Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa công bố báo cáo về tình hình việc làm cả nước trong quý IV-2016, thêm lần nữa cho thấy bài toán dư thừa lao động trình độ học vấn cao vẫn chưa có lời giải và tình hình sẽ còn căng thẳng hơn trong thời gian tới.
Các chỉ số chính như tỷ lệ thất nghiệp nói chung, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm có chuyên môn kỹ thuật, thất nghiệp ở thành thị, thất nghiệp trong nhóm thanh niên, thu nhập trung bình của người lao động trong quý IV-2016 có xu hướng xấu đi.
Điểm đáng chú ý trong báo cáo lần này là số lượng người thất nghiệp có chuyên môn kỹ thuật đã tiếp tục tăng cao. Nhóm này, với tổng số 471.000 lao động, chiếm 42,43% tổng số lượng người thất nghiệp. Nhìn sâu vào cơ cấu trong nhóm, chiếm nhiều nhất là nhóm trình độ “đại học trở lên” (218.800 người, tăng 16.500 người so với quý III-2016), tiếp theo là nhóm “cao đẳng” (124.800 người, giảm 5.900 người) và nhóm “trung cấp” (70.200 người, giảm 14.100 người).
Hiện có khoảng 100.000 cử nhân chấp nhận kiếm sống bằng công việc đơn giản không cần bằng cấp. Tình hình không thấy sáng hơn trong năm 2017. Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này?
Trước hết là tình trạng mất cân đối trong cơ cấu đào tạo hiện nay, theo đó cứ một người được đào tạo đại học thì chỉ có 0,36% là cao đẳng, 0,68% là trung cấp và 0,86% là sơ cấp. Cơ cấu này đi ngược lại với yêu cầu phát triển lao động bình thường. Quan điểm theo học ngành nghề gì để khi ra trường sẽ làm công chức, sau này được nhàn thân, vẫn còn phổ biến.
Thứ hai là hoạt động tư vấn và hướng nghiệp cho học sinh chưa tốt, thông tin thị trường lao động, nhất là việc kết nối nhu cầu, chưa được quan tâm.
Và thứ ba là chất lượng đào tạo tại các trường, cơ sở giáo dục đào tạo cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp.
Hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm gây lãng phí cho gia đình và cho xã hội. Theo ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội, để giảm được tỷ lệ cử nhân ra trường thất nghiệp thì cần phải có hàng loạt các biện pháp lâu dài, bởi không thể một sớm một chiều thay đổi được nhận thức của gia đình cũng như xã hội. Và quan trọng nhất là cải cách hệ thống giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo.
Trong ngắn hạn, một việc có thể làm nhanh là gỡ bỏ những điều kiện, rào cản kinh doanh để doanh nghiệp tư nhân tham gia mạnh mẽ vào đào tạo nghề thu hút số học sinh không có điều kiện đi xa hơn trên con đường học vấn. Hiện tại, việc thành lập trường nghề tư nhân vẫn còn vướng với rất nhiều “giấy phép con” và thủ tục phức tạp. Chính phủ cần kiên quyết gây áp lực để Bộ LĐTBXH cải cách nhanh thị trường đào tạo quan trọng này. Nên giao cho tư nhân những việc mà Nhà nước không quán xuyến hết hoặc không làm tốt.
Với xu hướng tăng trưởng yếu của nền kinh tế (qua việc GDP trong quý I-2017 chỉ tăng 5,1% – theo Tổng cục Thống kê), bức tranh lao động và việc làm sẽ còn có thể tiếp tục xấu đi trong thời gian tới. Những số liệu về lao động, việc làm, tăng trưởng GDP là những con số biết nói, đặt ra cho Nhà nước và toàn xã hội phải có quyết tâm lớn mới giải quyết được vấn đề “thất nghiệp đại học”.
- Lê Minh