Văn phòng của công ty tôi (cũng là nhà tôi ở luôn) nằm lẫn trong khu dân cư nghèo của một phường ở quận 7. Trước đây, hàng xóm của tôi sống nhờ làm ruộng, bắt cá bắt ốc; nay ruộng chẳng còn, ao rạch cạn kiệt, họ quay qua làm thuê làm mướn, mua thúng bán bưng đắp đổi qua ngày.
“Trong đám thằng mù thằng chột là vua” trong hoàn cảnh tự nhiên này công ty của tôi trở thành “nhà giàu” còn tôi và các cộng sự của mình trở thành “người khá giả”. Đã là “người khá giả bất đắc dĩ” thì phải hành xử như người khá giả thứ thiệt, khi những những người hàng xóm lâm vào hoàn cảnh không còn nơi chốn bấu víu thì họ sẽ tìm đến chúng tôi bất kể trong hay ngoài giờ làm việc, bất kể sáng sớm hay tối mịt để lúc thì “mẹ chết không có hòm chôn”, khi thì “cả vợ và hai đứa con đều nằm viện”, kể cả chuyện trở dạ mà không có tiền đi bệnh viện sanh con v.v… Đám cưới còn có cái dự cái không chứ đám tang thì dứt khoát “người khá giả” phải xuất hiện. Lại còn ngày 1/6, Tết Trung thu, mùa khai trường thì quà có năm lên đến hàng ngàn phần dù mỗi phần có chút xíu nhưng phải “ăn đồng chia đủ” vì trẻ con vốn hay tỵ nạnh. Tôi nói nhưng thật ra là “lệnh” cho cộng sự của mình: “Không được phép để cho bất cứ ai ở chung quanh công ty mình bị đói”. Nhờ vậy các em không ngạc nhiên khi có những người già, người cơ nhỡ cầm tô đến xin cơm nhưng lại bắt bẻ “Tại sao không có thức ăn?”, “Hết thức ăn rồi thì cho trứng cũng được!”. Tôi với các cộng sự của mình làm từ thiện không còn là ý thức nữa, mà đã trở thành vô thức: Cứ “đến hẹn lại lên” và làm xong là quên tức thì. Đó là cái kiểu làm từ thiện của công ty tôi – một công ty nhỏ chưa bị áp lực thời gian nhiều nên “lấy công bù của”
Ở các công ty đàn anh đàn chị bề thế thì người ta làm từ thiện trong khả năng và điều kiện của họ, do đó có rất nhiều kiểu. Có người quá bận rộn nên để dành một số tiền hằng quý gởi cho Viện Tim để tài trợ cho một ca mổ tim nào đó mà người cho không biết ai nhận, người nhận cũng không biết ai cho. Có khi đến ngày rồi mà chưa thấy Viện Tim cử người qua nhận họ gọi điện nhắc nhở và… đổ quạu! Có người trích lợi nhuận của công ty mình gửi cho Câu lạc bộ Bác sĩ trẻ để họ mua thuốc tổ chức đoàn đi khám bệnh từ thiện như một hình thức liên doanh “ kẻ có công, người có của” và dù chưa một lần đi theo đoàn khám bệnh họ vẫn hể hả kể với tôi rằng: “Lúc này người Kinh làm ăn khá rồi nên không còn khám bệnh từ thiện nữa, đoàn chỉ còn khám cho đồng bào dân tộc thôi”. Lại còn một kiểu làm từ thiện thật đặc biệt mà không nói ra thì không ai biết đó là cách làm từ thiện của cô bạn tôi – giám đốc điều hành liền lúc ba công ty. Có lần tôi bước chân vào văn phòng làm việc của chị ấy theo giờ hẹn đúng lúc cô đang nói chuyện điện thoại: “Tui ba cái hòm, OK! Còn anh mấy cái?”… thì ra bạn tôi “thầu” tặng hòm cho những xác chết cơ nhở vô thừa nhận. Làm từ thiện cho người sống thi thoảng còn nhận được lời cám ơn, chứ người chết thì… Tôi hỏi bạn của mình: “Sao bồ làm từ thiện giống đóng phim kinh dị vậy?”. Cô bạn trả lời tỉnh queo: “Có người lo cho người sống thì cũng phải có người lo cho người chết chứ”!
Đó là những cách làm từ thiện âm thầm, song lại có nhiều cách rầm rộ nữa. Thỉnh thoảng trên báo có ảnh một ông hay bà áo quần bảnh bao, vóc người no đủ, tay cầm bao thư đưa cho những người già, người ốm yếu (một hình ảnh thật tương phản!). Có những buổi lễ ký sổ vàng trang trọng nhưng dứt khoát phải có báo, đài, phải được quay phim và chụp ảnh!
Làm từ thiện là một việc chung, không phải của riêng ai. Riêng doanh nhân thì thường rộng tay hơn người khác, vì vậy xã hội hay kỳ vọng vào họ. Tôi thiết nghĩ nhà nước cần phải tiếp cận vấn đề từ thiện một cách căn cơ hơn bằng một chính sách vĩ mô như điều tiết thu nhập, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, trích thuế, trích quỹ BHXH v.v. để người nhận không còn mặc cảm đi xin và người cho không áy náy tâm trạng ban phát. Làm từ thiện như hiện nay na ná như trị bệnh “đau đâu chữa đó”. Tôi mơ ước rồi sẽ có một ngày kể lại chuyện làm từ thiện đời nay cho con cháu mình nghe như kể một chuyện cổ tích, vì đến thời đó những mảng đời bất hạnh sẽ không còn.