Bà xã tôi nói: Anh chịu khó lắng nghe này, mạng xã hội trước đây dữ tợn ném đá, nhưng không đáng sợ mấy. Những anh ném đá tục tĩu, lòi ra thô thiển, phơi mình trước thiên hạ. Những anh bình loạn “cố tỏ ra nguy hiểm” nhưng lòi ra trình độ nhận thức, trình độ văn hóa thấp quá, dân mạng coi thường. Những anh cực đoan hở chút cất lời chửi chế độ, bây giờ mà nói không công tâm, không hiểu biết thì dân mạng cũng coi thường.
Nó thể hiện những điều đó thế nào?
Là người ta bỏ qua không đọc, không “like”, không “còm”. Hoặc là “còm” trở lại vạch ra cái không đúng. Đơn giản hơn, người ta kéo ngay đường link một bài nào đó thích đáng hơn, đúng đắn hơn lời kém cỏi của chủ nhân. Thế là bàn dân thiên hạ đọc và so sánh, lộ ra liền.
Đã đến thời kỳ những hình chụp “selfie” chu miệng chẳng đẹp đẽ gì, người ta không còn quá nhiệt thành khen vờ “đẹp tóa” nữa rồi.
Bây giờ, mạng xã hội “nguy hiểm và hữu ích” hơn. Người ta phải nể sợ nó hơn, chứ không mặc kệ nó được nữa rồi. Các nhân vật được mạng xã hội phê phán cũng phải “lên tiếng” hoặc xin lỗi hoặc giải thích, tranh cãi trở lại chứ không im lặng.
- Xem thêm: Cảm ơn giáo sư Peter Jones
Thí dụ, ca sĩ Mỹ Linh được vinh dự hát đơn ca bài quốc ca Việt Nam bên cạnh ca sĩ nước ngoài hát quốc ca Mỹ. Thiên hạ chê Mỹ Linh hát dở, không hoành tráng mà “xìu xìu ển ển”.
Miệng lưỡi dân mạng ác lắm, có kẻ nói như hát “hồn tử sĩ”, có kẻ hăng tiết chê cô như tội đồ “không ai có quyền đem Quốc ca linh thiêng ra làm thể nghiệm”, hát đơn ca chẳng có nhạc nhẽo gì. Ôi trời, đủ lời nặng nhẹ, suy diễn buộc tội.
Ca sĩ phải lên tiếng giải thích, cô được Đại sứ quán Mỹ chọn, và hình thức đơn ca không nhạc đệm là do sáng kiến đề nghị của họ.
Cô thừa nhận mình gặp tai nạn nghề nghiệp khi hát không có dàn nhạc nên bắt vào bài với tông hơi thấp. Rồi ca sĩ Hồng Nhung có bài dài giải thích, bênh vực Mỹ Linh. Con trai cố nhạc sĩ Văn Cao, rồi chồng Mỹ Linh cũng có ý kiến.
Thấy chưa, mạng xã hội có uy ghê lắm. Cái vụ nóng nhất chính là chương trình “60 phút mở” của VTV với cả một “dàn sao” xuất hiện tranh luận việc chia sẻ trên Facebook để làm gì.
Mạng xã hội rộ lên, coi là màn đấu tố MC Phan Anh. Chỉ vì anh MC này trước đây đã “share” một thông tin sai. Tai hại ở chỗ vì anh là người nổi tiếng cho nên cả ngàn người hâm mộ anh thi nhau “share” lại và cái thông tin đó được quảng bá nhanh chóng. Nhà đài muốn nhân đây nhắc về thái độ thận trọng cần thiết khi sử dụng mạng xã hội.
Dân mạng “lồng lên dữ dội” phản ứng, mạt sát đến nỗi nhà đài phải gỡ clip chương trình trên YouTube.
Một nhà báo già “thất nghiệp” cũng phải nhảy vào viết ngay một “Xì ta tút”:
Vì sao “60 phút mở”?
Chủ đề tốt – trách nhiệm trước không gian công cộng.
Cách làm hay, tranh luận nhiều phía. Quý vị tham dự chương trình đều là người giỏi cả. Nhưng:
Chọn sai nhân vật và sự kiện để phê phán rút kinh nghiệm.
Chọn Phan Anh là quý vị thua rồi. Không những MC này đẹp trai lịch lãm mạnh mẽ bảo vệ ý kiến mình (anh được công chúng yêu, đại diện cho quan điểm công chúng muốn tự do chia sẻ – không im lặng. Có nhiều người còn cho rằng Facebook là chốn riêng tư tha hồ nói).
- Xem thêm: Đua nhau nói kiểu… “showbiz”
Quan trọng hơn, anh chỉ “share” một tin “nóng” của đài VTC. Tin sai không phải lỗi của anh. Kiểm chứng là kỷ luật của nghề báo, đài kia phải chịu. Không thể bắt anh kiểm chứng (công chúng còn được dịp tố chính VTV nhiều vụ có kiểm chứng được đâu, sai đầy ra kia).
Sau nữa, là những người “bên kia” gồm một nữ nhà báo tài giỏi nhưng nói băm bổ và hay cắt ngang như “ngồi vào họng” người ta, không chịu lắng nghe. Một nhà thơ nổi tiếng nữa thì giọng the thé sấn sổ. Tất cả tạo nên không khí “đấu tố” bị la ó.
Nghe tất cả nhận xét này của bà xã, tôi rút ra kết luận: Mạng xã hội ghê gớm đáng nể hơn, trưởng thành hơn.
Và bà vợ tôi thì… cũng thế, ngày càng “nguy hiểm”.