Ngày 5-8-2016 tới đây, Thế vận hội mùa hè Olympic Rio 2016 sẽ khai mạc tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil. Trong hàng loạt sự kiện đang và sẽ diễn ra trước thềm đại hội thể thao lớn nhất hành tinh, không thể thiếu các hoạt động mỹ thuật. Vốn là xứ sở nổi tiếng về tranh tường đường phố, với các tên tuổi được biết đến khắp thế giới tạo hình như anh em Otavio và Gustavo Pandolfo, Herbert Baglione, GAIS, Rimon Guimarães, L7m…, đặc biệt là ngôi sao Eduardo Kobra, người vừa hoàn tất bức tranh tường 3.000m2 theo đặt hàng của Ủy ban Olympic Brazil và Hội đồng thành phố Rio de Janeiro.
Trong suốt ba tuần làm việc gần như không nghỉ, mỗi ngày dành ra 11 giờ, Kobra và các trợ thủ của anh đã chạy đua với thời gian để kịp hoàn tất tác phẩm khổng lồ trên một bức tường dài được chỉnh trang, làm mới lại ở khu vực cảng của thành phố Rio de Janeiro, trước khi hàng vạn du khách đến đây để theo dõi các cuộc tranh tài của Thế vận hội. Để vẽ phần trên cao của bức tranh độc đáo này, Kobra thường phải ngồi trên một chiếc xe cẩu có thùng trong nhiều giờ. Chỉ riêng công việc vá các lỗ hổng, các vết nứt…, sơn trắng lại bức tường nguyên là của một xưởng đóng tàu biển trước khi vẽ lên đó, anh và các đồng sự đã mất trọn 15 ngày. Bức tranh tường được vẽ bằng sơn xịt, acrylic và được phủ một lớp véc-ni bảo vệ. Tổng cộng, Kobra và ê-kíp của anh đã dùng tới 2.000 bình sơn xịt, 200 lít acrylic và 100 can véc-ni.
Trong tác phẩm được Kobra đặt tên Tất cả chúng ta là một, có năm khuôn mặt người, tượng trưng cho năm châu lục trên thế giới và được vẽ bằng năm màu sắc: xanh lam, xanh lục, đen, đỏ và vàng – cũng là màu của năm vòng tròn trên lá cờ của Tổ chức Olympic quốc tế (màu vàng – châu Á, màu xanh lục – châu Âu, màu đen – châu Phi, màu xanh lam – châu Đại Dương, màu đỏ – châu Mỹ; năm vòng tròn đan vào nhau trên nền màu trắng như sự bình đẳng, tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia, các châu lục, cũng chính là ý nghĩa của Thế vận hội).
Về tạo hình năm gương mặt trong bức tranh tường, Kobra vẽ năm chân dung những người thuộc các sắc tộc thiểu sốở các châu lục: người dân tộc Karen ở Thái Lan đại diện cho châu Á, người Huli ở Papua New Guinea đại diện cho châu Đại Dương, người Tapajos ở vùng Aazone của Brazil đại diện cho châu Mỹ, người Chukchi ở Siberia đại diện cho châu Âu và người Mursi ở Ethiopia đại diện cho châu Phi. Tại sao Kobra lại chọn các sắc tộc thiểu số đó để thực hiện tác phẩm? Ông cho biết: “Bởi vì trên thế giới người ta đang ngày càng không chấp nhận những gì khác biệt với mình, chẳng hạn người tỵ nạn không được chấp nhận ở châu Âu. Tôi hy vọng trong tinh thần Olympic, bức tranh tường này sẽ giúp nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta dù hoàn toàn khác biệt nhau nhưng là một: loài người”.
Eduardo Kobra sinh năm 1976 trong một gia đình nghèo khó ở khu ổ chuột Campo Lindo của São Paulo, thành phố lớn nhất và cũng đông dân nhất thuộc bang cùng tên ở Brazil. Năm 12 tuổi, Kobra bỏ học như phần lớn thiếu niên gia đình nghèo ở São Paulo và bắt đầu tham gia cuộc sống của các nhóm trẻ bụi đời trên đường phố. Sau đó, cha mẹ anh chuyển nhà tới một đô thị khác cũng thuộc bang São Paulo với mong muốn cậu con trai sẽ đi học lại nhưng bất thành. Cậu chỉ thích vẽ, không phải trên giấy mà trên các bức tường. Lúc đó, phong trào graffiti đang phát triển mạnh và Kobra đã gia nhập một nhóm thiếu niên chuyên vẽ graffiti trên đường phố, điều mà các trường học ở São Paulo cấm đoán học sinh. Đam mê vẽ graffiti, Kobra mải miết vẽ trên các bức tường mà những nhà phê bình đầu tiên là người qua đường dừng lại ngắm nhìn, bình phẩm. Điểm ngoặt trong “sự nghiệp” vẽ tranh tường đường phố của cậu bé là khi Kobra bị cảnh sát tóm cổ, thế nhưng vị thẩm phán sau khi đến xem những gì tên tội phạm nhỏ tuổi vẽ đã không buộc tội cậu mà còn cho phép Kobra vẽ một bức tranh trên tường của trụ sở cảnh sát!
Tài năng nghệ thuật của Kobra được chính thức công nhận vào năm 1987, khi anh được vẽ tranh trên các bức tường vùng ngoại vi của thành phố São Paulo, sau đó là trong khu vực trung tâm thành phố. Đồng hành cùng với các dự án phát triển đô thị của São Paulo, Kobra đẩy mạnh dự án tranh tường đường phố có tên “Những bức tường của ký ức”, qua đó tìm kiếm những cách thức nhằm biến khung cảnh các vùng ngoại vi São Paulo thường là nhếch nhác, khó coi trở nên dễ nhìn hơn, đẹp mắt hơn bằng nghệ thuật và qua đó lưu giữ những ký ức của một thành phố vốn là trung tâm của cả châu Mỹ Latinh. Dự án tranh tường đầy tham vọng này là sự kết hợp giữa những nỗi hoài nhớ quá khứ với tiến trình hiện đại hóa đô thị, được thể hiện qua những tranh tường khổng lồ, vẽ theo luật phối cảnh, tái tạo lại những thời khắc, những giai đoạn đáng nhớ nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của São Paulo cùng những công dân của São Paulo đã góp phần làm nên thanh danh của đô thị vĩ đại này như kiến trúc sư kiệt xuất Oscar Niemeyer, tay đua xe Công thức 1 Ayrton Senna…
Và không chỉở São Paulo, ở thủ đô Brasilia cũng như nhiều đô thị lớn khác của Barzil mới có tranh tường của Kobra, ngày nay khi dạo bước trên các đường phố New York, San Francisco, Los Angeles, Minneapolis (Mỹ), Milan (Ý), Moskva (Nga)… du khách được dịp ngắm nhìn những tác phẩm hoành tráng và lôi cuốn thị giác của Kobra. Nếu như hội đồng thành phố Moskva đặt anh vẽ chân dung nghệ sĩ múa ballet vĩ đại nhất mọi thời của nước Nga là Maya Plisetskaya (1925-2015) thì thị trưởng thành phố Milan mời anh đến vẽ chân dung Malala Yousafzai, cô nữ sinh Pakistan đã chống lại bọn Taliban và bị chúng mưu sát, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2014 cũng là người trẻ nhất đoạt giải Nobel trong lịch sử. Trong số các nhân vật lịch sử, khoa học và nghệ thuật nổi tiếng đã được Kobra khắc họa chân dung trên tranh tường khổng lồ có Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, nhà bác học Albert Einstein, đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà điêu khắc Auguste Rodin, các họa sĩ Salvador Dali, Andy Warhol và Basquiat, các ngôi sao âm nhạc The Beatles, Bob Dylan, Ray Charles, David Bowie, Kurt Cobain, Jim Morrison, Bob Marley, các rapper Tupac Shakur và Biggie…
Trong một phóng sự được phát trên hệ thống truyền hình PBS của Mỹ, được thực hiện vào cuối năm 2013 khi Kobra và ê-kíp của anh sang Mỹ vẽ các họa sĩ Salvador Dali và Andy Warhol, các rapper Tupac Shakur và Biggie, suốt ba tuần làm việc của họ, hàng ngàn người đã đến xem, nhiều người đã không chỉ một lần hay chỉ trong một khoảng thời gian mà đã đến xem mỗi ngày cho đến khi các tác phẩm được hoàn tất.
- Lê Bản