Thế giới đang thực sự lo ngại về 3 vấn đề lớn của nhân loại: trước hết là sự suy giảm tình dục, khuynh hướng sống độc thân và cuối cùng là sinh suất đang giảm đến mức báo động trên quy mô toàn cầu.
Sinh suất trung bình hiện chỉ còn 2,43 bé sơ sinh với bình quân 1 phụ nữ, chỉ cao hơn chút ít so mức thay thế kỹ thuật là 2,1 con. Mức này ở Hàn Quốc và Singapore chỉ còn cao hơn 1, ở đại lục Trung Quốc chỉ là 1,7 và ở Việt Nam cũng chỉ hơn 2 chút đỉnh kể từ những năm 2000 đến nay.
Khủng hoảng sinh đẻ trên quy mô toàn cầu
Trong ngắn hạn, suy giảm sinh đẻ chưa ảnh hưởng đến GDP do chính phủ mỗi nước đang tìm được phương cách để duy trì sự tăng trưởng. Nhưng với thời gian, ảnh hưởng của dân số mỗi nước sẽ được nhận rõ trên các khía cạnh khác nhau của môi trường kinh tế xã hội.
Chẳng những là sự giàu có làm thay đổi nhận thức về sinh con, mà đặc biệt Internet đang khuyến khích sự độc thân, tạo hẳn nên một nền kinh tế độc thân rộng lớn, hơn thế nữa còn làm suy giảm khả năng tình dục từ quan hệ tình dục thông thường giữa người với người sang quan hệ trong môi trường ảo với những công cụ hỗ trợ.
Để duy trì nòi giống nhân loại thì ít ra trung bình mỗi phụ nữ cần sinh được 2 con, nhưng câu “sinh 5 đẻ 7” của những năm 1960 nay chỉ còn là 2,43. Tăng trưởng dân số rất quan trọng đối với nền kinh tế. Điều đó có nghĩa là nhiều công nhân hơn để xây dựng nhà cửa và sản xuất hàng hóa, nhiều người tiêu dùng hơn để mua hàng đồng thời châm ngòi cho những đổi mới sáng tạo, nhiều công dân hơn để phát triển kinh doanh và đóng thuế.
Trong khi thế giới dự kiến sẽ có thêm 3 tỷ người so với thống kê hiện nay vào năm 2100 thì xem ra con số kỳ vọng này vượt quá cao. Tỷ lệ sinh giảm và dân số gia tăng tạo ra những thách thức nghiêm trọng, bắt đầu từ một số nước rồi lan nhanh sang các nước khác.
Trong khi sinh suất cần thiết để thay thế kỹ thật, tính cho năm 2017, là 2,1 con đối với một phụ nữ thì sinh suất thực tế của khoảng một nửa quốc gia hiện nay đã chìm xuống dưới mức này. Đối với những nơi như Hoa Kỳ và các vùng Tây Âu, nơi có lịch sử hấp dẫn người di cư, việc nới lỏng các chính sách nhập cư có thể bù đắp cho tỷ lệ sinh thấp.
Nhưng ở những nơi khác, các chính phủ đang phải chọn những chính sách can thiệp quyết liệt để điều chỉnh định mức về dân số. Nhưng hầu hết các lựa chọn đều đặt gánh nặng lớn lên phụ nữ, những người không chỉ lo việc sinh con mà còn giúp lấp đầy khoảng trống lực lượng lao động.
Tỷ suất sinh là một biến số phức tạp của nhiều yếu tố
Trên thực tế cuộc sống, mỗi chỉ số sau đây nói lên một phần của câu chuyện sinh sản toàn cầu: đó không chỉ là trung bình có bao nhiêu phụ nữ sinh con mà cả việc phụ nữ được hòa nhập vào lực lượng lao động như thế nào, thu nhập mà họ nhận được là bao nhiêu, và cả trình độ học vấn của họ. Bức tranh chung toàn cầu cho thấy sinh suất hiện nay ở mức 2,43 con 1 phụ nữ, 53% lực lượng lao động hiện hữu là nữ giới trong độ tuổi từ 15 đến 64, và thu nhập của họ chỉ bằng 2/3 đồng nhiệm nam giới. Nhưng khi đi vào đặc thù của từng quốc gia, chúng ta sẽ thấy không chỉ những khác biệt lớn lao mà cả các tương phản, và vì thế việc các chính phủ tìm cách quản lý sự gia tăng dân số không phải là điều gì mới mẻ.
Các nước Bắc Âu và nhiều nước khác đã trả lương hào phóng cho các bà mẹ trong thời gian nghỉ thai sản. Gần đây Trung Quốc hủy bỏ chính sách một con vốn đã tỏ ra hiệu quả trong việc đạt được những mục tiêu kinh tế xã hội, nhưng nay một cảm giác mới vừa khẩn trương vừa tuyệt vọng đã len lỏi vào nền chính trị đông dân nhất thế giới này khi họ tìm cách đảo ngược xu hướng suy giảm sinh đẻ hiện hữu. Đạt được sự tăng trưởng dân số mạnh mẽ không phải là đóng góp duy nhất cho tăng trưởng kinh tế mà nhiều khi mức sinh quá cao trở thành lực cản tăng trưởng GDP. Vấn đề trở nên nhạy cảm không chỉ ở tầm mức vĩ mô mỗi nước mà còn là những lý do đàng sau việc lựa chọn sinh con của mỗi phụ nữ.
Biểu đồ sinh đẻ ở Việt Nam đến nay vẫn còn dễ chịu, mặc dầu đã bắt đầu dao động ở mức thay thế kỷ thuật kể từ các năm 2000 trở lại đây. Mặc dầu chưa có chính sách điều chỉnh gì rõ rệt, người ta bắt đầu thay thế khẩu hiệu “mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh từ 1 đến 2 con” thành đoạn “nên sinh dủ 2 con”. Ngay cả sinh suất ở Nhật Bản cũng đang dễ chịu, thậm chí ngang bằng với mức sinh trung bình toàn cầu mặc dầu nhiều phụ nữ và nam giới chuộng sống độc thân. Vấn đề nặng nhất của họ là giải quyết dân số lão hóa đồng thời để mắt khuyến khích sinh đẻ. Nhưng với Hàn Quốc và Singapore, hai nước có sinh suất thấp nhất thế giới, chính sách hỗ trợ sinh đẻ trở thành quyết liệt.
Việc sinh đẻ trở thành nhận thức của mỗi phụ nữ
Chúng ta đang có những biến số liên quan đến kế hoạch sinh đẻ của từng phụ nữ: đó là trình độ học vấn; những áp lực của tuổi tác, thời gian, công việc và ảnh hưởng văn hóa; thu nhập cá nhân hay thu nhập gia đình và cuối cùng là ước muốn hay chấp nhận sinh con. Ở Pháp, sinh suất ổn định từ 2,9 năm 1960 xuống 1,9 năm 2017.
Phụ nữ tại đây đã có quyền bầu cử từ năm 1945 và họ nhanh chóng giành được quyền và vị trí xứng đáng. Họ có học vấn trung bình cao và mức thu nhập gần ngang bằng với đồng nghiệp nam giới. Từ xưa phụ nữ châu Âu đã có mức sinh con thấp, nhưng không phải là giảm sút đột ngột vì ở đó họ đã được hưởng những lợi ích hào phóng cho việc sinh đẻ và chăm sóc con từ các chính phủ.
Ở Ả Rập Saudi, vương quốc dầu mỏ giàu có, phụ nữ có trình độ văn hóa hạn chế và rất ít quyền lợi về kinh tế. Đây là nước có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp nhất, chỉ chiếm 25%, với mức thu nhập chỉ bằng 22% nam giới. Sinh suất đã giảm một cách tự nhiên từ 7,2 con trong năm 1960 xuống còn 2,4 năm 2017 do đất nước ngày càng giàu hơn, dẫn đến tuổi thọ cao hơn và gia đình thu nhỏ hơn.
- Xem thêm: Phụ nữ độc thân và các mối quan hệ
Trong khi đó việc giảm sinh suất từ 5,8 con năm 1960 xuống 1,7 năm 2017 tại Trung Quốc là do chính sách một con rất quyết liệt và kéo dài nhiều thập kỷ. Và nay khi chính phủ muốn lật ngược tình thế trước viễn cảnh lão hóa dân số thì phụ nữ đang chiếm đến 69% lực lượng lao động, phải rất đắn đo trong việc quyết định sinh con. Trái lại ở Nigeria, sinh suất chỉ giảm chút đỉnh, từ 6,4 xuống 5,5 mà hậu quả là kéo lùi nền kinh tế. Ngay cả dự luật về bình đẳng giới cũng bị đình trệ tại Thượng viện từ năm 2010!
Phải chăng khủng hoảng sinh đẻ dẫn đến khủng hoảng kinh tế? Không hẳn như vậy. Một nghiên cứu của Tổ chức hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy đối với hầu hết các nền kinh tế lớn, tăng năng suất là yếu tố quan trọng hơn cho sự tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội, quan trọng hơn cả tăng dân số hay tăng việc làm.
Nhưng đây không phải là một kết luận dễ dàng vì trong khi Trung Quốc tăng trưởng nhờ năng suất thì Pháp cân bằng giữa năng suất, dân số và việc làm. Ngược lại, GDP của Ả Rập Saudi lệ thuộc đến 62% vào dân số và Nigeria càng lệ thuộc hơn vào lao động tiềm năng và nhóm người tiêu dùng. OECD lưu ý rằng sự đóng góp tương đối năng suất để tăng trưởng đang giảm theo thời gian; điều này buộc các quóc gia phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề dân số của mình.