn.
Mọi nỗ lực xoay sở của cô tan như bọt nước. Cuộc hôn nhân cũng không thể đứng vững: Marsha và Christopher ly hôn năm 2008. Tuy vậy, tiểu thuyết thứ hai của cô, Rosewater and Soda Bread, vẫn được xuất bản. Marsha vẫn sống cảnh không nhà.
Suy sụp tinh thần
Trở lại Ireland, Marsha yêu cầu được nhập tịch nước này và được chấp thuận. Cô sống như một người ở ẩn. Cô treo tấm bảng nhỏ trên cửa nhà: “Xin đừng làm phiền. Tôi đang làm việc”.
Dù trời mưa hay gió, chủ nhân của quán rượu ở góc đường lúc nào cũng thấy Marsha ngồi trên băng ghế trước quán. Họ nhiều lần mời cô vào quán, nghĩ rằng cô cần wi-fi, nhưng cô từ chối. Dường như cô thích sự lẻ loi.
Bên bờ vực ám ảnh, cô viết và sửa bản thảo của quyển sách cuối cùng, The Saturday Night School of Beauty.
Trong thư gửi cha, cô viết: “5 tháng vừa qua, con dành cho việc sửa bản thảo. Không đêm nào con ngủ yên giấc. Sực tỉnh giữa đêm, người con ướt đầm mô hôi, tim đập dồn dập trong ngực. Con có cảm tưởng mình già hơn 10 năm tuổi, mắt trĩu, da xỉn, với ký ức mơ hồ rằng con gội đầu cách nay đã một tuần”. Trong những tuần cuối cùng, cô ngủ ban ngày và viết về đêm.
Khi nhân viên bất động sản Teresa Walsh bước vào căn nhà mới của Marsha Mehran vào ngày 30.4.2014, cô thấy trong nhà đầy những mẩu giấy gói thực phẩm, chai nhựa rỗng và những bao chocolat.
Nấm mốc phủ đầy các bô chứa nước tiểu đặt trong mỗi phòng. Cạnh Mehran là đồng tiền 1 euro và một tờ giấy tính tiền 5 USD. Không thấy rượu, thuốc hay ma túy.
Báo cáo giải phẫu từ thi cho thấy Marsha Mehran có thể bị nhiễm khuẩn ruột khiến cô bị mất nước. Thi thể của cô ở trong trạng thái bị phân hủy nặng, khó có thể khẳng định nguyên do gây tử vong một cách chắc chắn.
Cả cha và chồng cũ của Marsha Mehran đều nghĩ rằng sự thiếu chỗ dựa và cội nguồn giữ một vai trò đáng kể trong sự bất ổn định tinh thần của cô.
Christopher Collins ngậm ngùi: “Cô ấy suốt đời đi tìm một tổ ấm, một quê hương. Không tổ quốc, không có một ngôi nhà thật sự trong nhiều năm, năm này sang năm khác”.
Kết cục bi thảm của Marsha Mehran nhắc chúng ta rằng khi người nhớ đất, họ sẽ tìm đủ cách để bù đắp hay giải tỏa. Và hệ quả không mong muốn có thể đến từ đây.