Ngày mà các cử tri Pháp bước vào cuộc bầu cử gay go để chọn ra một vị tổng thống có đủ năng lực điều hành đất nước cũng là dịp để các nhà nghiên cứu đặt ra những vấn đề kinh tế quan trọng mà vị tân tổng thống sẽ phải giải quyết (theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ vòng 1 diễn ra ngày 23-4-2017, hai ứng viên đứng đầu và lọt vào vòng 2 diễn ra ngày 7-5 là ông Emmanuel Macron, với 23,9% số phiếu và bà Le Pen, với 21,7% số phiếu). Bên cạnh hai điểm nổi bật của nền kinh tế Pháp là mức sống và năng suất lao động cao, tình trạng thất nghiệp sẽ là một trong những vấn đề hàng đầu, với gần 3 triệu người đang tìm kiếm việc làm, chiếm 10% lực lượng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp này chưa phải là quá tệ hại so với một số nước châu Âu khác, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình của khu vực, đặc biệt cao hơn rất nhiều so với Đức (dưới 4%), Anh (dưới 5%), và Hà Lan, Áo (dưới 6%). Theo nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chính phủ Pháp sẽ rất khó giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới mức 8,5%. Nguyên nhân chính, theo IMF, là sự “cứng nhắc về cơ chế đã bám rễ sâu” khiến cho thị trường lao động nước Pháp thiếu đi tính thích ứng với những chuyển biến của nền kinh tế. Thêm vào đó, dù công nhân có năng suất lao động rất cao, nước Pháp lại thiếu các xí nghiệp vừa – vốn là cái xương sống của nền kinh tế (như ở Đức). Pháp có các nhà quản lý và kỹ sư có kỹ năng cao, hạ tầng cơ sở, trong đó có hệ thống vận chuyển và năng lượng tốt, nhưng điều này cũng phản ánh chi phí về người lao động rất cao, hậu quả là các doanh nghiệp không muốn thuê mướn lao động có kỹ năng thấp vì sợ tốn kém; thay vào đó, họ đầu tư cho thiết bị hoặc các phần mềm. Thế là dù đạt năng suất cao, nền kinh tế Pháp lại có mức độ tăng trưởng chậm.
Một vấn đề khác của nền kinh tế Pháp là gánh nặng nợ công, chiếm gần 100% GDP hằng năm, trong khi trước lúc bước vào thế kỷ XXI, tỷ lệ này không đến 60% GDP. Nhận định về sự kiện trên, IMF cho rằng các động lực thuế khóa dễ dàng đi chệch hướng, gánh nặng nợ nần tăng nhanh, sự tăng trưởng kinh tế yếu ớt sẽ ảnh hưởng tai hại đến các khoản thu nhập về thuế khóa.
Cuối cùng, tính cạnh tranh của nền kinh tế Pháp đang đứng trước những thử thách nghiệt ngã khi chi tiêu công trong năm 2016 chiếm tới 56,5% GDP, mức chi cao nhất so với bất cứ một nền kinh tế phát triển nào. Người dân được hưởng mức dịch vụ công rất cao; bù lại, họ và các doanh nghiệp cũng phải trả một lượng thuế rất lớn. Việc sử dụng đồng tiền chung châu Âu thay vì một đồng tiền riêng cũng sẽ khiến cho Pháp khó phục hồi tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế một khi đồng euro bị giảm giá. Chắc chắn rằng các ứng cử viên tổng thống Pháp trong cuộc bầu cử đang diễn ra sẽ không thể coi nhẹ các vấn đề này.
- LHCT tổng hợp