Tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet vừa đưa ra cảnh báo theo một nghiên cứu rằng hơn một nửa các quốc gia sẽ không đủ sức bù đắp dân số do sinh suất giảm xuống đáng kể, nhưng điều quan trọng nhất là số người già tăng lên rất nhanh so với số trẻ vào đời. Quả bom dân số đang đe dọa thế giới, mà nguyên nhân không chỉ là y học, việc làm mà còn là nhu cầu tự do và hiệu ứng Internet.
Về mặt y học, GS Christopher Murray tại Đại học Washington cho rằng nguyên nhân của sự suy giảm sinh đẻ là do phụ nữ được học nhiều hơn, có cơ hội việc làm và thăng tiến và các phương pháp ngừa thai.
Ông nói: “Nền văn hóa của chúng ta đang nhìn con trẻ dưới một lăng kính, theo đó có con đồng nghĩa với mất mát và gánh nặng: mất tự do, mất riêng tư, giảm thu nhập, ít có cơ hội đi du lịch, hạn chế sự độc lập và thậm chí cả tình dục”.
Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy và “hội chứng độc thân” nay đang trở thành một thứ văn hóa được tăng cường bởi hiệu ứng Internet.
Câu chuyện Nhật Bản
“Hội chứng độc thân” (celibacy syndrome) đang mỗi ngày một trở nên phổ biến và điều này không chỉ ảnh hưởng đến tỷ lệ dân số cùng hiện tượng lão hóa nhanh chóng tại một số quốc gia mà còn di lụy đến cả nền kinh tế.
Tờ The Guardian báo động về chuyện gì sẽ xảy ra cho một đất nước khi giới trẻ không muốn làm chuyện yêu đương, còn tờ Thời báo Nhật Bản dẫn kết quả điều tra cho biết gần một nửa thanh niên nam nữ nước này không biết đến hôn nhân, còn trang bbc.com đăng bài “Giới trẻ Nhật Bản đánh mất tình dục”. Nhưng đây thực sự là nổi lo rất lớn, mà cũng không phải của riêng nước Nhật.
Và thực sự đã là một nỗi lo: trang businessinsider.com gọi đây là thứ quả bom nổ chậm, trong khi trang tyglobalist.org của The Yale Globalist gọi đó là một tai họa. “Hội chứng độc thân”, trong tiếng Nhật là sekkusu shinai shokogun, lần đầu tiên được giới nhà báo Nhật Bản đặt ra để chỉ những người không còn ham muốn tình dục, không còn thích yêu đương lãng mạn, hẹn hò hay cưới hỏi.
Định nghĩa này ngay sau đó truyền sang các nước khác vì người ta cũng nhận ra tình trạng độc thân đang trở thành hội chứng đối với quốc gia hay với một nhóm người, nhóm nghề nghiệp nào đó, và hơn thế nữa là một hội chứng nguy hiểm rất khó sửa đổi hay chữa lành.
- Xem thêm: Phụ nữ độc thân và các mối quan hệ
Nếu ai hỏi một sinh viên Nhật Bản như Yuki Hayashi đang theo học tại Đại học Yale chẳng hạn về tình trạng độc thân, câu trả lời theo sau một nụ cười thâm thúy có thể là “văn hóa tình dục”.
Vâng, độc thân từ lúc nào đó đã trở thành một thứ văn hóa, một khuynh hướng xa lánh quan hệ và tình dục nam nữ.
Cuộc khảo sát năm 2011 của Viện Nghiên cứu quốc gia Nhật Bản về Dân số và An sinh xã hội cho biết 61% đàn ông và 49% phụ nữ không lập gia đình đang ở vào lứa tuổi từ 18 đến 34.
Một cuộc khảo sát khác thực hiện bởi Hội Kế hoạch hóa gia đình Nhật Bản cho thấy 45% thiếu nữ trong lứa tuổi 16 đến 24 không tỏ ra thích thú hoặc cả ghê tởm quan hệ tình dục với người khác.
Cuộc cách mạng gia đình
Dariusz Skowronski, một chuyên gia về bệnh học và trị liệu tình dục tại Tokyo, cho rằng có nhiều cách giải thích khác nhau về việc bùng nổ “hội chứng độc thân” đến trở thành trào lưu nơi giới trẻ.
Người ta thấy rằng những người mẹ đơn thân vẫn thành công trong sự nghiệp, và rồi nhiều phụ nữ không còn lệ thuộc vào đàn ông như nguồn cung cấp duy nhất nữa.
Và như thế, cuộc âm thầm nổi loạn bắt đầu chống lại cấu trúc gia đình truyền thống và những ràng buộc của nó thí dụ như việc coi hôn phối là điều bất khả xâm phạm.
Trên thực tế là các phụ nữ có nghiệp vụ chuyên môn tại Nhật Bản cũng như nơi nhiều nền văn hóa khác sẽ phải chịu áp lực kinh khủng, hoặc phải bỏ việc để lập gia đình, hoặc chọn cách sống độc thân như một tiên nữ.
Nhật Bản là một điển hình của nổi loạn gia đình: nhiều phụ nữ đã không muốn bỏ việc để chăm sóc con cái và cha mẹ già bên chồng, trong khi vị hôn phu của họ thường xa gia đình suốt cả tuần lễ, bỏ họ cô đơn một mình.
Đàn ông thường ngủ lại nơi công sở để tránh việc đi lại khó khăn, lâu ngày trở thành thói quen. Theo Skowronski, nhiều cặp vợ chồng Nhật Bản mỗi tuần chỉ nói chuyện với nhau có 17 phút.
Người đàn ông mỗi ngày một không muốn lập gia đình, một mặt vì họ có quá thừa phương tiện giải quyết sinh lý, mặt khác kinh tế đắt đỏ làm cho họ nãn lòng với việc cưới hỏi sống chung. Những cuộc nghiên cứu còn đi xa hơn nữa, cho biết nhiều cặp hôn phối Nhật Bản gần như mất hẳn cảm giác tình dục.
- Xem thêm: Âm nhạc và tình dục
Skowronski cho rằng hiện tượng không tình dục giữa những vợ chồng có thể đã bắt nguồn từ việc tách biệt hành động giao phối với bạn đời thành hai, và sự việc càng trở nên tồi tệ với những giờ làm việc văn phòng đối với đàn ông cứ tăng lên làm cho họ không còn ngó ngàng gì tới chuyện giường chiếu.
Quan hệ tình dục nay đã khác xa so với truyền thống gia đình trước đây, và sự nối kết trong vai trò người nam hay người nữ không còn chặt chẻ mà các nhà tâm lý học thường mô tả là hiện tượng “ông ăn chay” và “bà ăn mặn”, đặc biệt với việc biến mất sự hùng hỗ nơi người đàn ông. Với một số người trẻ đời mới thì quan hệ là việc phiền toái, giao phối chỉ là một thứ tai nạn, và đó chính là thứ mà các thanh niên thiếu nữ nay gọi là văn hóa tình dục.
Hiệu ứng văn hóa Internet
Những sản phẩm Internet được coi là tác nhân tàn phá các đặc trưng nam tính nơi nam giới đối với nữ giới, vốn đã được hình thành từ bao thế hệ.
Trả lời phóng viên Stuart Jeffries trên tờ Guardian số thứ bảy, Philip Zimbardo tỏ rõ sự lo ngại trước việc giới trẻ ngày nay có khuynh hướng rút lui khỏi cuộc đời thật và những mối quan hệ với phụ nữ để vùi mình vào thế giới ảo của những sản phẩm khiêu dâm và trò chơi điện tử.
Ông nói: “Nhóm thanh niên này đang sa sút thấy rõ, và chúng ta chưa nghĩ ra được giải pháp nào để giúp họ dừng lại. Đó là một nỗi đau, bởi bản thân tôi rất lạc quan. Thanh niên của chúng ta đang ở trong một thời kỳ khủng hoảng”.
Philip Zimbardo, 82 tuổi, giáo sư tại Đại học Stanford, là một nhà tâm lý hàng đầu thế giới, nguyên là Chủ tịch Hội tâm lý học Hoa Kỳ và là tác giả của khoảng 50 cuốn sách và 400 bài viết chuyên nghiệp.
Những vấn đề liên quan đến khủng hoảng nam tính ở nam giới được ông đề cập đến trong cuốn sách mới phát hành, Man (Dis)connected: How technology has sabotaged what it means to be male (Người (mất) kết nối: Ngành công nghệ đang tàn phá cái gọi là đàn ông như thế nào).
Cuốn sách được viết chung với Nikita D. Coulombe cho thấy tại sao các cậu trai không còn muốn tỏ ra mình là đàn ông như các thế hệ trước.
Trả lời phỏng vấn trong chương trình BBC World Service, GS Zimbardo tố cáo tình trạng nghiện Net, nghiện khiêu dâm mạng và nghiện trò chơi điện tử quá lố ở nam giới – bao gồm cả học sinh, thanh niên và người lớn – đang làm biến đổi cấu trúc bộ não.
Nói cách khác, bộ não của những người nghiện đang bị lập trình lại bằng công nghệ số, gọi là “digital rewired”. Ông và các đồng sự đưa ra kết luận này theo sau một cuộc nghiên cứu về cuộc sống của khoảng 20.000 người trong mối quan hệ của họ với trò chơi điện tử và sản phẩm khiêu dâm trên mạng.
Việc rút lui khỏi mối quan hệ thực tế và tình cảm vào một chỗ an toàn cho “sex” đang tạo nên một trong những khủng hoảng lớn nhất đối với nam tính. Nam giới đang dần dà từ chối phụ nữ mà thay vào đó họ tự tạo ra các nhân vật (persona) theo ý muốn của mình, ngay trên mạng.
Vấn đề thanh niên, đàn ông đánh mất nam tính đang là một sự thực nghiêm trọng và điều này góp phần đáng kể trong việc phổ thông hóa loại hình văn hóa độc thân và tình trạng suy giảm tình dục, suy giảm suất sinh, khi cả thanh niên nam và nữ đều có lý do và có môi trường để từ chối tình dục tự nhiên.
Nghiên cứu công bố trên The Lancet cho biết sinh suất toàn cầu đã từ 4,7 trong năm 1950 xuống còn 2,4 vào năm 2017. Tỷ suất để duy trì dân số là 2.1, nhưng khoảng một nửa các quốc gia hiện nay không còn đủ sức bù đắp dân số cho mình, cùng lúc này tiến bộ y học làm cho con người sống thọ hơn, tốc độ lão hóa dân số càng nhanh hơn.
Sự bù đắp, đặc biệt cho lực lượng lao động nay phải dựa vào dân nhập cư, chủ yếu từ các nước nghèo. Dù sao, văn hóa độc thân và hiệu ứng Internet đang làm thay đổi cấu trúc gia đình và xã hội và mỗi quốc gia phải chuẩn bị những giải pháp ứng phó, chẳng khác gì việc phải ứng phó với biến đổi khí hậu vậy.