Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 mới được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hồi tuần rồi. PCI 2013 ghi nhận quan điểm và cảm nhận của 8.093 doanh nghiệp tham gia khảo sát, đại diện cho khối doanh nghiệp dân doanh trong nước tại 63 tỉnh, thành phố, về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh. Vậy kết quả năm nay có gì mới?
Lần này, Đà Nẵng đã quay lại vị trí dẫn đầu và Tuyên Quang ở vị trí cầm đèn đỏ. Gương mặt thu hút sự chú ý của dư luận là Quảng Ngãi, bất ngờ vươn lên vị trí thứ 7, thuộc vào nhóm có chất lượng điều hành rất tốt. Trước đây tỉnh này chưa bao giờ vượt quá vị trí thứ 18. Quảng Ninh cũng là một nhân tố tích cực khác, khi lần đầu tiên có mặt trong tốp 4 (thứ hạng cao nhất trước đây là thứ 7 vào năm 2010).
Ngoài ba cái tên nêu trên, trong tốp 10 của bảng xếp hạng PCI 2013 còn có Thừa Thiên – Huế (thứ 2), Kiên Giang (3), Đồng Tháp (5), Bến Tre (6), Thanh Hóa (8), Cần Thơ (9) và TP.HCM (10).
CUỘC SO GĂNG 5 ĐẦU TÀU KINH TẾ TRONG PCI 2013
Ở chiều ngược lại, Bình Dương khiến không ít người ngạc nhiên khi rơi tự do xuống vị trí thứ 30 sau khi liên tục có mặt trong tốp đầu ở những năm trước. Số liệu điều tra cho thấy điểm số của chi phí gia nhập thị trường của Bình Dương sụt giảm nghiêm trọng. Vì sao? Hiện nay thời gian thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh ở Bình Dương vẫn là 15 ngày trong khi con số này ở một tỉnh trung vị chỉ là 10 ngày và nhiều địa phương khác vẫn đang nỗ lực rút ngắn thời gian này hơn nữa.
Chưa hết, ở chỉ số tiếp cận đất đai và tính minh bạch, Bình Dương cũng không bằng các năm trước. Có 35% doanh nghiệp cho rằng chính quyền tỉnh không đền bù thỏa đáng khi thu hồi đất để làm cơ sở hạ tầng hoặc khu công nghiệp. 41% doanh nghiệp phản ánh là cần có mối quan hệ mới được tiếp cận các tài liệu của tỉnh.
Nhưng yếu tố quan trọng hơn cả là doanh nghiệp cảm nhận họ đang đối mặt với tình trạng cạnh tranh không lành mạnh từ các doanh nghiệp có mối quan hệ đặc biệt với các quan chức của tỉnh và từ các doanh nghiệp nhà nước.
Thế còn Hà Nội và các địa phương “nổi đình nổi đám” gần đây khi thu hút được những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn như Samsung, Intel ở đâu?
Theo kết quả điều tra, Hà Nội dù đã có bước nhảy đến gần hai chục bậc nhưng vẫn đứng thứ 33 trong bảng tổng sắp của năm 2013, còn Bắc Ninh thứ 12, Thái Nguyên thứ 25.
PCI có gì mâu thuẫn không?
Liệu có điều gì mâu thuẫn không khi mà một số địa phương đang dẫn đầu về thu hút FDI lại không có mặt ở những thứ hạng cao? Nếu chất lượng điều hành kinh tếở những nơi này chưa tốt thì sao họ lại được các nhà đầu tư nước ngoài chọn để đặt cơ sở sản xuất.
Theo kết quả điều tra PCI 2013, khoảng một phần ba doanh nghiệp nhận thấy chính quyền các tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển kinh tế tư nhân. Cảm nhận rõ nét nhất chính là tại Thái Nguyên (46,3%), Phú Thọ (45%), Hải Dương (44,9%), Bà Rịa – Vũng Tàu (44,8%), Bắc Ninh (42,9%), Ninh Thuận (42,31%), là những nơi có lượng đầu tư nước ngoài lớn hoặc chính quyền đang tập trung mọi nỗ lực vào thu hút đầu tư nước ngoài.
Thực ra, theo nhóm nghiên cứu, bằng cách loại trừảnh hưởng của các yếu tố như lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng… tới sự tăng trưởng kinh tế (những điều kiện này tuy rất cần thiết cho sự tăng trưởng nhưng lại rất khó hoặc thậm chí không thể đạt được trong thời gian ngắn), thì kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng.
Điều này còn góp phần lý giải sự khác biệt về phát triển kinh tế giữa các tỉnh hoặc tại sao các tỉnh đạt kết quả phát triển kinh tế tương đồng mặc dù điều kiện truyền thống ban đầu của mỗi tỉnh rất khác nhau. Tập trung nâng cao chất lượng điều hành cấp tỉnh sẽ góp phần cải thiện sự phát triển kinh tế mà không nhất thiết đòi hỏi phải có ngay một sự thay đổi to lớn về cơ sở hạ tầng hay con người ở vùng đó.
Đó là góc nhìn của các nhà nghiên cứu, còn ở góc độ của người dân thì cách hiểu không như vậy. Thật khó lý giải vì sao qua chín lần công bố PCI, với chất lượng điều hành tốt như thế, với vị trí địa lý thuận lợi, một hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, Đà Nẵng lại chưa thu hút được những nhà đầu tư lớn.
Hiện Đà Nẵng, dù đứng thứ nhất, nhưng vẫn đang tìm cách để mời gọi các nhà sản xuất, cả trong nước lẫn nước ngoài, đến để phát triển những ngành sản xuất thực, thay vì dựa vào tiền bán đất để phát triển như những năm trước.
Có hay không sự đối xử không công bằng?
Một điểm đáng chú ý trong kết quả PCI 2013 là cảm nhận ngày càng tiêu cực về chất lượng điều hành kinh tế của địa phương xuất phát từ môi trường cạnh tranh thiếu bình đẳng. Trên thực tế, không ít các DNNN, các công ty lớn có mối quan hệ thân quen, hoặc các doanh nghiệp FDI đã lấy đi cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp dân doanh.
Theo nhóm nghiên cứu, 35% doanh nghiệp cho biết các DNNN, kể cả các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, được tạo thuận lợi nhiều nhất vì thường có quan hệ chặt chẽ với chính quyền. Số liệu của Tổng cục cho biết nhà nước hiện nắm cổ phần tại hơn 2.000 doanh nghiệp trên cả nước. Lãnh đạo hay chủ các doanh nghiệp này thường đã từng là lãnh đạo trong cơ quan nhà nước hay quản lý tại DNNN nên vẫn giữ được các mối quan hệ gần gũi với các quan chức chính quyền, do đó họ thường được quan tâm và có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực.
Khoảng 1/3 số doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát PCI cũng đồng tình là các doanh nghiệp lớn, về doanh thu và lao động, cũng được chính quyền tỉnh ưu ái nhiều hơn.
Có 35% doanh nghiệp đồng ý rằng ưu đãi dành cho các công ty lớn rõ rệt nhất là trong lĩnh vực mua sắm công; kế đó là hai lĩnh vực tiếp cận đất đai và tiếp cận vốn (27%). 26% doanh nghiệp cho rằng sựưu ái thể hiện trong các thủ tục hành chính, thường đơn giản và nhanh chóng hơn cho các doanh nghiệp lớn.
Với đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp tin rằng có một bộ phận quan chức tỉnh ưu tiên đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài hơn là phát triển doanh nghiệp dân doanh trong nước tại địa phương. Có đến 32% doanh nghiệp được hỏi có cùng quan điểm này, xét trên bình diện chung, Còn tại một số địa phương, cảm nhận này còn đậm đặc hơn, ví dụ nhưở Tuyên Quang có 49% doanh nghiệp đồng ý như vậy, hoặc Nam Định 46%, Hà Nam 44%. Tại Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hải Phòng, những trung tâm kinh tế của cả nước, cũng có đến 40% doanh nghiệp phàn nàn về việc doanh nghiệp FDI được ưu ái hơn.
CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH
Niềm tin kinh doanh vẫn chưa hồi phục
Hằng năm, PCI đều đo lường triển vọng kinh doanh trong hai năm tới của các doanh nghiệp tham gia khảo sát. Kết quả cho thấy sự lạc quan của doanh nghiệp đã sụt giảm đáng kể trong vài năm gần đây, từ mức 76% vào năm 2006 trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới xuống còn 33% ở khối doanh nghiệp trong nước và 28% ở khối doanh nghiệp nước ngoài.
Năm nay là năm thứ 9 công bố báo cáo PCI, qua mỗi năm, niềm tin của doanh nghiệp dân doanh lại sụt giảm đôi chút. Năm 2013, chỉ vỏn vẹn 6,4% doanh nghiệp trong nước tăng quy mô đầu tư, bằng với năm ngoái nhưng thấp hơn rất nhiều so với các năm trước, trung bình là 20%. Và cũng chỉ có 6,2% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng quy mô lao động, tỷ lệ này xấp xỉ năm ngoái và chỉ bằng một nửa của ba năm trước. Tâm lý bi quan dường như vẫn tiếp tục khi chỉ có 32,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI 2013 cho biết có ý định tăng quy mô kinh doanh trong vòng hai năm tới, trong khi con số này của các năm trước là từ 17% đến 74%, trừ năm 2012 cũng là một năm khó khăn không kém năm nay.
Các doanh nghiệp FDI vẫn trong tình trạng tương tự. Chỉ 28% doanh nghiệp FDI có ý định tăng quy mô kinh doanh trong vòng hai năm tới. Năm 2013, tăng trưởng vốn và lao động của doanh nghiệp cũng thấp hơn năm trước.
Quế Thanh