Chuẩn mực văn hóa khác nhau
Cheryl Man thường là người duy nhất đeo khẩu trang trên tàu điện ngầm ở thành phố New York của nước Mỹ. Cô cũng nhận thấy một số người khác trên tàu cũng vậy. Thường thì cô chỉ bị những người đi làm khác nhìn chằm chằm từ. Nhưng vào một buổi sáng, khi đang đi bộ đến trường, cô bị một nhóm thanh thiếu niên chế nhạo và ho về phía cô.
Man, một sinh viên 20 tuổi và trợ lý nghiên cứu là người gốc Hoa, nói: “Tôi cảm thấy rất nhục nhã và bị hiểu lầm”. Man cũng cảm thấy sự kỳ thị tại nơi làm việc, nơi cô vẫn đeo khẩu trang. Không ai trong số các đồng nghiệp của cô đeo khẩu trang, và một số người đã hỏi cô có bị bệnh không. Man nói: “Tại sao họ nghĩ như thế về tôi? Đó là nghĩa vụ công dân thôi mà. Điều đó có thể cứu được rất nhiều người”. Mặc dù việc đeo khẩu trang đã trở thành thông lệ ở nhiều nơi ở châu Á, song ở Mỹ, đeo khẩu trang khi khỏe mạnh bị coi là không thể chấp nhận được về mặt xã hội.
- Xem thêm: Cuộc đua vaccine: Dục tốc bất đạt
Khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, rõ ràng có hai trường phái tư tưởng liên quan đến khẩu trang cho công chúng. Một mặt là quan điểm được chia sẻ bởi TS William Schaffner, giáo sư Khoa Truyền nhiễm Đại học Vanderbilt, người nói rằng khẩu trang y tế thường được đeo bởi công chúng không vừa khít quanh mũi, má và cằm.
Schffner bình luận: “Và nếu có một khuyến nghị chung là mọi người nên đeo khẩu trang, chúng tôi sẽ không có đủ nguồn cung cho nhân viên y tế. Ưu tiên nên là khẩu trang để sử dụng trong môi trường chăm sóc sức khỏe thay vì trong cộng đồng của chúng ta”. Tuy nhiên, David Hui, chuyên gia về hô hấp tại Đại học Hong Kong – người đã nghiên cứu về sự bùng phát của hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) từ năm 2002 đến 2003 – nói rằng cảm giác thông thường là đeo khẩu trang sẽ bảo vệ chống lại các dịch bệnh truyền nhiễm như Covid-19. Hui giải thích: “Nếu bạn đang đứng trước một người bị bệnh, khẩu trang sẽ mang lại cảm giác được bảo vệ.
Khẩu trang cung cấp một rào cản chống lại các giọt bắn hô hấp làm virus lây lan”. Ông cũng nói rằng vai trò của khẩu trang có thể đặc biệt quan trọng trong dịch bệnh do bản chất của virus. Bệnh nhân mắc Covid-19 thường bị nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng, và một số nhà nghiên cứu tin rằng nó cũng có thể lây truyền khi bệnh nhân không có triệu chứng – nghĩa là bệnh nhân có thể truyền nhiễm và không biết họ bị bệnh.
Hui nói thêm rằng mặc dù thiếu bằng chứng vững chắc về sự hỗ trợ hiệu quả của khẩu trang chống lại virus, nhưng không có lý do gì để loại bỏ việc sử dụng nó bởi vì có thể không bao giờ có bằng chứng khoa học dứt khoát. Một nghiên cứu được kiểm soát thích hợp sẽ không thể tiến hành về mặt đạo đức. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Joseph Tsang cho biết mục đích của việc đeo khẩu trang là bảo vệ 2 lần: “Việc đeo khẩu trang không chỉ để bảo vệ bản thân khỏi bị lây nhiễm mà còn giảm thiểu khả năng nhiễm trùng tiềm ẩn trong cơ thể bạn khỏi lây lan sang những người xung quanh bạn”.
Tsang cho biết 3 lớp của bộ lọc khẩu trang y tế giúp giảm nguy cơ tiếp xúc với các giọt bắn mà qua đó virus có cơ hội được truyền đi. Tsang khuyến cáo: “Bất cứ khi nào bạn thấy phía trước mặt có một người ở khoảng cách 2 đến 3 mét thì tốt hơn là đeo khẩu trang”.
Nhưng ngay cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát, khẩu trang cũng đã là một cảnh tượng phổ biến trên khắp Đông Á vì nhiều lý do. Nó phổ biến cho những người bị bệnh và muốn bảo vệ những người xung quanh không đeo khẩu trang. Những người khác đeo khẩu trang trong mùa lạnh và cúm để bảo vệ bản thân.
Mitsutoshi Horii, giáo sư xã hội học Đại học Shumei (Nhật Bản), cho biết: “Tại Nhật Bản, mọi người đeo khẩu trang vì những lý do phi y tế, từ việc muốn che giấu đôi môi sưng hay mũi đỏ trong mùa dị ứng, để giữ ấm trong mùa đông. Sự khác biệt trong nhận thức về khẩu trang một phần là do các chuẩn mực văn hóa về việc che mặt bạn. Trong các tương tác xã hội ở phương Tây, bạn cần thể hiện bản sắc của mình và giao tiếp bằng mắt. Biểu cảm khuôn mặt rất quan trọng”.
Cái bóng u ám của dịch SARS cũng giúp giải thích sự phổ biến của khẩu trang, đặc biệt là ở Hong Kong. Có lẽ không nơi nào trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề như Hong Kong, nơi gần 300 người chết vì virus – chiếm hơn một phần ba số ca tử vong do SARS chính thức trên toàn thế giới.
Ria Sinha, nghiên cứu sinh cao cấp tại Trung tâm Nhân văn và Y học của Đại học Hồng Công, cho biết: “Phần lớn cú sốc của SARS đã hình thành nên nghi thức địa phương này. Mặc dù thế hệ trẻ không nhớ SARS, song cha mẹ và ông bà của họ đã trải qua nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn của một bệnh truyền nhiễm mới. Khẩu trang đã trở thành một biểu tượng và một công cụ bảo vệ và đoàn kết. Khẩu trang không phải lúc nào cũng là một quyết định đối với nhiều người, nhưng bị ràng buộc trong thực hành văn hóa xã hội”.
Man và những người khác ở phương Tây đang phát hiện ra rằng việc đeo khẩu trang cũng có thể thu hút sự chú ý không mong muốn, và thậm chí khiến họ trở thành mục tiêu tấn công. Man cho biết ngay cả khi các trường hợp nhiễm coronavirus ở Mỹ đã tăng lên, khoảng một phần tư bạn bè của Man đến từ Hong Kong, Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc sẽ không đeo khẩu trang vì lo ngại về phân biệt chủng tộc và bài ngoại.
Khẩu trang như một mối quan hệ xã hội
Kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch Covid-19, lời khuyên chính thức từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã rõ ràng. Chỉ có 2 loại người cần đeo khẩu trang: những người bị bệnh và có các triệu chứng, và những người đang chăm sóc cho những người bị nghi ngờ nhiễm Coronavirus. Không ai khác cần phải đeo khẩu trang, và có một số lý do cho điều đó. Một là khẩu trang không được coi là sự bảo vệ đáng tin cậy vì nghiên cứu hiện tại cho thấy virus lây lan qua các giọt nước bắn và không lây truyền qua không khí.
Đây là lý do tại sao các chuyên gia nói rằng rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước có hiệu quả hơn nhiều. Việc tháo khẩu trang đòi hỏi sự chú ý đặc biệt để tránh nhiễm bẩn tay và nó cũng có thể gây ra cảm giác an toàn sai lầm. Tuy nhiên, ở một số vùng của châu Á, mọi người đều đeo khẩu trang theo mặc định – nó được coi là an toàn và chu đáo hơn. Ở Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Nhật Bản, Thái Lan và Đài Loan, giả định rộng rãi là bất kỳ ai cũng có thể là người mang virus, ngay cả những người khỏe mạnh.
Vì vậy, trong tinh thần đoàn kết, bạn cần bảo vệ chính mình cũng như cả những người khác. Một số chính phủ kêu gọi mọi người đeo khẩu trang, và ở một số vùng của Trung Quốc, bạn thậm chí có thể bị bắt và bị trừng phạt vì không đeo. Trong khi đó, tại Indonesia và Philippines, hầu hết mọi người ở các thành phố lớn đã bắt đầu đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân khỏi những người khác. Đối với nhiều quốc gia trong số này, đeo khẩu trang là một chuẩn mực văn hóa ngay cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Khẩu trang thậm chí đã trở thành tuyên ngôn thời trang – đã có lúc khẩu trang Hello Kitty là cơn sốt trên thị trường đường phố Hong Kong.
Ở Đông Á, nhiều người đã quen đeo khẩu trang khi bị bệnh hoặc khi mùa khô vì nó bị coi là bất lịch sự khi hắt hơi hoặc ho một cách công khai. Sự bùng phát dịch SARS năm 2003, ảnh hưởng đến một số quốc gia trong khu vực, cũng cho thấy tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang, đặc biệt là ở Hong Kong, nơi nhiều người đã chết vì virus này. Vì vậy, một điểm khác biệt chính giữa các xã hội này và các xã hội phương Tây, là họ đã trải qua sự lây nhiễm trước đây – và những ký ức vẫn còn mới mẻ và đau đớn.
Trong khi đó, ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở các thành phố đông dân hơn, nhiều người đeo khẩu trang trên đường phố chỉ vì ô nhiễm. Nhưng nó đã không được bắt gặp ở khắp mọi nơi ở châu Á – tại Singapore, chính phủ đã kêu gọi công chúng không đeo khẩu trang để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho nhân viên y tế và hầu hết mọi người đi bộ xung quanh mà không có ai đeo khẩu trang. Có sự tin tưởng công khai đáng kể vào chính phủ; vì vậy, mọi người có thể lắng nghe những lời khuyên như vậy.
Một số người lập luận rằng việc đeo khẩu trang phổ biến, như một lời nhắc nhở trực quan về sự nguy hiểm của virus, thực sự có thể hoạt động như một “cú huých hành vi” đối với bạn và những người khác để giữ vệ sinh cá nhân tốt hơn. Donald Low, nhà kinh tế học và giáo sư Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nói: “Đeo khẩu trang mỗi ngày trước khi bạn ra ngoài cũng giống như một nghi thức, giống như mặc đồng phục, và trong hành vi nghi lễ, bạn cảm thấy bạn phải sống theo những gì đồng phục đại diện, đó là hành vi vệ sinh hơn như không chạm vào mặt bạn hoặc tránh những nơi đông người và giãn cách xã hội”.
Benjamin Cowling, nhà dịch tễ học tại Đại học Hong Kong, bình luận: “Chúng tôi không thể nói nếu khẩu trang trên mặt không hiệu quả, nhưng chúng tôi cho rằng chúng có hiệu quả vì đó là sự bảo vệ mà chúng ta dành cho nhân viên y tế. Nếu khẩu trang được sử dụng cho nhiều người ở khu vực đông người, tôi nghĩ rằng nó sẽ có tác dụng đối với việc truyền tải công cộng, và hiện tại chúng ta đang tìm mọi biện pháp dù rất nhỏ để giảm lây truyền virus”.
Ở những quốc gia mà việc đeo khẩu trang không phải là chuẩn mực, chẳng hạn như phương Tây, những người đeo khẩu trang đã bị xa lánh hoặc thậm chí bị tấn công. Nhưng những xã hội ủng hộ tất cả mọi người đeo khẩu trang ngày càng nhiều. Có một số bằng chứng mới cho thấy có nhiều “người mang mầm bệnh thầm lặng” hơn, hoặc những người khỏe mạnh với virus xuất hiện ít hoặc không có triệu chứng. Tại Trung Quốc, người ta ước tính rằng 1/3 các trường hợp dương tính với virus không có triệu chứng. Trên Diamond Princess, con tàu du lịch cập cảng ở Yokohama, khoảng một nửa trong số hơn 600 trường hợp dương tính được tìm thấy trên tàu được tìm thấy không có triệu chứng. Một tỷ lệ tương tự các trường hợp không có triệu chứng đã được báo cáo ở Iceland.
Khẩu trang có thể là một sản phẩm của lịch sử gần đây, kinh nghiệm với dịch bệnh truyền nhiễm và chuẩn mực văn hóa. Nhưng khi quy mô của đại dịch gia tăng, cùng với bằng chứng và nghiên cứu, hành vi của chúng ta có thể sẽ thay đổi một lần nữa.